.

Nhà thơ Lưu Trọng Lư, một tình yêu từ Huế

.

Mỗi một nhà văn, thi sĩ hay nghệ sĩ đều được nuôi dưỡng tâm hồn bằng một mảnh đất quê hương nào đó và chỉ ở đó mới có thể thẩm định hết giá trị của tài sản tinh thần mà nhà thơ để lại. Với Lưu Trọng Lư (1912-1991) (ảnh) có 2 vùng quê làm nên tài năng xuất chúng của ông.

Vùng quê thứ nhất là Hạ Trạch, Bố Trạch-Quảng Bình, nơi nhà thơ sinh ra và học tiểu học. Nếu tuổi thơ của ông không dạo chơi ở vùng ven sông Hạ Trạch thì không có “con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô”; không nhìn thấy cảnh mẹ mình ra phơi áo ngoài dậu thưa thì không có bài thơ hay nổi tiếng “nắng mới” viết về mẹ.

Quê hương thứ hai của ông là Huế. Lưu Trọng Lư không sinh ở Huế nhưng là nơi lưu đậm dấu ấn tài năng văn chương của ông và đặc biệt, làm nên những bài thơ tình bất hủ với thời gian. Ở đó, có 2 người con gái được xếp vào hàng giai nhân xứ Huế được ông yêu bằng tình yêu say đắm và họ cũng yêu ông với một tình yêu khác biệt. Đó là Điềm Phùng Thị và Tôn Nữ Lệ Minh.

Bài thơ “Một mùa đông” là huyền thoại về một mối tình, cho đến nay vẫn được coi là độc đáo hiếm có:

Em là gái trong song cửa
Anh là mây bốn phương trời
Anh theo cánh gió chơi vơi.
Em vẫn nằm trong nhung lụa.

Em chỉ là người em gái thôi
Người em sầu mộng của muôn đời
Tình em như tuyết dăng đầu núi
Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời.

Ai bảo em là giai nhân
Cho đời anh đau khổ?
Ai bảo em ngồi bên cửa sổ
Cho vương víu nợ thi nhân?

Ai bảo em là giai nhân
Cho lệ tràn đêm xuân?
Cho tình tràn trước ngõ,
Cho mộng tràn gối chăn?

Bài thơ là một trường tình ca dài tới 62 câu, tràn trề niềm đắm say trong từng câu chữ, ghi dấu kỷ niệm với một người con gái tên Cúc (Điềm Phùng Thị). Cô gái từ Huế ra Hà Nội học, tình cờ gặp Lưu Trọng Lư trên một chuyến tàu, được nhà thơ đưa đến chỗ nhà quen để ở.

Đến khi trở về Huế, Lưu Trọng Lư lại tình cờ phát hiện ra cô gái qua khung cửa sổ đối diện với nhà Phạm Hầu. Thế rồi suốt một năm trời, ông cứ nhìn qua khung cửa sổ để chiêm ngưỡng người đẹp.

Người con gái thứ hai cũng là người theo suốt cuộc đời nhà thơ, đó là Tôn Nữ Lệ Minh (tên thường gọi là cô Mừng), một cô gái sinh ra trong gia đình khuê các, nổi tiếng xinh đẹp, mới 9 tuổi đã được đi học đàn, rồi dạy đàn tranh cho những công tằng tôn nữ gia đình hoàng tộc.

Lưu Trọng Lư lúc đó vợ mất, có 2 con, còn Tôn Nữ Lệ Minh cũng đã được con của một viên quan lớn trong triều dạm hỏi. Bất chấp mọi cấm đoán, đòn roi ép buộc hôn nhân của mẹ, cô gái đã trốn nhà đi cùng thi sĩ, trên chiếc thuyền buôn lụa tới Quảng Nam, rồi gắn bó cuộc đời vào số phận một nhà thơ phiêu lãng.

Mối tình lén lút bên khung cửi (gần chùa Từ Đàm-Huế) của Lưu Trọng Lư đã cho ra đời những câu thơ tình có một không hai:

Hoa kia quên nở trên giàn
Tìm ai em để tiếng đàn ngừng đưa
Ước gì em nửa đường tơ
Cho hoa đêm nở đêm mờ quạnh soi
Tìm em đêm đã khuya rồi
Rộn ràng lá đổ, vàng rơi đầy thềm

Chính những mối tình ở Huế đã chắp cánh cho sự nghiệp sáng tác của thi sĩ tài hoa và những tác phẩm viết về Huế của Lưu Trọng Lư như được chắt ra từ máu thịt, hơi thở của ông.

Tuy nhiên, nếu nói về tính phát hiện độc đáo trong sáng tác của Lưu Trọng Lư thì không hẳn ở một tình cảm riêng tư với một người đàn bà cụ thể nào như cô Cúc, hay cô Mừng, mà ở cả số phận những cô gái trôi dạt bên bờ sông Hương ngày nào.

Tiểu thuyết 1930-1945 hiếm hoi tác phẩm viết về thiếu nữ Huế. Vậy mà Lưu trọng Lư có cả bộ tiểu thuyết viết về cuộc đời, thân phận của những cô gái trên sông và dường như cả thế giới của Huế đã hiện lên ở đó.

Nếu như Tố Hữu viết về cô gái giang hồ trên dòng Sông Hương chỉ có “Trăng lên, trăng đứng, trăng tàn/đời em ôm chiếc thuyền nan xuôi dòng”, thì Lưu Trọng Lư đã làm cả một cuộc cách mạng nhân văn, biến những số phận được coi là bùn nhơ của xã hội thành những con người rất đẹp trên Sông Hương và làm xuất hiện những con đò tình yêu trên đó.

Chẳng hạn, có một cuốn tiểu thuyết viết về một anh chàng thống đốc yêu một cô gái giang hồ, bị gia đình ngăn cấm không cho. Không thể nào giãi bày hết được tình yêu của mình, cô gái đã viết một bức thư cho chàng “Hôm nay em thấy tiếng Việt Nam không đủ cho em dùng. Thiếu nhiều lắm! Cần phải có một cuộc phục hưng lớn cho quốc văn. Ô hay! Có lẽ em điên mất! Một con đĩ như em cũng có quyền nghĩ đến quốc văn à? Nghĩ đến những vấn đề to tát thế kia à?” (tiểu thuyết Hương giang sứ).

Có lẽ ít ai trong thế hệ chúng ta hôm nay nghĩ được là cách đây năm, sáu chục năm đã có những người phụ nữ như thế, với một tình yêu như thế. Nhà báo, nhà phê bình văn học Lưu Trọng Văn, con trai của cố thi sĩ khi nhìn nhận lại di sản văn chương mà cha mình để lại đã từng xúc động thốt lên: “Chính Huế đã cho Lưu Trọng Lư tình yêu; và Lưu Trọng Lư bằng tình yêu của mình đã làm đầy lên tình yêu cho những thế hệ sau ở Huế”.

Những ai từng yêu thơ, không thể không biết Lưu Trọng Lư, không thể không rung động trước mùa thu khi nghe “dưới trăng mờ thổn thức” và hình ảnh “con nai vàng ngơ ngác/đạp trên lá vàng khô”. Là một trong những thi sĩ tiên phong trong phong trào Thơ mới, ông có công trong việc cách tân và phát triển nền thơ ca dân tộc mà điển hình là Tiếng thu…

Tài năng độc đáo về thơ của Lưu Trọng Lư thì không ai không biết, song có lẽ còn ít người biết ông còn là nhà viết kịch, viết truyện ngắn, tiểu thuyết, nhà nghiên cứu phê bình văn học sắc bén. Và một trong những điều làm nên thắng lợi cho Thơ mới là những bài diễn thuyết của ông.

Cách đây 4 năm, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Lưu Trọng Lư, Nhà xuất bản Lao động đã xuất bản một bộ sách 2 tập, tập hợp các truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết của Lưu Trọng Lư do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân và ông Hoàng Minh tìm kiếm, biên soạn.

Đồng thời, Nhà xuất bản Hội Nhà văn cũng xuất bản tập thơ “Bài thơ tự tình” do chính nhà báo Lưu Trọng Văn, con trai cố thi sĩ thu gom, biên tập. Những giá trị văn hóa tinh thần ấy sẽ trường tồn vì đó là những giá trị đích thực…

NGUYỄN THỊ THÚY HỒNG

;
.
.
.
.
.