.

Nàng dâu ngày Tết

.

Không khí Tết đã len lỏi vào từng nếp nhà, qua bữa tiệc Tất niên, qua câu chuyện các bà nội trợ thu vén để có một cái Tết tươm tất cho nhà mình, cho hai bên gia đình nội, ngoại.

Ngày Tết đến, mới thấy vai trò của nàng dâu trong gia đình nhà chồng, không chỉ chu toàn trong những mâm cơm cúng ông bà 3 ngày Tết, còn lo tấm áo, cái khăn quàng cho cha mẹ, bộ áo quần cho cháu nhỏ, để láng giềng gần, bà con xa khen nhà chồng ngày Tết đầm ấm, thịnh vượng. Những nàng dâu dù ở xa hay gần thì đạo lý “xuất giá tòng phu” vẫn là nét văn hóa truyền thống không dễ phai mờ trong nền văn hóa Việt.

Mứt dừa, mứt gừng, hạt dưa là những món quà mà các nàng dâu ở Đà Nẵng thường chuẩn bị cho gia đình chồng ở xứ Bắc. Ảnh: Hoàng Nhung
Mứt dừa, mứt gừng, hạt dưa là những món quà mà các nàng dâu ở Đà Nẵng thường chuẩn bị cho gia đình chồng ở xứ Bắc. Ảnh: Hoàng Nhung

Đặt tấm lòng vào từng món quà

Đây là năm thứ 4 chị N.T.T (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) làm dâu xứ Bắc. Quê chồng ở tận Lạng Sơn, lại đông anh chị em nên năm nào, trước Tết nửa tháng, chị cũng dành ra vài ngày để đi mua quà Tết. Mỗi món quà đều được chị chọn lựa rất kỹ lưỡng.

Với mẹ chồng, chị sẽ mua vài bộ đồ để bà vừa thoải mái xuống bếp, vừa lịch sự để tiếp khách. Còn bố chồng, chị nhớ năm ngoái chiếc áo ấm bố mặc đã sờn rồi, năm nay sẽ chọn cho bố chiếc áo khoác mới. Và cũng không quên, bố rất thích mặc áo sơ-mi trắng.

Cái áo chị mua Tết năm ngoái bố mặc vừa vặn nên hồi trong năm, mẹ chồng điện thoại khen suốt. Rồi chị tranh thủ lựa cho các cháu nào tất, mũ len… bởi cái Tết ngoài Bắc rất lạnh. Ngoài những món quà cá nhân, chị T. còn để ý mua những thứ bánh mứt đặc trưng mà ngoài Bắc không có.

Chị tâm sự, mang tiếng làm dâu nhưng lại đi xa quanh năm, mỗi độ Tết mới về thăm bố mẹ chồng nên chị muốn mua những thức quà là đặc sản Đà Nẵng để thêm phần khác lạ.

Vui nhất là những bánh mứt mình mang về khi khách đến nhà, bố mẹ chồng sẽ đon đả mời khách và nói: “mời cô/bác ăn món này đi, con dâu tôi mua trong Nam ra đó, ngoài mình không có đâu”. Và, điều quan trọng nhất chị không bao giờ quên đó là luôn dành những chai rượu, hộp bánh mứt đẹp nhất để chưng lên bàn thờ gia tiên.

Chị T.T.Đ (Giảng viên ĐH Đà Nẵng), là người thành phố, làm dâu ở Nghệ An nên mỗi dịp Tết đến, gia đình chị đều tay xách nách mang, đùm đề quà cáp về quê ăn Tết. Những khi đi mua quà, chị đều rủ chồng đi để hỏi về sở thích của các thành viên trong gia đình.

“Vì lập nghiệp ở Đà Nẵng nên mình thường mua hải sản về làm quà. Có khi là hải sản tươi đóng thùng, có khi là cá, mực khô. Các cụ ở quê rất thích những thực phẩm này bởi ngoài đấy không có”, chị Đ. nói.

Để có được chuyến về quê ngày Tết và những món quà, chị T., chị Đ. cũng như nhiều nàng dâu xa quê khác đã phải “tích lũy” cả năm. Đi làm lo chắt chiu, dành dụm để có thể sắm sửa chút quà cho bố mẹ, lúc tấm áo, khăn quàng, đôi dép, chai rượu, gói trà… như gửi gắm một tấm lòng hiếu thảo.

Những món quà tuy nhỏ bé, sẽ bị mẹ “la”: Các con về ăn Tết với bố mẹ là vui lắm rồi, quà cáp làm gì. Thế nhưng, những món quà đó sẽ “ở lại” trong lòng người lâu hơn cả.

Tết này để con “phục vụ” mẹ

Từ bao đời nay, trong truyền thống văn hóa của người Việt, các nàng dâu luôn “gánh” trên mình trọng trách “quán xuyến để bếp núc luôn đỏ lửa ngày Tết”. Đối với những nàng dâu xa, việc hiểu nếp nhà chồng để những ngày Tết thực sự là những ngày sum họp đòi hỏi một sự quan sát tinh tế và một tấm lòng thảo thơm.

Là người quê Thanh Hóa làm dâu Đà Nẵng, chị N.T.G (làm trong ngành công an) luôn tự nhủ trong tâm: con gái theo chồng sẽ ngày càng gần nhà chồng và xa nhà mình. Con cái đau ốm, có thắp cây hương lên bàn thờ xin ông bà phù hộ cũng là bàn thờ gia tiên nhà chồng.

Thấu hiểu lẽ đó, mỗi dịp Tết đến, chị cùng mẹ chồng dọn dẹp nhà cửa, đi chợ Tết và nấu mâm cơm cúng Tất niên rước ông bà…Nhà chồng đông cháu, đông con nên bao năm nay, mẹ chồng đều tự tay chuẩn bị những món ăn như dưa món, thịt đông, nem, tré, mứt gừng số lượng lớn.

Từ ngày về làm dâu, chị cũng hăng hái phụ mẹ để học hỏi những món ăn của xứ Quảng ngày Tết. Dù đã làm dâu 6 năm nhưng hầu như năm nào mẹ chị cũng giành đứng bếp chính để con  dâu đỡ vất vả. Khách đến nhà ngày Tết cứ bảo, mẹ năm nay sướng rồi, có con dâu rồi, Tết nhất được rảnh tay đi chơi. Họ đâu biết, một tay mẹ đạo diễn cả. Chỉ mình chị hiểu, ẩn sau nụ cười đôn hậu ấy là sự bao dung và nét vất vả của người phụ nữ sớm góa chồng, ở vậy nuôi con.

“Là người Quảng, mẹ chồng tôi rất cởi mở và thương con thương cháu. Những ngày đầu, tôi có hơi… ngại ngại vì chưa quen với tính khí bộc trực của mẹ nhưng giờ thì rất thương. Mẹ cũng hay nói với tôi: “Ta thương mi như con gái”. Năm nay, dù đã ra riêng nhưng vợ chồng tôi cũng sẽ về ăn Tết với mẹ và tôi sẽ trổ tài nấu vài món ngon đã học được để đãi cả nhà”, chị G. thổ lộ.

Là người miền Trung làm dâu xứ Bắc, sẵn bản tính khéo tay hay làm, chị N.T.T tự tin bày tỏ với mẹ chồng: “Tết này mẹ để con”. Chỉ ngày đầu tiên, chị “nhờ” mẹ vào bếp chỉ dẫn cách nêm nếm gia vị cho phù hợp với khẩu vị miền Bắc, còn lại các buổi sau, chị đạo diễn tất cả.

Mâm cơm chị bày biện bao giờ cũng đủ đầy các món ngon đặc trưng ngày Tết khiến mẹ chồng rất hài lòng. Bà con, họ hàng đến nhà thấy món ăn lạ hỏi: “Ôi món này ngon nhỉ, lạ nhỉ, con dâu nấu à?”. Đơn giản vậy thôi mà bố mẹ hãnh diện ra mặt.

“Những ngày đầu làm dâu xứ lạ, tôi băn khoăn, lo lắng bao nhiêu thì bây giờ, cảm giác về quê chồng ngày Tết nó nhẹ hều. Đó đã là gia đình mình. Ngày từ giã bố mẹ vào lại thành phố, trong tôi chỉ là cảm giác bịn rịn và rất thương.

Nhất là mẹ chồng, lần nào trước hôm vợ chồng tôi đi bà cũng trắng đêm chuẩn bị nào bún, miến khô, các loại bánh xứ Bắc để tôi mang vào cơ quan làm quà”, chị T kể.

Làm con gái, ngày Tết có thể được “đi vào đi ra”, chỉ phụ bố mẹ những việc vặt trong nhà. Nhưng đã lấy chồng, vào phận dâu con thì vai trò của những cô con dâu như cũng được nâng thêm một bậc. Bởi những việc mình làm, cái áo, tấm khăn mua tặng bố mẹ, dù nhỏ bé đó, nhưng được bố mẹ ngợi khen dâu hiền, dâu đảm trước mặt họ hàng, khách khứa, đủ làm ấm lòng những cô gái làm dâu ngày Tết.

Cô gái nào rồi cũng sẽ làm con dâu, và sau này có thể làm mẹ chồng, mới hiểu hết những gì bố mẹ chồng đã yêu thương, chắt chiu cho con cháu; và vai trò của nàng dâu đảm trong gia đình chồng sẽ càng giúp gắn kết bền chặt hơn mối duyên chồng vợ. Nên yêu thương, chia sẻ với bố mẹ chồng/vợ cũng là yêu thương, chia sẻ của con cái với bố mẹ đẻ, để thấy mình có thêm một gia đình thì đầy thêm hạnh phúc.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.