.
Tuyển sinh 2016

Chọn trường, chọn nghề cho tương lai

.

Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ và TCCN 2016 đang nóng lên với nhiều hoạt động tư vấn tuyển sinh dưới nhiều hình thức như tư vấn trực tuyến, trực tiếp, phát tờ rơi, giúp cho học sinh (HS) lựa chọn bậc học, chọn trường, chọn ngành, nghề để đăng ký dự thi phù hợp với khả năng và sở trường của bản thân, đáp ứng nhu cầu nguồn lực…

Ngoài xây dựng góc tư vấn, thông tin tuyển sinh, công tác hướng nghiệp đã có nhiều đổi mới, chủ động hơn và đi vào chiều sâu.

HS Trường THPT Phan Châu Trinh trong ngày hội tư vấn tuyển sinh 2016.
HS Trường THPT Phan Châu Trinh trong ngày hội tư vấn tuyển sinh 2016.

Đối thoại với phụ huynh, học sinh

Suốt nhiều tháng nay, ở các trường THPT, bảng tin và thư viện đều ưu tiên dán thông tin, áp-phích giới thiệu ngành nghề đào tạo của một số trường ĐH, CĐ, TCCN và dạy nghề; thông tin về điểm sàn, điểm chuẩn của các trường trong những kỳ tuyển sinh trước đó để các em lớp 12 cân nhắc, lựa chọn trước khi làm hồ sơ đăng ký dự thi, kinh nghiệm thi cử...

Buổi chào cờ đầu tuần của Trường THPT Trần Phú có thêm một “tiết mục” mới: khi thì các trường ĐH, CĐ, trường dạy nghề… tự giới thiệu về mình, khi thì Ban Giám hiệu (BGH) nhà trường hoặc Đoàn Thanh niên trò chuyện về định hướng nghề nghiệp, việc chọn ngành, chọn trường, kinh nghiệm thi cử và cả những câu chuyện về các HS khóa trước đã chọn nhầm… tương lai ra sao.

Chỉ khoảng 10 đến 15 phút cho nhiều nội dung nên phòng giáo vụ trở thành nơi giải đáp thắc mắc của học sinh về tất tật những gì liên quan đến tuyển sinh.

Song song với việc tư vấn cho HS, các trường phổ thông còn mở thêm kênh tư vấn cho cả phụ huynh về những đổi mới trong công tác tuyển sinh cũng như hướng nghiệp. BGH, Đoàn Thanh niên Trường THPT Trần Phú trong tháng 3 tổ chức 2 buổi đối thoại với phụ huynh và HS khối 12 về hướng nghiệp.

Thầy Phan Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đã chia xu hướng chọn nghề của HS theo một số nhóm: thành kiến với một số ngành nghề trong xã hội như đánh giá thấp các nghề lao động phổ thông, dịch vụ, cung ứng…; hay HS thường mắc phải do quan niệm không đúng, thiếu hiểu biết về nghề nên chọn nghề theo chủ quan, không căn cứ vào năng lực bản thân, vào nhu cầu của xã hội; hoặc nhóm HS lựa chọn nghề nghiệp theo sự định hướng của bố mẹ, sự lôi cuốn của bạn bè hay dư luận xã hội.

“Đoàn Thanh niên sẽ sưu tầm những thông tin liên quan đến thị trường lao động, nhu cầu nhân lực của một số ngành nghề… để cung cấp cho phụ huynh và HS”, thầy Hùng thông tin thêm.

Ngoài việc chia HS khối 12 của trường thành 3 nhóm ôn tập (HS yếu cần nắm vững kiến thức, HS khá sẽ cải thiện điểm và HS giỏi vào được trường ĐH tốt), cô Lê Thị Tuyết Hồng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền cho biết, trường đã tổ chức 2 lần tư vấn cho cả HS và phụ huynh về vấn đề thi tốt nghiệp và đại học thời gian tới.

Cô Trần Thị Kim Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Thất Tùng cho rằng: “Hơn ai hết, phụ huynh phải là người nắm được thế mạnh cũng như mong muốn của con em mình. Thế nhưng, không phải tất cả phụ huynh đều có đầy đủ các thông tin về nghề nghiệp và chưa chắc những quyết định về tương lai của con em mình là căn cứ vào năng lực và nguyện vọng của các em”.

Tư vấn nghề nghiệp  là một quá trình

Cô Trần Thị Kim Vân chia sẻ: “Chúng tôi chủ trương các nội dung về tư vấn hướng nghiệp phải được khởi động ngay từ khi lớp 10 và là một nội dung cho các tiết sinh hoạt lớp trong suốt 3 năm học THPT chứ không đợi đến thời điểm các em làm hồ sơ tuyển sinh mới bắt đầu triển khai. Ở lớp 10 và nửa đầu năm lớp 11, giáo viên phải giúp HS làm quen được với một số nghề cơ bản trong xã hội, góp phần hình thành hứng thú nghề nghiệp trong HS cũng như ý thức tôn trọng người lao động thuộc các thành phần khác nhau”.

Nhờ đó, công tác tư vấn nghề nghiệp diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi. HS có thể tìm đến bất kỳ giáo viên nào nhờ sự giúp đỡ, tư vấn, giải đáp… ngoài giờ học. Có thể HS có càng nhiều thông tin thì các em càng phân vân trong lựa chọn, vì vậy, thầy cô phải giúp HS xác định được năng lực thực sự của mình, biết được mình “rơi” vào chỗ nào thì được, và phải có sự hình dung nhất định về con đường phía trước của mình.

Các giáo viên làm công tác chủ nhiệm của Trường THPT Tôn Thất Tùng đều được BGH trang bị thêm quyển Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ để có những thông tin cập nhật về các ngành nghề đào tạo.

Không quá phụ thuộc nhiều vào thông tin do các trường ĐH, CĐ cung cấp, các trường THPT đã chủ động chọn các hình thức tư vấn ngành nghề phù hợp với đặc thù của HS. Năm 2015, Trường THPT Nguyễn Hiền và năm nay Trường THPT Tôn Thất Tùng kết nối với một số cựu HS của trường về nói chuyện với HS khối 12 về xu hướng chọn ngành, chọn nghề.

Đặng Văn Minh, sinh viên năm cuối Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng, cựu HS Trường Tôn Thất Tùng đã về trường chia sẻ với các em HS tất cả những lo toan, tâm trạng khi chuyển từ THPT lên ĐH, CĐ; những trăn trở khi chọn nghề. Theo Minh thì “những chia sẻ của cựu HS đều sát hơn, bởi tụi em là “dấu mốc” gần nhất, thực tế nhất khi vừa bước qua 4 năm trong trường ĐH”.

Có một thực tế là rất nhiều HS, dù không đủ năng lực để vào học trường CĐ, ĐH nhưng vẫn nhất quyết không đầu quân vào trường nghề. Và để góp phần thay đổi nhận thức của phụ huynh, HS về vị trí và vai trò giáo dục nghề nghiệp, các Trường THPT Tôn Thất Tùng, Trần Phú… đã phối hợp với các trường đào tạo nghề cho HS khối 12 đến tham quan.

Cũng có nhiều trường tổ chức công tác tư vấn một cách bài bản bằng cách phát phiếu điều tra định hướng nghề nghiệp ngay từ đầu năm học lớp 12 để có căn cứ theo dõi và tư vấn.

Các trường nghề vào cuộc

ThS Đặng Phúc Sinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt Úc cho biết, thay vì ngồi đợi học sinh tìm đến mình, những năm gần đây trường đã có riêng một bộ phận làm công tác tư vấn tuyển sinh. Đội ngũ này sẽ đi đến các trường THPT chia sẻ với các em về những ngành nghề mà nhà trường đang đào tạo, cho các em thấy được các em sẽ được học trong môi trường được trang bị cơ sở vật chất ra sao, học xong các em sẽ ra nghề như thế nào.

Ông Sinh cho rằng, công tác tư vấn tuyển sinh không phải là làm mọi cách để thu hút học viên đến theo học ở trường mình, mà điều quan trọng là cho các em thấy được cái nghề đó có phù hợp để các em gắn bó và theo học nghề này hay không.

Từ nhiều tháng nay, Trường CĐ Công nghệ, ĐH Đà Nẵng cử giáo viên đi đến hàng chục trường phổ thông của 7 tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Định giới thiệu về trường. Thay vì in tờ rơi như các năm trước, năm nay trường in thành một quyển sổ có đầy đủ 17 ngành đào tạo, chỉ tiêu từng ngành và 18 lý do “vì sao bạn nên chọn học tại Trường CĐ Công nghệ” phát cho HS. Đã có trên 2.400 lượt truy cập và trên 1.000 câu hỏi HS gửi về trường xin tư vấn trực tuyến về tuyển sinh.

Những thông tin về tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học, thậm chí thạc sĩ thất nghiệp, phải giấu bằng đi làm công nhân vẫn chưa tác động nhiều đến sự lựa chọn của các thế hệ nối tiếp; trong khi các công ty vẫn thiếu công nhân, kỹ sư thực hành có tay nghề.

PGS, TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ cho biết, năm 2015, có khoảng 25% sinh viên vào trường có tổng điểm thi đạt 18 trở lên, cao hơn điểm vào nhiều trường ĐH trên cả nước, vì các em muốn trở thành kỹ sư thực hành, muốn học đúng nghề mơ ước. Hy vọng đây cũng là lựa chọn của nhiều HS trong năm học này.

Trong xu hướng nhiều trường ĐH, CĐ, TCCN, bằng các hình thức khác nhau, đã tìm cách tiếp cận trực tiếp với phụ huynh, học sinh thì quyền được tiếp cận thông tin về trường, ngành nghề mình sẽ chọn trước mùa tuyển sinh ĐH, CĐ của thí sinh ngày càng được bảo đảm. Có một nguyên tắc trong lựa chọn ngành nghề mà không phải bất kỳ HS nào cũng nắm được: sự cân bằng giữa năng lực, sở thích để lựa chọn những ngành, nghề và trường học có khả năng trúng tuyển; nhu cầu nhân lực của xã hội như thế nào trong thời gian tới. Lúc đó, sự suy nghĩ cẩn trọng để lựa chọn của HS, phụ huynh, sự tư vấn chuyên sâu của trường phổ thông và các trường cấp cao hơn là yếu tố không thể bỏ qua trước sự lựa chọn nghề cho tương lai.

Hà Trần - Hiền Lương - Nhật Hạ

;
.
.
.
.
.