.

Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - một nghị viện đặc biệt

.

Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nhiệm kỳ 1946-1964) là một nghị viện đặc biệt của nước ta. Sở dĩ nói đặc biệt bởi đây là nghị viện đầu tiên của một nước Việt Nam đang chuyển từ chế độ quân chủ tồn tại từ nhiều thế kỷ sang chế độ dân chủ cộng hòa, mà cũng là nghị viện đầu tiên của một nước Việt Nam thống nhất ba miền Bắc-Trung-Nam sau nhiều thập niên bị thực dân Pháp chia để trị với các thể chế chính trị khác nhau.

Trong danh sách 333 đại biểu được cử tri bầu trong cuộc tổng tuyển cử ngày mồng 6 tháng 1 năm 1946, có 152 đại diện của 30 tỉnh/thành phố Bắc Kỳ, 108 đại diện của 21 tỉnh/thành phố Trung Kỳ và 73 đại diện của 20 tỉnh/thành phố Nam Kỳ.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI nước Việt Nam thống nhất diễn ra tại Hà Nội từ 24-6 đến 3-7-1976.(Ảnh tư liệu)
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI nước Việt Nam thống nhất diễn ra tại Hà Nội từ 24-6 đến 3-7-1976.(Ảnh tư liệu)

Sở dĩ nói đặc biệt còn bởi trong lịch sử 70 năm của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa/nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đây là một nghị viện có sự tham gia của nhiều đảng phái/thế lực chính trị thống nhất hoặc không thống nhất về chính kiến.

Nói cách khác, bên cạnh các đảng phái/thế lực chính trị như Đảng Xã hội Việt Nam, Đảng Dân chủ Việt Nam... thống nhất với cương lĩnh hành động và chấp nhận sự lãnh đạo của Việt Nam Độc lập Đồng minh hội (Việt Minh), còn có một số đảng phái không thống nhất về chính kiến và đang tìm cách tranh chấp quyền lực với Việt Minh như Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc), Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội (Việt Cách)… Ngoài số đại biểu do Việt Minh giới thiệu được cử tri bầu qua Tổng tuyển cử, còn có 50 đại biểu Việt Quốc và 20 đại biểu Việt Cách tham gia Quốc hội khóa I không thông qua bầu cử.

Sở dĩ nói đặc biệt còn bởi Quốc hội khóa I có nhiệm kỳ dài nhất so với các khóa khác - kéo dài đến 18 năm, và chỉ có Quốc hội khóa I mới có một số đại biểu được lưu nhiệm không qua bầu cử trong các khóa tiếp theo - do đất nước chưa thống nhất nên có 91 đại biểu miền Nam được lưu nhiệm trong Quốc hội khóa II (nhiệm kỳ 1960-1964) và có 89 đại biểu miền Nam được lưu nhiệm trong Quốc hội khóa III (nhiệm kỳ 1964-1971).

Xin nói thêm là đến cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa III, tuy đất nước vẫn chưa thống nhất nhưng do “Ngày mồng 6 tháng 6 năm 1969, Đại hội đại biểu Quốc dân miền Nam Việt Nam đã bầu ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng Cố vấn bên cạnh Chính phủ (…). Vì tình hình như vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc tiếp tục lưu nhiệm các đại biểu miền Nam trong Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là không phù hợp nữa”(1), cho nên nhân dịp chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa IV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội khóa III xét thôi việc lưu nhiệm các đại biểu Quốc hội do nhân dân miền Nam bầu ra từ đầu năm 1946.

Và cuối cùng, sở dĩ nói đặc biệt là bởi Quốc hội khóa I đã lập kỷ lục khi thông qua đến hai bản hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa: Hiến pháp năm 1946 (thông qua ngày mồng 9 tháng 1 năm 1946) và Hiến pháp năm 1959 (thông qua ngày 31 tháng 12 năm 1959).

Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là thành quả của Cách mạng Tháng Tám, cho nên mọi việc chuẩn bị để tiến tới Tổng tuyển cử - một sinh hoạt chính trị tuy không quá xa lạ nhưng còn rất mới mẻ và chỉ được tiến hành trong vòng mấy tháng - diễn ra khá khẩn trương thậm chí cập rập, nhưng chu đáo bài bản và có nhiều sáng tạo.

Trước hết, vào chiều 16 tháng 8 năm 1945, Việt Minh đã tổ chức họp Quốc dân Đại hội - được xem là tiền thân của Quốc hội khóa I - ở Tân Trào (có một người Quảng là ông Phan Thêm - tức Cao Hồng Lãnh tham dự) để bầu Ủy ban Dân tộc giải phóng - là nòng cốt của Chính phủ lâm thời sẽ ra mắt nhân dân ngày mồng 2 tháng 9 - gồm 15 thành viên do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch và các Ủy viên là Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Dương Đức Hiền, Chu Văn Tấn, Nguyễn Văn Xuân, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Lê Văn Hiến, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Đang.

Ngày mồng 3 tháng 9 năm 1945, chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và ra mắt Chính phủ Lâm thời, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị một trong sáu nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay là “... tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu ra Quốc hội - cách gọi tắt của Quốc dân Đại hội.

Quốc hội đó là cơ quan có quyền lực tối cao của nhân dân sẽ cử ra một Chính phủ thật sự của toàn dân và ấn định cho nước Việt Nam một hiến pháp dân chủ. Ngày mồng 8 tháng 9 năm 1945, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh số 14-SL về tổng tuyển cử bầu Quốc hội.

Những động tác kỹ thuật về tổ chức Tổng tuyển cử cũng chưa có tiền lệ và do vậy mà không hề đơn giản – không đơn giản đến mức phải dời thời gian Tổng tuyển cử đến ngày mồng 6 tháng 1 năm 1946, chậm hai tuần lễ so với quy định ban đầu tại Điều thứ 1 Sắc lệnh số 51-SL của Hồ Chủ tịch ký ngày 17 tháng 10 năm 1945.

Và việc xác định đơn vị tuyển cử cũng phải được điều chỉnh một số chỗ cho phù hợp với thực tế. Chẳng hạn trong Sắc lệnh số 51-SL chỉ xác định: “Sáu thành phố sau này: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vinh, Huế, Sài Gòn-Chợ Lớn, cũng được dùng riêng làm những đơn vị tuyển cử như các tỉnh” (Điều thứ 8), chưa có tên thành phố Đà Nẵng, với lý do Đà Nẵng lúc này khoảng trên dưới 30 vạn dân - chưa đủ 50 vạn dân để tuyển cử một đại biểu như quy định - nên không được tuyển cử một đại biểu nào. Nhận thấy dựa đơn thuần vào số dân như vậy là không hợp lý, ngày mồng 2 tháng 12 năm 1945 Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh số 72-SL bổ sung cho Đà Nẵng được tuyển cử một đại biểu.

Đại biểu tranh cử phải có số dư, chính vì thế Việt Minh các địa phương không chỉ quan tâm lựa chọn những người ưu tú để giới thiệu ra ứng cử mà còn quan tâm đến hình thức vận động tranh cử sao cho sinh động, dễ đi vào lòng người, như Việt Minh tỉnh Thừa Thiên có bài vè cổ động cho 5 ứng viên Hoàng Anh, Đoàn Trọng Truyến, Trần Đăng Khoa, Thích Mật Thể và Nguyễn Kinh Chi: “Cách mạng Hoàng Anh, Học hành Trọng Truyến, Công chánh Đăng Khoa, Cà sa Mật Thể, Y tế Kinh Chi”…

Nổi bật hơn cả là trường hợp tỉnh Quảng Nam. Việt Minh Quảng Nam đã đặt hai câu đối trong đó mỗi vế đối được ghép tên các đại biểu do Việt Minh đề cử: Xuyến Hiến Viện Diêu Bôi Kỷ Sạ/ Huệ Thao Tống Thự Nhĩ Bằng Tri và Hiến Bôi Tống Nhĩ Tri Thanh Viện/ Thự Huệ Diêu Thao Kỷ Sạ Bằng có vần có điệu, dễ nhớ dễ thuộc nhằm cổ động cho ứng viên của tổ chức mình.

Chưa dừng ở đó, Việt Minh một số địa phương trên địa bàn tỉnh còn sáng tác các bài vè tranh cử, chẳng hạn bài vè ở Quế Sơn: Lẳng lặng mà nghe/ Cái vè bầu cử/ Ông Tri, ông Thự/ Ông Hiến, bà Thanh/ Cùng là các anh/ Huệ - Bôi - Sạ - Nhĩ/ Tống - Bằng - Thao - Kỷ/ Với lại Viện, Diêu/ Người khác cũng nhiều/ Đầu đơn ứng cử/ Đồng bào xét thử/ Ai đáng ai không/ Trên là các ông/ Nhiều năm tranh đấu…; hoặc bài vè ở Điện Bàn, Duy Xuyên: Tổng tuyển cử nay đã đến rồi/ Vì quyền lợi mấy lời nên ghi/ Trung Bộ có Trần Đình Tri/ Cùng Lê Văn Hiến vậy thì đồng song/ Phan Bôi một dạ, một lòng/ Cùng Huỳnh Ngọc Huệ vốn dòng đấu tranh/ Cứu tế có chị Phan Thanh/ Có Lâm Quang Thự cùng anh Phạm Bằng/ Trần Tống tuổi trẻ tài năng/ Phan Thao, Võ Sạ từng quen ta nhiều/ Quế Sơn đồng chí Phan Diêu/ Cùng Nguyễn Xuân Nhĩ đủ điều kinh luân/ Trần Viện nhiều nỗi gian truân/ Còn Nguyễn Thế Kỷ mười phần quyết tâm/ Đồng bào thận trọng lá thăm/ Lựa người định rõ mà chăm bỏ vào/ Để giành quyền lợi tối cao/ Mới an số phận đồng bào Việt Nam(2)…

Quốc hội khóa I đã tiến hành Kỳ họp thứ nhất vào sáng mồng 2 tháng 3 năm 1946 tại thủ đô Hà Nội, và trong một bản báo cáo ngắn gọn đọc trước Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người mang thẻ đại biểu/giấy chứng minh số 305 - thay mặt Chính phủ Liên hiệp Lâm thời nêu rõ: “Cuộc Quốc dân đại biểu đại hội này là lần đầu tiên trong lịch sử nước Việt Nam ta.

Nó là một kết quả của cuộc Tổng tuyển cử ngày mồng 6 tháng 1 năm 1946, mà cuộc Tổng tuyển cử lại là kết quả của sự hy sinh tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta… gồm tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối, hy sinh không sợ nguy hiểm, tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc...”(3). Có thể nói đây là lời tổng kết sâu sắc về ý nghĩa chính trị của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng phổ thông đầu phiếu, qua đó Bác Hồ nhấn mạnh yếu tố quan trọng nhất để mang lại thành công như mong đợi của sự kiện lịch sử này chính là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

BÙI VĂN TIẾNG


(1) Trích Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề lưu nhiệm Đại biểu miền Nam tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa III ngày mồng 2 tháng 3 năm 1971.

(2) Xem Phạm Hồng Việt: Ký ức 6-1-1946 ở Quảng Nam, Báo Quảng Nam số ra ngày 27-1-2011.

(3) Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 4 (1945-1946), trang 216.

;
.
.
.
.
.