.

Vượt khó, Việt Nam vững bước tiến lên

.

Trong lúc thế giới chìm sâu vào chiến tranh, xung đột tôn giáo với rất nhiều sự kiện rung chuyển khác, Việt Nam vẫn là phần đất hòa bình và bình yên, đang xây dựng hòa bình và phát triển. Đã đến lúc một đất nước ngót 100 triệu dân, diện tích 300.000km2 trong đó có 12 triệu héc-ta đất nông nghiệp, hơn 3.200km bờ biển, hàng triệu km2 biển và đảo không thể bị coi là nước nhỏ. Đất nước ấy đang trong vận hội đi lên.

Tăng trưởng GDP cả nước cao nhất trong 8 năm qua. Ảnh: TTXVN
Tăng trưởng GDP cả nước cao nhất trong 8 năm qua. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói trên diễn đàn Quốc hội ngày 18-11-2015 vừa qua và nhiều diễn đàn quốc tế khác, kinh tế nước ta đang trên đà hồi phục và phát triển, nhất là trong chống lạm phát, xuất nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới chao đảo, vỡ nợ, nhiều nước thiếu than, khí đốt, chìm trong mùa đông lạnh giá, bị hút ngân sách vào chi phí quân sự, phải gồng mình chống khủng bố, chống làn sóng di cư chưa từng có trong lịch sử, chống các cuộc biểu tình chính trị mà suy cho cùng bắt nguồn từ kinh tế, thì Việt Nam - một nước đã hội nhập đến 80%, trong áp lực giá dầu giảm sâu nhất trong lịch sử - vẫn vững vàng, chưa từ bỏ một chính sách phát triển nào, kể cả chính sách xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, tăng lương hao tiền, tốn của.

 Xây dựng nông thôn mới là một cách bảo đảm công bằng xã hội, xóa bỏ ngăn cách giữa thành thị và nông thôn, mang lại cơm no áo ấm cho nông dân, hàng thế kỷ nay là lực lượng chủ công của cách mạng. Khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, nước ta sẽ cơ bản công nghiệp hóa theo hướng hiện đại nông thôn, giải quyết được rất nhiều vấn đề các nước xung quanh ta và cả thế giới chưa giải quyết được.

Nhiều người cho rằng, 50 năm nữa ta mới kịp Thái Lan, 100 năm nữa ta mới theo kịp Đài Loan, 150 năm nữa ta mới theo kịp Singapore về GDP và coi đó là tất cả, đã tụt hậu về GDP thì tụt hậu toàn diện. Chúng ta phải cố gắng nhiều nữa mới theo kịp người, không nên lẩn tránh những chậm chạp, yếu kém chủ quan.

Tuy vậy, GDP hay NDP rất quan trọng nhưng không phải là tất cả, nó phản ánh trình độ phát triển của một nước nhưng lại che giấu khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Một xã hội phát triển toàn diện không phải chỉ là tiền bình quân chia theo đầu người mà là đồng tiền thực tế và phúc lợi xã hội mọi người được hưởng như giáo dục, y tế, đi lại, môi trường… được bao nhiêu.

Thu nhập GDP theo đầu người cao hay thấp còn được đánh giá bằng thu nhập ấy dùng trong tiêu dùng như thế nào, nói cách khác thu nhập thực tế là bao nhiêu? Thu nhập rất cao nhưng phải chi hết cả cho nhu cầu tối thiểu thì còn kém rất xa thu nhập thấp nhưng sau khi chi các nhu cầu tối thiểu vẫn còn thừa ra.

Một đất nước trong thế đang lên không tùy thuộc vào nước ấy giàu hay nghèo mà tùy thuộc vào chính phủ nước ấy có quyết sách đúng đắn đưa đất nước phát triển không, nhân dân nước ấy có đoàn kết nhất trí chung quanh Nhà nước để đưa đất nước đi lên không, bối cảnh trong nước và quốc tế có thuận lợi cho sự phục hưng không?

Chúng ta đang đứng trước rất nhiều khó khăn, trở ngại cả chủ quan lẫn khách quan. Về bên ngoài, tình hình thế giới đan xen cả thuận lợi và khó khăn. Thị trường truyền thống cần cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng và giảm giá hàng hóa, tăng sức cạnh tranh. Trong một tương lai gần, giá dầu, giá hàng hóa biến động, quan hệ quốc tế căng thẳng, không có lợi cho các bên và cho ta.

Ý đồ bành trướng của Trung Quốc, người láng giềng vừa cần thiết vừa cần đề phòng buộc ta phải cảnh giác để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ vừa hợp tác cùng tồn tại và phát triển. Việc ngày càng hội nhập sâu tạo cho chúng ta nhiều thuận lợi nhưng cũng thêm không ít khó khăn mới, nhiều khó khăn chưa từng gặp phải.

Trong nước, cũng không phải toàn thuận lợi, tiêu biểu là chống tham nhũng, lãng phí, vi phạm quyền dân chủ, cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu, cơ cấu nền kinh tế còn chậm chạp, tình trạng bóc lột tài nguyên không tái tạo còn diễn ra phổ biến, năng xuất và chất lượng lao động chưa cao, trình độ cán bộ còn hạn chế.

Đứng trước những thách thức đó và nhiều thách thức khác chúng ta có một thuận lợi to lớn đó là quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân đưa đất nước thoát nghèo, thoát cái bẫy thu nhập trung bình và sự giúp đỡ to lớn của bên ngoài, kết quả đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Con đường đi tới hạnh phúc, phồn vinh của nước ta còn lâu dài, gian khổ nhưng với một dân tộc như dân tộc Việt Nam, với một Đảng và Nhà nước như của Việt Nam, với thời cơ  lớn đang mở trước mắt, chúng ta nhất định thắng lợi.

Cách đây 30 năm, khi Liên Xô và các nước đông Âu sụp đổ, Việt Nam rơi vào thiếu đói, nợ nần, khủng hoảng, bị vòng vây cấm vận thít chặt, gần như dư luận thế giới đều cho rằng chế độ cộng sản ở Việt Nam trước hay sau sẽ tan vỡ hoặc chí ít là đổi màu, chuyển sang hướng phát triển tư bản. Trong những ngày ấy, nhiều người có thiện chí thì hoang mang, nghi ngờ. Nhưng, Việt Nam vẫn từng bước tiến lên. Một con chim én có thể chưa là mùa xuân nhưng hàng ngàn hàng vạn con én đang bay về trong nắng ấm áp thì rõ ràng là mùa xuân đang đến.

VŨ DUY THÔNG

;
.
.
.
.
.