.

Sức ép từ giá dầu giảm

.

Giá dầu thô Brent giảm từ 115 USD/thùng vào mùa hè 2014 xuống dưới 32 USD/thùng trong nửa tháng đầu năm 2016. Nó làm “khuấy đục” thị trường tài chính toàn cầu và các nhà xuất khẩu dầu mỏ.

Giá dầu giảm gây sức ép rất lớn lên kinh tế toàn cầu.
Giá dầu giảm gây sức ép rất lớn lên kinh tế toàn cầu.

Vì sao giá dầu rơi thê thảm?

Giá cả hàng hóa cũng như phần lớn các thứ khác được đánh giá dưới 2 góc độ: cung và cầu. Giá dầu giảm trước hết do nguồn cung quá nhiều khi Mỹ khai thác đáng kể dầu đá phiến với quy mô lớn. OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) cũng thất bại về việc định lại trần sản xuất mới trong cuộc họp tháng trước nên không thể kiểm soát giá bán. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - và nhiều nền kinh tế mới nổi giảm đáng kể.

Nhiều nhà phân tích cho rằng mức giá 20 USD/thùng, thậm chí thấp hơn, có thể có trong thời gian tới. Các nhà quan sát Trung Quốc đưa ra nhận định nền kinh tế suy giảm ở quốc gia đông dân nhất thế giới càng làm cho giá dầu giảm mạnh hơn.

Thời tiết ấm áp hơn cũng giảm nhu cầu tiêu thụ dầu. Dù nhu cầu giảm bớt nhưng nguồn cung vẫn tăng lên. Iran nỗ lực đạt cho được mục tiêu của mình. Ngay cả khi Mỹ không tăng sản lượng dầu đá phiến mà chỉ duy trì như mức hiện tại thì cũng tạo ra tác dụng tiêu cực. Chính vì thế, nguy cơ giá dầu rớt tiếp là khá cao.

Ai sẽ là người chịu tác động?

Với nhiều người, giá dầu rẻ là điều tuyệt vời. Giá dầu thấp có thể giúp cho tỷ lệ lạm phát về sát với con số 0 bởi nó hoạt động như quy trình cắt giảm thuế có hiệu quả đối với nhiều người. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu dầu như Nga, Venezuela, Colombia và Ecuador đang chịu áp lực rất lớn.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng trước cho biết, Nga cơ bản vượt qua đỉnh của khủng hoảng nhưng hồi phục như thế nào còn phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố toàn cầu, trong đó có giá dầu. Các quốc gia vùng Vịnh cũng rất căng thẳng. Chẳng hạn như Ả Rập Xê Út thâm hụt ngân sách năm ngoái lên tới 96 tỷ USD.

Ngay cả lĩnh vực dầu mỏ ở Mỹ cũng chịu sức ép rất lớn. Giá dầu giảm có thể khiến nhiều nhà sản xuất dầu ở Mỹ buộc phá sản. Ngân hàng Đan Mạch cho rằng giá dầu thấp là rủi ro cho nền kinh tế Mỹ. Trong khi đầu tư vào dầu mỏ chỉ giúp tăng 1% GDP của Mỹ nhưng giá dầu giảm năm ngoái đã khiến GDP Mỹ giảm 0,4%. Nhiều nhà phân tích kinh tế tại Ngân hàng Đan Mạch tin rằng giá dầu thấp sẽ kéo tụt GDP Mỹ xuống một lần nữa trong năm nay.

Trong khi đó, các nước thuộc khối đồng tiền chung châu Âu lại hỉ hả. Ngân hàng Đức nhận định giá dầu thấp sẽ giúp kinh tế khối EU phát triển tốt trong năm 2016. Họ hy vọng căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông sẽ không xảy ra bởi vì lúc đó giá dầu có thể cao trở lại.

ANH THƯ (Theo Telegraph)

;
.
.
.
.
.