.

Thời cơ nghìn năm có một

Sau khi quân Giải phóng chiếm thị xã Ban Mê Thuột vào rạng sáng ngày 8-3- 1975, ngày 14-3, tổng thống Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu quyết định rút bỏ Tây Nguyên về co cụm giữ đồng bằng Duyên hải miền Trung. Nhận chỉ thị của Bộ Chính trị, Bí thư Khu ủy 5 Võ Chí Công hành quân suốt đêm 18-3 vào thị xã Pleiku lên Ban Mê Thuột để gặp tướng Văn Tiến Dũng.

Trên đường đi, ông theo dõi tình hình, phán đoán có thể địch rút bỏ Huế, đã kịp thời thảo điện đề nghị Bộ Chính trị cho tấn công giải phóng Đà Nẵng. Vào thị xã Pleiku, ông lại điện cho tướng Văn Tiến Dũng, xin không vào Ban Mê Thuột nữa mà quay về lo giải phóng đồng bằng.

Trên đường về Khu ủy 5, ngày 20-3-1975, ông tiếp tục điện cho Bộ Chính trị và tướng Văn Tiến Dũng: “Địch sẽ rút bỏ đồng bằng Khu 5 và Trị Thiên, ta phải huy động toàn bộ lực lượng tấn công ngay, hướng tấn công chủ yếu là thành phố Đà Nẵng và Quy Nhơn”.

Ngày 20-3-1975, Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà Trần Thận nhận được điện của Thường vụ Khu ủy 5 triệu tập toàn Ban Thường vụ Quảng Đà lên nhận chỉ thị mới. Trước đó, cuộc họp Thường vụ  Đặc khu ủy Quảng Đà ngày 19-3-1975, đã phân công các Ủy viên Ban Thường vụ đi công tác, chỉ còn có ba người đi họp là: Trần Thận - Bí thư, Phan Hoan - Tư lệnh Mặt trận 4 và Phạm Hồng Quang - Ủy viên Ban Thường vụ. Trước khi đi, Trần Thận bàn với Văn phòng triệu tập cuộc họp Thường vụ mở rộng chuẩn bị  khởi thảo lời kêu gọi khởi nghĩa; kế hoạch khởi nghĩa Đà Nẵng; giải phóng nông thôn.

Từ cơ quan Đặc khu ủy ở phía Bắc chân núi Hòn Tàu, theo xe U-oát bò lắc lư trên con đường mới khai thông ra đường 105, qua đèo Le, đèo Răm, đường 16, qua phà Tân An, về cơ quan Khu ủy 5 vừa sáng ngày 22-3-1975.

Nghỉ chưa đầy 20 phút, thì đồng chí Võ Chí Công đến và làm việc ngay. Ông nói ngắn gọn về diễn biến tình hình và nhận định tình hình chung toàn chiến trường, nhận định khả năng địch rút bỏ Huế, co cụm về Đà Nẵng, đây là thời cơ ngàn năm có một để giải phóng Đà Nẵng.

Quảng Đà phải  làm thật tốt ba việc: Một, phải làm cho địch tan rã tại chỗ, không để địch co cụm về các tỉnh phía Nam, về Sài Gòn; hai, không để địch hốt dân đi vào Nam; ba, phải bảo vệ nguyên vẹn thành phố, bảo vệ tài sản, tính mạng của dân, có kế hoạch tiếp tế, cứu trợ đừng để dân bị đói.

Ngày 23-3-1975, Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà họp bàn kế hoạch tổ chức huy động quần chúng bên trong nổi dậy làm chủ đón quân Giải phóng tiến vào thành phố.  9 giờ 30 phút ngày 25-3, tổng thống Thiệu họp quân sự cấp cao tại Dinh Độc Lập bàn cố thủ Huế.

Sau đó, Thiệu điện cho Ngô Quang Trưởng bỏ Huế, đưa lực lượng về “giữ Đà Nẵng bằng mọi giá”. Ngày 26-3, Huế thất thủ. Trong hồi ký của tướng tham mưu trưởng Sài Gòn Cao Văn Viên có đoạn: “Người ta di chuyển điên cuồng để tìm hiểu về sự cứu trợ và lối thoát. Tất cả các đường phố bị chật cứng, xe cộ thì không thể di chuyển...”.

Ban Thường vụ Đặc Khu Quảng Đà họp bàn và phân công nhiệm vụ cho các Ủy viên Ban Thường vụ. Trần Hưng Thừa nhận nhiệm vụ Bí thư Quận ủy quận Nhất, phụ trách bộ phận chỉ đạo nội thành “lót” vào thành phố trước, chuẩn bị huy động nhân dân nổi dậy giải phóng Đà Nẵng.

Chiều ngày 27-3, khi màn đêm buông xuống thì những ụn khói từ trong  Tòa lãnh sự Mỹ ở Đà Nẵng bắt đầu bốc lên. Mỹ đốt Tòa lãnh sự, CIA hủy tài liệu... Những tin này truyền đi nhanh như điện trong người dân Đà Nẵng.

Đây là chỗ dựa vật chất và tinh thần của những người dựa và tin vào Mỹ, vì vậy, khi tòa nhà này lặng lẽ bốc cháy, vừa âm ỉ, vừa dữ dội, thì họ xem như Mỹ đã rút chạy khỏi Đà Nẵng. Niềm hy vọng mong manh trụ lại Đà Nẵng để đương đầu với quân giải phóng bỗng tan vào đám khói mù mịt như không chịu rời khỏi khu vực thành phố.

Nỗi hoảng sợ tràn đến với những tên ngoan cố nhất. Dù trong tuyệt vọng, nhưng Trung tướng Tư lệnh vùng I chiến thuật Ngô Quang Trưởng cũng gằn giọng hô hào sĩ quan và binh lính tử thủ bảo vệ Đà Nẵng đến cùng! Tiếng rao ra rả phát ra từ Đài Phát thanh Đà Nẵng, nhưng vị tướng này đã ngồi trên tàu thủy ngoài khơi!  

Năm giờ sáng ngày 28-3-1975, tại cơ quan của Đặc khu ủy Quảng Đà ở Đá Béo - Mặt Rạng - Hòn Tàu, tôi dẫn đầu một đoàn anh em rời hang đá, lên đường, xuống Đồng Lớn ranh Xuyên Hiệp, ra Cụp Chiêm Sơn - Xuyên Trường, ra Điện Bàn… Đây là đoạn đường khó đi, nhiều bãi mìn, nhưng là con đường ngắn nhất để sớm tiếp cận với thành phố Đà Nẵng.

Một bộ phận của Đặc Khu ủy do Phạm Đức Nam, Trần Văn Đán, Hoàng Văn Lai đưa Võ Chí Công, Hồ Nghinh, Chu Huy Mân xuống ngả Xuyên Trà, đến sáng 28-3-1975, thì gặp Sư 2 của Nguyễn Chơn ở thị trấn Nam Phước - Duy Xuyên. Gần tối ngày 28-3, đoàn của Trần Thận đến Điện Hòa.

Theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Võ Chí Công , tối ngày 29-3 phải tiếp cận ngoại vi Đà Nẵng để sáng 30-3-1975, tiến công giải phóng Đà Nẵng. Tuy nhiên nhờ phân tích đúng tình hình địch ta, thì sáng ngày 29-3-1975, nhận được thư hỏa tốc của Trần Hưng Thừa, do anh Sơn cán bộ quận Nhất mang ra tận Phái Nhì xã Điện Hòa báo cáo: “Ngô Quang Trưởng, Trung tướng Tư lệnh Vùng I chiến thuật đã bỏ chạy, theo ca nô ra ngoài biển khơi Đà Nẵng”, Trần Thận trao đổi với các anh Ủy viên Ban Thường vụ có mặt tại Phái Nhì, liền điện báo đề xuất với Võ Chí Công và Tư lệnh Khu ủy 5 Chu Huy Mân, đưa quân tiến vào Đà Nẵng.

…Ngày 24-3-1975, sau khi dự cuộc họp Ban Thường vụ Đặc khu ở ranh núi Xuyên Hiệp, nắm vững tinh thần của Trần Thận, Bí thư Đặc khu truyền đạt ý kiến của Võ Chí Công, về việc giải phóng Đà Nẵng bằng lực lượng địa phương, không chờ lực lượng của Khu 5, trên đường từ ranh núi Hòn Tàu ra Khu 2 Hòa Vang và Điện Bàn, Phạm Hồng Quang hiểu rõ là phải có nhiều quần chúng tham gia nổi dậy.

Ngày 26-3-1975, khi vừa ra đến xã Điện Sơn thì gặp Nguyễn Quang Thái, Trưởng ban Binh địch vận đề nghị Phạm Hồng Quang liên lạc xin ý kiến Trần Thận, cho Nguyễn Quang Thái vào thành phố. Được sự đồng ý rất nhanh của Trần Thận, Phạm Hồng Quang cấp cho Nguyễn Quang Thái một số giấy giới thiệu khống để mang vào thành phố để cần thì cấp ngay.

Từ chuyến đi của Nguyễn Quang Thái, ngày 28-3-1975, hơn 3.000 hạ sĩ quan và binh lính Sài Gòn ở Trung tâm huấn luyện Hòa Cầm làm binh biến ly khai rã ngũ. Chiều và tối ngày 28-3-1975, hơn một ngàn lính Sài Gòn chạy về các xã Điện Hòa, Điện An, Điện Phước.

Tình hình Đà Nẵng chuyển biến rất nhanh. 8 giờ sáng ngày 28-3, tại Điện Hòa, khi Phạm Hồng Quang và Phùng Thành, Bí thư Điện Bàn đang ở Quang Hiện - Điện Hòa thì nhận được báo cáo khẩn của Nguyễn Văn Chân, bấy giờ là Bí thư Đoàn Thanh niên Quảng Đà, đang đứng chân sát thị trấn Vĩnh Điện: “Địch bỏ Tuần Dưỡng và Bà Rén, về co cụm tại Vĩnh Điện”.

Phạm Hồng Quang phán đoán tình hình và bảo Phùng Thành viết thư hỏa tốc gửi ngay cho các xã, nội dung: “Theo tin anh Chân ở Vĩnh Điện báo về, địch bỏ Bà Rén và chuẩn bị rút khỏi Vĩnh Điện. Lệnh các xã đưa quân rầm rộ vào các đồn như kế hoạch đã bố trí”.

Từ tối 27-3, Thượng tá Tư lệnh Phan Hoan đang rấm quân ở Điện Hòa, Điện An thì đã thấy xuất hiện ở khu vực này hàng trăm lính Sài Gòn rã ngũ, áo quần tả tơi, mặt mày phờ phạc. Không ai kịp hướng dẫn, mấy bà mẹ ở Phái Nhất, Phái Nhì nấu cơm cho lính rã ngũ ăn.

Phần đói, phần mừng thoát chết, họ ăn ngon lành. Sáng 28-3, nhìn lên núi Bồ Bồ, lính bỏ đồn xuống núi. Dọc quốc lộ I từ cầu Bà Rén ra cầu Câu Lâu, Vĩnh Điện càng rõ hơn cảnh tan rã của quân Sài Gòn. Tin từ nội thành ra cho biết tình hình lộn xộn hơn bao giờ. Dân ùn ùn đổ vào sân bay Đà Nẵng, bến cảng Tiên Sa.

 Gần đến 8 giờ tối ngày 28-3, Trần Thận vừa đến Phái Nhất - Điện Hòa, chưa kịp ăn, liền triệu tập cán bộ chủ chốt có mặt tại chỗ phân công nhiệm vụ cấp bách. Sáng sớm ngày 29-3-1975, tại số nhà 245, đường Phan Châu Trinh-Đà Nẵng, Trần Hưng Thừa, Ủy viên Ban Thường vụ Đặc khu, Bí thư quận Nhất, phát lệnh khởi nghĩa trong nội thành Đà Nẵng.

Cũng buổi sáng không bao giờ quên này, Phạm Hồng Quang băng trong xóm làng Điện Hòa, Điện Thắng xuống chợ Mới Ba Xã, băng đồng xuống Hói Kiểng - Hòa Đa, qua Nước Mặn, thì gặp quân của Hà Bân đang được bà con Hòa Hải làm heo, nấu xôi, làm gà đón quân Giải phóng...

9 giờ sáng ngày 29-3, đang ở Phái Nhất xã Điện Hòa - Điện Bàn, Trần Thận liên lạc được với đoàn của Phạm Đức Nam, khi đoàn đang ở dưới gốc cây đa Xuyên Mỹ; mười hai giờ trưa ngày 29-3-1975, tại ngã ba quốc lộ 1 -  cầu Tứ Câu,  gặp và đón đoàn của Võ Chí  Công, Hồ Nghinh vào nội thành Đà Nẵng.

Chiều ngày 29-3-1975, tại nhà của bà Nguyệt Ánh số 245 đường Phan Châu Trinh, bộ phận tiền phương của Đặc khu hội ý và ra quyết định triển khai một số công tác cấp bách nhằm lập lại trật tự trị an thành phố, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, đưa sinh hoạt của thành phố nhanh chóng trở lại bình thường.

Tại Tòa thị chính Đà Nẵng, ngay tối ngày 30-3-1975, Bí thư Võ Chí Công công bố quyết định thành lập Ủy ban quân quản thành phố Đà Nẵng, Hồ Nghinh làm Chủ tịch, Trần Thận và Nguyễn Chánh làm Phó Chủ tịch, cùng 4 ủy viên.

Khu ủy 5 quyết định  Hồ Nghinh làm Bí thư Đặc khu ủy, Trần Thận làm Phó Bí thư, chuyên trách công tác Đảng kiêm Trưởng ban tổ chức. Một bộ máy vừa hình thành, huy động mọi lực lượng có thể, tập trung sức hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ tiếp quản thành phố mới được giải phóng còn nguyên vẹn song đầy phức tạp, ngổn ngang...

HỒ DUY LỆ

;
.
.
.
.
.