.

Triển lãm về sự ra đời thời đại vũ trụ

.

Lời cầu chúc đầu năm mới gửi đến các bạn nhỏ tuổi là tên gọi bức tranh áp-phích của Nikolai Charukin, họa sĩ người Nga. Bức tranh được phát hành rộng rãi dưới hình thức bưu thiếp vào năm 1963, sau khi Valentin Tereshkova trở thành người phụ nữ đầu tiên đi vào không gian.

Nó mang thông điệp mọi trẻ em Liên Xô có thể nuôi ước mơ đi du lịch vào không gian. Hiện, bản gốc áp-phích này được trưng bày trong cuộc triển lãm “Cosmonauts: Birth of the Space Age” (Tạm dịch: Phi hành gia: Sự ra đời thời đại vũ trụ”) diễn ra tại Bảo tàng Khoa học, London, Anh; mở cửa đến ngày 13-3-2016.

Chúc mừng năm mới các bạn nhỏ. Áp-phích của Nikolai Charukin
Chúc mừng năm mới các bạn nhỏ. Áp-phích của Nikolai Charukin

Triển lãm này được xem là cuộc trưng bày trữ tình và cảm động về thời kỳ hoàng kim của các phi hành gia Liên Xô trong chương trình không gian, vũ trụ, qua các tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ Kasimir Malevich (1878 - 1935), họa sĩ và nhà nghiên cứu nghệ thuật Liên Xô, người gốc Ba Lan.

Ông là người tiên phong của nghệ thuật trừu tượng hình học và trường phái siêu thực. Triển lãm giới thiệu hình ảnh về những chuyến thử nghiệm đầu tiên khi Liên Xô đưa chó vào không gian cùng những thiết bị chế tạo thức ăn đặc biệt và trang phục của phi hành gia.

Hai chú chó Belka và Strelka ở phòng họp báo về thành công của chuyến bay vào  không gian tháng 8-1960.
Hai chú chó Belka và Strelka ở phòng họp báo về thành công của chuyến bay vào không gian tháng 8-1960.

Trong những năm cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 60, khi du lịch không gian là công việc còn rất mới, Liên Xô canh gác chặt chẽ bí mật công nghệ “du hành vào vũ trụ”. Vyacheslav Polonsky, nhà sử học và tổ chức nghệ thuật tuyên truyền nói “Những tấm tranh áp-phích là một vũ khí đối phó với kẻ thù, một sự thuyết phục quần chúng, một thiết bị để xây dựng một tâm lý tập thể”.

Bà Natalia Sidlina, một trong những thành viên tổ chức cuộc triển lãm của Bảo tàng Khoa học nói về bức tranh áp-phích Bà mẹ Liên Xô: Bức tranh là nguồn cảm hứng cho áp-phích về đề tài không gian, vũ trụ. Tranh bố cục đơn giản nhưng gợi nhiều cảm xúc cho người xem, không cần có nhiều thiết bị không gian trên tranh, chỉ cần tia sáng từ mặt trời, một tên lửa nhỏ và một hành tinh trong góc, tầm xa”.

Các áp-phích tuyên truyền của Liên Xô xuất hiện lần đầu trong cuộc cách mạng của người lao động năm 1917, cung cấp những thông điệp chính trị với tính tức thời tối đa. Hình nét và màu sắc trên tranh rất tối giản, phản ánh các sự kiện, hệ thống hóa một tin nhắn, một thông điệp và sử dụng màu sắc đậm, hình ảnh đồ họa, sắc nét và một khẩu hiệu ngắn.

Bà mẹ Liên Xô (1959) - Tranh của  Iraklii Toidze.
Bà mẹ Liên Xô (1959) - Tranh của Iraklii Toidze.

Nó như các bản tin được minh họa, trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa Liên Xô. Sau năm 1945, nội dung tranh áp-phích giảm đề tài tuyên truyền chiến tranh, chuyển sang hợp tác quốc tế và trách nhiệm xã hội. Các ngành công nghiệp phim ảnh Liên Xô cũng bắt đầu khai thác các phương tiện theo cách này và vào cuối năm 1950 các áp-phích bước vào giai đoạn đầy cảm hứng nhất.

Những bộ sưu tập tác phẩm “thời đại vũ trụ” ấn tượng nhất từ trước đến nay được tập hợp và trưng bày tại cuộc triển lãm như đang kể về ước mơ và hoạt động của chương trình không gian đầy gian khó và cảm động của Liên Xô.

Tờ The Guadian viết: “Vào đầu mùa Giáng sinh năm nay, bằng con tàu Soyuz, với kỹ thuật công nghệ vũ trụ của nước Nga, Tim Peake, phi hành gia đầu tiên của nước Anh, bay vào không gian - người ta nhớ đến Yuri Gagarin, người Nga đầu tiên có mặt trong không gian vào năm 1961. Sự kiện này không thực sự là một thành tựu đối với nước Anh, nhưng lại là một thắng lợi cho nước Nga.

Nếu thấy Peake bay vút vào quỹ đạo bằng kỹ thuật công nghệ phi hành gia của Nga thì âm vang “du hành vũ trụ” của thời kỳ Xô viết kích thích sự khao khát của chúng ta khi nghĩ về Sputnik I - vệ tinh nhân tạo đầu tiên do Liên Xô  phóng vào không gian (1957)”.

Chúng tôi nghĩ rằng Liên Xô trước đây và người Nga bây giờ có quyền tự hào. Họ đã làm cho các nhà khoa học và nhà phát minh trở thành anh hùng của đất nước họ chứ không phải “anh hùng” của phim trường  Hollywood.

HOÀNG ĐẶNG

;
.
.
.
.
.