.

Những mái ấm nghĩa tình

.

Là địa phương đi đầu trong việc thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg (gọi tắt là Quyết định 22) của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người có công với cách mạng (NCC) về nhà ở (có hiệu lực từ ngày 15-6-2013), Đà Nẵng đang tiếp tục nỗ lực, vận dụng linh hoạt chủ trương này, góp thêm những mái ấm nghĩa tình, trên khắp thành phố.

Mẹ Đặng Thị Mặc và con gái (trong ảnh) tin rằng, người con, người anh đã hy sinh của họ cũng sẽ thấy an lòng, khi hai mẹ con được ở trong căn nhà kiên cố, sạch sẽ. Ảnh: T.T
Mẹ Đặng Thị Mặc và con gái (trong ảnh) tin rằng, người con, người anh đã hy sinh của họ cũng sẽ thấy an lòng, khi hai mẹ con được ở trong căn nhà kiên cố, sạch sẽ. Ảnh: T.T

Chúng tôi đến nhà mẹ Đặng Thị Mặc – mẹ liệt sĩ (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) vào một buổi chiều cuối tháng 3. Mẹ không chút bất ngờ, đon đả cầm tay dẫn khách vào nhà, ấm áp như đối với con, cháu ở xa về. Mẹ kéo chúng tôi đi tham quan khắp nhà trên, nhà dưới.

Chỉ lên mái ngói mới thay trước hiên, mẹ Mặc nói, trước cứ mưa đến là cả cái hiên này không khác gì ngoài trời. Nền nhà bây giờ sáng rọi, sạch sẽ bao nhiêu thì trước kia thấp, ẩm bấy nhiêu. Còn những bức tường, trước đây, người trong nhà không ai dám đụng tới vì sợ rụng vôi vữa xuống hết, thì nay được “khoác” màu áo mới xanh ngọc mát mắt…

Ánh mắt mẹ như bừng sáng khi nói: “Tui không ngờ đến tuổi 93 mà vẫn làm được nhà. Ưng làm lại cái nền thấp trũng, mái tôn, tường nứt lâu rồi mà không dám. Nhờ có hỗ trợ của thành phố, mới dám bung ra làm. Thiệt mừng quá, tui không biết nói gì ngoài cảm ơn…”.

Chị Trần Thị Xí – con gái duy nhất mà mẹ Mặc đang sống cùng cho biết, căn nhà vôi này vốn được xây cách đây gần 30 năm. Mấy năm trở lại đây, nhà xuống cấp trầm trọng, mẹ già rồi, vợ chồng tôi thì làm nông, mấy năm nay mất mùa, muốn sửa lắm nhưng đành chịu.

“Nghĩ dại, mấy năm trước, cứ lo lỡ mẹ mệnh hệ gì, bà con đến thăm, không có chỗ ngồi cho đàng hoàng, tôi áy náy với mẹ, xấu hổ với bà con lắm. Vừa phải phẫu thuật mắt, trải qua mấy trận ốm tưởng không qua khỏi, rứa mà từ khi có nhà mới, mẹ tôi khỏe hẳn. Ai đến thăm, cũng mừng rỡ khoe.  Anh tôi ở dưới suối vàng chắc cũng cảm thấy ấm lòng”, chị Xí rơm rớm nước mắt thổ lộ.

Anh Nguyễn Văn Hiền – Cán bộ LĐ-TB&XH xã Hòa Tiến cho biết, nhà mẹ Mặc có một con trai duy nhất, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, hiện sống với con gái, điều kiện kinh tế khó khăn. Mẹ thuộc diện mẹ liệt sĩ neo đơn, là một trong 48 nhà được ưu tiên hỗ trợ 20 triệu đồng sửa chữa trước Tết Bính Thân vừa qua.

“Biết nhà mẹ Mặc xuống cấp nhiều năm, không đủ khả năng sửa chữa, chúng tôi đã xuống tận nhà hướng dẫn, động viên mẹ mới làm đơn. Mẹ nói ngại xin xỏ, dựa dẫm vô Nhà nước”, anh Hiền kể.

Lọt sâu trong căn hẻm nhỏ cuối đường Hải Phòng – quận Thanh Khê, căn nhà cấp 4 của cựu thanh niên xung phong, thương binh nhiễm chất độc hóa học Nguyễn Thị Hồng Nhì cũng mang một diện mạo chắc chắn, khang trang hẳn, sau khi được thành phố hỗ trợ sửa chữa.

Chị Nhì là con gái của mẹ Thái Thị Lý – vừa được truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng tháng 2 vừa qua. Trở về sau cuộc chiến, dù đang độ thanh xuân, nhưng thương tật, trong người lại mang chất độc da cam, chị Nhì quyết định ở vậy, không lập gia đình.

Chị đã sống bằng nghị lực, ý chí của người lính cụ Hồ, song không phải lúc nào nghị lực ấy cũng chiến thắng tuổi tác và bệnh tật. Tuổi ngoài 60, hiện ngoài thương tật, chất độc trong người, chị Nhì còn mắc bệnh tim, tiểu đường. Vì vậy, cảnh nhà đã neo, đã khó lại càng khó. Căn nhà chị đang ở trước khi sửa luôn trong cảnh ngập, ẩm thấp, kéo dài hàng chục năm.

“Nền nhà quá thấp nên cứ mưa là nước tràn hết vô nhà, nhiều đêm đang ngủ cũng phải thức dậy tát nước”, chị Nhì kể. Vì vậy, được nhận hỗ trợ 20 triệu đồng, chị Nhì lập tức lấy tất cả các khoản dành dụm tuổi già, cộng vay mượn để nâng cấp nhà. Giờ dù còn nợ nần, song nhìn căn nhà khang trang, thoáng đãng, chị cảm thấy rất phấn chấn.

Một chính sách được thực hiện đồng bộ

Tại Hội nghị tổng kết đề án hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho gia đình NCC trên địa bàn thành phố Đà Nẵng 2014, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp đã từng kết luận rằng, Đà Nẵng là thành phố đầu tiên trong cả nước hoàn thành vượt mức chỉ tiêu trong việc thực hiện Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ NCC về nhà ở. “Điều đáng trân trọng và tuyên dương là thành phố Đà Nẵng đã không chờ ngân sách giải ngân mà đã huy động được nguồn vốn, nguồn lực toàn dân vào đề án này”.

Ông Nguyễn Văn An – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho rằng, nhận định trên là một sự ghi nhận, động viên lớn từ Bộ LĐ-TB&XH đối với ngành LĐ-TB&XH thành phố. Tuy nhiên, ông An lưu ý, cần hiểu việc Đà Nẵng “hoàn thành đầu tiên” theo nghĩa hoàn thành giai đoạn đầu - từ khi Quyết định 22 ban hành, cho đến hết năm 2014.

Khi đó, toàn thành phố được Trung ương duyệt hỗ trợ xây, sửa 300 nhà, nhưng đến hết năm 2014, thành phố đã xây, sửa được 950 nhà, còn tặng 950 ti-vi, với tổng kinh phí trên 25 tỷ đồng, từ các nguồn lực, trong khi Trung ương chưa kịp giải ngân. “Đến nay, Đà Nẵng vẫn đang tiếp tục nỗ lực vận dụng, thực hiện Quyết định 22, công việc này sẽ còn kéo dài nhiều năm, chứ không thể nói đã hoàn thành”, ông An nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến cho rằng, Đà Nẵng linh hoạt, đi trước một bước trong vận dụng Quyết định 22, không chỉ thể hiện ở việc tự huy động nguồn lực, mà mức hỗ trợ sửa chữa nhà ở NCC cũng cao hơn chuẩn Chính phủ đưa ra.

Đà Nẵng quy định mức hỗ trợ xây mới là 60 triệu đồng/nhà (trong khi Trung ương là 40 triệu/nhà); sửa chữa 20 triệu đồng/nhà. Ngoài ra, những nhà nào hư hỏng nặng, gia đình quá khó khăn sẽ được xem xét hỗ trợ thêm không quá 20 triệu đồng/nhà. Đặc biệt, khi các nguồn lực vận động chưa đủ, thành phố sẽ “tạm ứng” ngân sách để hỗ trợ kịp thời giải quyết những khó khăn, cấp bách về nhà ở NCC. Điều này thể hiện sự quyết liệt của lãnh đạo thành phố đối với công tác đền ơn, đáp nghĩa thiết thực này.

Theo kế hoạch, năm 2016, Đà Nẵng sẽ hỗ trợ sửa chữa, xây mới 1.327 nhà. Trong đó, xây mới 297 nhà, với tổng kinh phí thực hiện gần 40 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố đồng thời huy động, vận động các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Tính đến ngày 5-2-2016, toàn thành phố hoàn thành 437 nhà, đạt 32,8% kế hoạch, trong đó xây mới 47 nhà, sửa chữa 390 nhà. Hiện nay các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện sửa chữa, xây mới nhà ở số nhà còn lại, hoàn thành trước ngày 27-7 tới.

Theo Quyết định 22, 12 đối tượng được hỗ trợ kinh phí để sửa chữa nhà ở hoặc xây mới, gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945; thân nhân liệt sĩ; Bà mẹ VNAH; Anh hùng LLVT nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; người có công giúp đỡ cách mạng.
Chỉ riêng trong hai năm 2014 và 2015, Đà Nẵng tập trung nguồn lực từ ngân sách và vận động hỗ trợ xây và sửa chữa hơn 2.000 căn nhà NCC với kinh phí trên 55 tỷ đồng. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở đã được thực hiện đồng bộ từ miễn giảm tiền sử dụng đất đến chính sách tặng nhà tình nghĩa, hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà đã tạo điều kiện cho gia đình chính sách có nhà ở ổn định, kiên cố chống chịu được thiên tai, bão lũ. Thành phố còn bố trí 550 lô đất và 166 nhà chung cư cho gia đình chính sách có khó khăn về đất ở, nhà ở. Trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, đã có hơn 6.000 hộ chính sách nằm trong diện di dời giải tỏa được thành phố bố trí đất tái định cư và thực hiện miễn giảm tiền sử dụng đất với kinh phí hơn 140 tỷ đồng.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.