.

Nam châm "hút" người tài

.

Sau nhiều năm “trải thảm”, tính đến nay, thành phố đã tiếp nhận và bố trí công tác cho 1.269 đối tượng thu hút, trong đó, tiến sĩ: 19 người; thạc sĩ, bác sĩ nội trú, chuyên khoa I, II: 289 người, đại học: 961 người.

Điều Phó Giám đốc Trần Văn Nam đặc biệt ấn tượng chính là sự quan tâm, chăm lo của thành phố đối với người tài. Ảnh: T.T
Điều Phó Giám đốc Trần Văn Nam đặc biệt ấn tượng chính là sự quan tâm, chăm lo của thành phố đối với người tài. Ảnh: T.T

Chính sách thu hút nguồn nhân lực được thành phố Đà Nẵng thực hiện từ năm 1998. Đến năm 2000, Quyết định số 86/2000/QĐ-UB ngày 2-8-2000 của UBND thành phố về thực hiện một số chính sách, chế độ đãi ngộ ban đầu đối với những người có học hàm, học vị, những cán bộ có trình độ chuyên môn cao tự nguyện đến làm việc lâu dài tại thành phố và chế độ khuyến khích đối với cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại thành phố Đà Nẵng ra đời, mở đầu cho việc thực hiện chính sách thu hút như một giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của thành phố.

Đà Nẵng là quê hương thứ hai

Tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu – Đại học Kiến trúc Hà Nội, có việc làm đáng mơ ước với nhiều sinh viên mới ra trường ngay tại Thủ đô, song chàng trai xứ Quảng vẫn quyết định trở về “thành phố quê hương”… Đó là câu chuyện của Phó Giám đốc Công ty Quản lý nhà chung cư thành phố Đà Nẵng Trần Văn Nam cách đây 15 năm.

Lý do anh Nam lựa chọn Đà Nẵng chính là “sức trẻ” của thành phố. Những năm 2001-2005, Đà Nẵng chuyển mình mạnh mẽ với tốc độ đô thị hóa, chỉnh trang đô thị, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhanh chóng đã tạo nên “sức hút” đặc biệt với một người trẻ đầy hoài bão, nhiệt huyết. 15 năm nay, khi là chuyên viên thẩm định mảng kiến trúc công trình các dự án đầu tư xây dựng tại Đà Nẵng hay cương vị Phó Giám đốc tại Công ty Quản lý nhà chung cư (từ tháng 3-2011 đến nay), anh Nam luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Bộ Xây dựng, UBND thành phố ghi nhận.

Hiện tại, anh đang ấp ủ đề tài liên quan đến xây dựng chiến lược phát triển nhà ở của thành phố, trong đó tập trung đi sâu vào công tác quy hoạch định hướng, quy hoạch tổ chức không gian ở, các cơ chế chính sách trong công tác quản lý Nhà nước và nguồn lực phát triển, với mong muốn nhân rộng không gian ở cho các đối tượng chính sách, người nghèo, những người thực sự cần chỗ ở trên địa bàn thành phố.

Chị Đỗ Thị Nguyệt Minh, Chi cục trưởng Chi cục Văn thư – Lưu trữ, Sở Nội vụ thành phố, cũng chọn Đà Nẵng là quê hương thứ hai, theo diện thu hút nhân tài, cũng cách đây 15 năm. Với chị Nguyệt Minh, từ bấy đến nay là thời gian làm việc và cống hiến “đầy cảm xúc”! Với vị trí công tác hiện tại, nhiều người có thể hiểu nhầm rằng lĩnh vực được phân công đảm nhận với chuyên ngành được đào tạo (ngành Luật) không phù hợp.

Tuy nhiên, với chị Minh, việc được đào tạo chuyên ngành Luật giúp chị thuận lợi trong việc tiếp cận các quy định của pháp luật đối với lĩnh vực công tác được phân công để nghiên cứu tham mưu áp dụng vào thực tiễn tại thành phố. “Đối với tôi, chế độ đãi ngộ lớn nhất của thành phố là sự tin tưởng từ các cấp lãnh đạo đối với cán bộ trẻ; sự hỗ trợ của đồng nghiệp vì mục tiêu chung; sự ghi nhận, đánh giá công tâm đối với đóng góp của tất cả mọi người…”, chị Nguyệt Minh chia sẻ.

Để người tài tận hiến

Đối với Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố Lê Cảnh Dương, cuộc trò chuyện vào một buổi chiều tháng 11, năm 1997 với cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh khiến anh nhớ mãi. Trong hơn 2 giờ đồng hồ nói chuyện, tương lai tươi sáng của thành phố Đà Nẵng, với những hướng đi cụ thể, vững chắc do cố Bí thư đưa ra khiến chàng sinh viên tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành Ngoại ngữ  - Đại học Đà Nẵng khi đó say mê.

Nhưng điều khiến vị tân Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng “khắc cốt ghi tâm” là lời dặn chân thành, thấm thía của cố Bí thư rằng, muốn làm ra việc thì không có cách nào khác là “phải cày như người nông dân”! Ngoài ra, trong tất cả mọi việc, mọi mối quan hệ, tuyệt đối không được chủ quan, hời hợt…

Trò chuyện với chúng tôi, vị giám đốc trẻ không muốn nói nhiều về những thành tích của bản thân, anh muốn giành tất cả cho người trẻ, những người sẽ tiếp tục thế hệ “gạch nối” như anh dựng xây thành phố. Theo anh Lê Cảnh Dương, mặc dù thành phố đã và đang rất quan tâm, nhưng người trẻ cần được quan tâm, tạo điều kiện hấp dẫn hơn, vững chắc hơn về môi trường làm việc cũng như các chế độ chính sách để họ tận lực cống hiến.

Anh Trần Văn Nam đề xuất thành phố cần tạo môi trường, điều kiện làm việc đáp ứng nhu cầu mới của thời đại. Hiện nay, nhiều đối tượng thu hút được đào tạo ở các lĩnh vực chuyên ngành mới đòi hỏi môi trường làm việc chất lượng cao hơn như các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm chuyên ngành…, nhưng hiện thành phố vẫn chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng.

Chị Võ Thị Mai Hương, hiện đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố, tha thiết đề xuất lãnh đạo thành phố có những cuộc đối thoại trực tiếp với các đối tượng thu hút và cả học viên (Đề án 922)  để họ được nói lên tâm tư, nguyện vọng cũng như những vướng mắc, khi đó, thành phố sẽ có những quyết sách cụ thể, sâu sát, hấp dẫn hơn.

Ý kiến khác lại cho rằng, bên cạnh việc “chìa tay” thu hút người tài, Đà Nẵng cũng nên dứt khoát “chia tay” những người không thực sự xứng đáng. Đó là sự sòng phẳng cần thiết để tìm kiếm người tài đích thực!

Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Công Chánh, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng cho biết, từ năm 1998 đến nay, thành phố liên tục điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách thu hút nhằm thu hút nguồn lực ngày càng chất lượng.

Chẳng hạn với đối tượng, từ việc chỉ quy định kết quả học tập, đã dần xác định cụ thể chuyên ngành thu hút phù hợp với định hướng phát triển của thành phố và hiện nay là thu hút theo vị trí việc làm cụ thể. Quy trình thu hút cũng được thực hiện chặt chẽ hơn: nếu như ban đầu chỉ xem xét kết quả học tập của từng cá nhân thì hiện nay quy trình thu hút theo hướng cạnh tranh thực tài…

Tính đến nay, số đối tượng thu hút xin nghỉ việc chỉ chiếm hơn 6%. Về phía thành phố, sau tiếp nhận đối tượng thu hút, chưa có cơ chế đánh giá riêng. Vì vậy, định hướng thu hút trong thời gian đến đã bổ sung các quy định về việc định kỳ đánh giá hiệu quả công tác, đóng góp của đối tượng thu hút.

Nội dung đánh giá cần đi sâu các cam kết công việc mà đối tượng thu hút đăng ký theo vị trí việc làm… từ đó có những chính sách đãi ngộ, động viên kịp thời và cũng sẽ mạnh dạn “chia tay” đối với những trường hợp có kết quả công tác chưa đạt yêu cầu, ông Chánh cho biết.

“Trải thảm” thu hút nhân tài – chính sách nhất quán của Đà Nẵng

Quyết định số 13100-QĐ/TU về Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 13100) của Ban Thường vụ Thành ủy quy định mức hỗ trợ đối với đối tượng thu hút theo quy định của Đề án 13100 như sau: Được ưu tiên trong tuyển dụng công chức, viên chức (nếu chưa là công chức, viên chức) và được xem xét cho thuê nhà chung cư của thành phố hoặc hỗ trợ vay vốn ưu đãi trong thời hạn từ 10-15 năm để mua nhà ở xã hội đối với những trường hợp khó khăn và thật sự có nhu cầu; Được thành phố hỗ trợ một lần bằng 80 lần mức lương cơ sở/ người. Ngoài ra, được hỗ trợ thêm 120 lần mức lương cơ sở nếu có trình độ tiến sĩ; không quá 200 lần mức lương cơ sở nếu được đào tạo một trong các bậc đào tạo (đại học, thạc sĩ, tiến sĩ) tại các trường trong danh sách 200 trường đại học hàng đầu thế giới…

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.