.

Đầu năm mua muối...

.

Hình như trong gia đình người Việt, bà mẹ nào cũng cắt nghĩa cho con cháu nghe câu thành ngữ “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Và ngày đầu tiên là mẹ, là con gái hay con dâu đi chợ, đều được dặn câu: nhớ mua muối!

Muối đã trở thành thứ không thể thiếu trong giỏ đi chợ của người phụ nữ Việt. Muối, theo quan niệm của người xưa, là thứ mặn, chống xú uế, có thể xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. 

Muối cũng là biểu tượng của tình cảm thắm thiết, mặn nồng, gắn kết, no đủ. Tục mua muối đầu năm với ý nghĩa cầu mong sự hòa thuận, gắn bó tình cảm gia đình.

Bà Mười, 81 tuổi, bán trầu cau ở chợ Cồn từ bao năm nay. Bà Ba, bạn của bà, cũng 81 tuổi, vừa mua trầu cau, vừa mua muối lấy lộc đầu năm sáng mồng 6 Tết.
Bà Mười, 81 tuổi, bán trầu cau ở chợ Cồn từ bao năm nay. Bà Ba, bạn của bà, cũng 81 tuổi, vừa mua trầu cau, vừa mua muối lấy lộc đầu năm sáng mồng 6 Tết.

Mua sự mặn mòi và lộc biếc mùa Xuân

Sáng ngày mồng 2 Tết, các ngôi chợ còn đóng cửa im lìm, chỉ lác đác vài quầy hàng mở cửa trước cổng chợ bán bún, trái cây. Và không thể thiếu một mẹt hàng lúc nào cũng đông khách: đó là hàng trầu xanh. Những cành lá trầu xanh mướt, chỉ có khoảng 3-5 lá, mỗi người mua một nhánh, xem như một cành lộc của năm mới.

Chị Đặng Thị Thu Hiền, tổ 37 phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà chìa cho tôi xem cành trầu mới mua: “Năm ngoái bà dì bán trầu cau ở chợ An Hải Bắc bán kèm muối, mình mua muối, mua một cành trầu nhân buổi đi chợ đầu năm. Năm nay dì ấy kêu lạnh quá, chưa đi bán được nên phải mua muối một nơi, trầu một nơi thế này đây”.

Chị Hiền bảo hồi chưa lập gia đình, còn ở nhà với ba má, năm nào cũng thấy má đi chợ mua muối vào ngày mồng 2 hoặc mồng 3 Tết, vì mồng 1 chưa có ai mở hàng bán. Về nhà chồng, má chồng cũng dặn chị y chang, là “đầu năm đi chợ nhớ mua muối con nghe”.

Giờ ở riêng, chị vẫn giữ nếp đi chợ ngày đầu năm thì mua một lon muối sống. Chị nghĩ đơn giản, mộc mạc: “Ông bà, ba má bày sao thì làm vậy. Theo chị hiểu thì muối là mặn mòi, là sự cầu mong nhà lúc nào cũng đủ đầy, kiểu như có thịt có cá vậy đó. Mua muối là mua sự đủ đầy, dư dả, là những hy vọng cho một năm tiếp theo”.

Theo quan niệm của người xưa, muối là thứ mặn, chống xú uế, xua đuổi tà ma, và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Mua muối đầu năm để bữa ăn gia đình luôn đầm ấm, đậm đà gắn kết tình thân chứ không nhạt nhẽo; ngoài ra, muối còn được xem là sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình, sự hòa thuận giữa vợ chồng, con cái.

Theo ông Võ Văn Hòe, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng, người nhiều năm nghiên cứu về văn hóa truyền thống, việc mua muối cho gia đình ngày đầu năm hay chuyện ăn cá chép trong những ngày Tết là một hình dung của người xưa về sự mặn mòi, sự mạnh mẽ trong một năm mới của người xưa còn truyền lại đến nay.

Tất cả đều hướng đến sự cầu mong sức khỏe và sự giàu có, hạnh phúc. Đó là một vùng văn hóa tâm linh để con người bám víu vào đó, có những tục lệ ràng buộc, tránh những điều trần trụi, thái quá và nó nâng lên ở một tầm khác, cao hơn điều người ta hay gọi là mê tín.

“Đầu năm mua muối” là mua cái sự mặn mòi về gia đình cho cả năm. Thấy ở miền Bắc, ngày mồng 1 Tết, nhiều người đạp xe đi bán muối. Dọc những con đường thỉnh thoảng lại nghe cất lên “Ai muối đây! Ai muối nào!”. Những người Bắc, người xứ Thanh, Nghệ khi vào miền Trung khai khẩn, tiến dần về phương Nam 500 năm trước, đã mang theo những tục lệ như đầu năm mua muối, hay xin một cành lộc ở chùa đem về nhà để cầu mong sự ấm no, thanh bình.

Và lớp lớp con cháu cứ thế lớn lên, truyền cái tục lệ của ông bà từ đời này sang đời khác, từ năm này sang năm khác, dù cho cuộc đời có đổi thay, có no, có ấm, thì những tục đầu năm mới như thế vẫn không mất đi, mà trường tồn mãi mãi.

Hạt muối chỉ đứng sau gạo. Nhà nông hay nhà làm nghề khác, đều phải coi trọng gạo và muối, có hai thứ đó là có tất cả. Bát muối đong đầy trong buổi chợ đầu năm cũng như hũ gạo vun đầy trong nhà ngày đầu năm mới, báo hiệu những ngày sung túc đang chờ đón, và mở ra những hy vọng, những phúc lành cho con người.

Vị ngọt khổ qua

Ẩm thực ngày Tết vẫn luôn là một nét văn hóa hết sức đa dạng, phong phú và mang đậm dấu ấn Việt. Tết là dịp để mọi người được trở về bên gia đình, là sự mong đợi, háo hức của cả người lớn, trẻ nhỏ. Dù cuộc sống có bao nhiêu thay đổi; dù mỗi thế hệ có trưởng thành, hội nhập và hiện đại đến đâu; dù bao năm tháng cứ thế trôi qua… thì truyền thống ngày Tết vẫn luôn nguyên vẹn trong mỗi trái tim, tinh thần và nếp sống của mỗi người.

Tôi chưa được chứng kiến cái Tết của bà con dân tộc miền núi, chứ cái Tết của người miền biển thì thấm vào máu, vào da thịt từ nhỏ rồi. Nên ngày đầu năm, bà nội trợ xách giỏ ra chợ, không quên ghé hàng cá, mua ít cá tươi nấu bát canh chua cho chồng con đỡ ngán những bữa cơm toàn thịt và giò chả.

Ngày mồng 2 Tết, ở chợ Mai (Thọ Quang, Sơn Trà), cá là mặt hàng bán chạy nhất, giá cao nhất, cao gấp đôi, gấp ba ngày thường. Nhớ ra, ai muốn ăn cá lưới đều tìm về chợ Mai vì nơi đây tập trung nhiều cá đi lưới, rất tươi ngon của bà con Thọ Quang, Mân Thái. Chợ Mai còn là nơi duy nhất ở Đà Nẵng giữ một cái tên nhuần nhị, phản ánh đúng bản chất của buổi chợ sớm ven biển.

Bên cạnh cá tươi, món canh khổ qua dồn thịt luôn là mặt hàng “cháy chợ” từ những ngày trước Tết, có giá 50.000 - 70.000 đồng/kg, với quan điểm “ăn cho qua cái khổ nên cần một bát canh khổ qua”. Chẳng biết cái khổ đi đến đâu nhưng bà nội trợ vẫn mong gia đình mình luôn đầy ắp niềm vui, niềm hạnh phúc.

Mới thấy, người miền Trung, miền Nam ăn món gì ngày Tết cũng đầy ắp ý nghĩa. Một món ăn để mong cầu mọi chuyện không vui sẽ qua đi, một năm tươi sáng sẽ đến với mọi gia đình. Cầu mong là một chuyện, trong 365 ngày tới người ta sống trong niềm hy vọng, sống và nghĩ đến những điều tốt đẹp nhất cho mình, cho người, đó mới chính là điều mà mỗi ngày bình minh thắp sáng, thì niềm tin, ước mơ cũng chan hòa theo.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.