.

Bổ sung các môn ngoại ngữ mới

.

Năm học 2015-2016, quận Cẩm Lệ tổ chức dạy thí điểm môn tiếng Đức cho 60 học sinh (HS) khối lớp 6 của hai trường THCS Trần Quý Cáp và Nguyễn Thiện Thuật; thí điểm môn tiếng Hàn cho 65 HS Trường tiểu học Hoàng Dư Khương và Trường THCS Nguyễn Văn Linh. Ngành giáo dục quận kỳ vọng tương lai sẽ có nhiều học sinh theo đuổi một số ngoại ngữ mới phục vụ cho ngành du lịch thành phố.

Một giờ học tiếng Đức tại Trường THCS Trần Quý Cáp.
Một giờ học tiếng Đức tại Trường THCS Trần Quý Cáp.

Hai buổi mỗi tuần, phòng học ngoại ngữ của Trường THCS Trần Quý Cáp lại sôi nổi bởi tiết học tiếng Đức. Em Hồ Hồng Hạnh phấn khởi nói: “Mặc dù một lúc em phải học cả tiếng Anh và tiếng Đức nhưng em thấy rất vui vì được học thêm một ngoại ngữ mới”. Còn em Trần Văn Trường thì cho biết: “Được học với chính cô giáo người Đức và được đặt cả tên theo ngoại ngữ đó nên em thấy rất thú vị”.

Cô Sabine Frevert, đến từ Đức - người trực tiếp đứng lớp giảng dạy cho HS ở hai trường THCS Trần Quý Cáp và Nguyễn Thiện Thuật chia sẻ: “Nhìn chung các em lớp tiếng Đức tiếp thu bài khá tốt và rất ham học hỏi. Tôi từng dạy cho HS ở Hà Nội trước khi đến Đà Nẵng 2 năm. So với HS Hà Nội, HS ở Đà Nẵng ban đầu ít biết về tiếng Đức, văn hóa và người Đức, nhưng cũng vì thế mà các em tò mò và sôi nổi hơn trong các tiết học.

Để các em dễ làm quen với ngoại ngữ mới, tôi bắt đầu dạy các em kiến thức về giao tiếp, chào hỏi, trả lời những tình huống đơn giản trong cuộc sống. Dạy cho các em biết những từ nước ngoài gần như đã được “Việt hóa”, ví dụ: Cassette (cát-sét), carotte (cà-rốt)… Để nâng cao khả năng phát âm, chúng tôi thường chỉ cho HS phương pháp “đấm bốc” (ngôn ngữ cử chỉ); mỗi HS đều có một tên tiếng Đức riêng để tạo hứng thú cũng như giúp HS phân biệt được tên con trai và con gái.

Sau gần một năm học, vào buổi gặp gỡ giao lưu với du khách Đức, các em đã tự đặt được câu hỏi và hiểu được câu trả lời”. Mặc dù có sự ngăn cách trong ngôn ngữ nhưng cả giáo viên và HS đều bắt nhịp khá nhanh. Trong tiết học, cô Sabine Frevert thường đảm nhận phần lớn các bài học, còn các trợ giảng sẽ giải thích thêm cho các em về ngữ pháp, tham gia tổ chức các hoạt động ngoài trời cho học sinh và truyền tải những vấn đề khó trong quá trình cô trò giao tiếp.

Với môn tiếng Hàn, các em HS Trường THCS Nguyễn Văn Linh tỏ ra rất hào hứng. Tuy nhiên với môn tiếng Hàn, GV đứng lớp người Hàn Quốc đến từ tổ chức KOICA, không có giáo viên trợ giảng nên quá trình giảng dạy, giao lưu với nhà trường còn gặp một số khó khăn.

Thầy Trần Bảy, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quý Cáp cho biết, lớp học tiếng Đức được bố trí như một giờ ngoại khóa. “HS tham gia lớp học được xét chọn trên tiêu chí năng lực học tập và ngoại ngữ. Kết quả học tập được chính giáo viên đánh giá dưới sự kiểm tra, giám sát của nhà trường và phòng giáo dục quận. Nhìn chung qua gần một năm học, các em đều học rất tốt, phản ứng rất tích cực”.

Còn thầy Nguyễn Thanh Long, Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Linh nhìn nhận, việc thí điểm đưa vào trường học các môn ngoại ngữ mới mở ra hướng tiếp cận mới cho HS, giúp các em có nhiều sự lựa chọn cho mình trong môi trường hội nhập đa ngữ.

“Đà Nẵng là thành phố du lịch, hằng năm đón rất nhiều khách quốc tế thì việc HS được tiếp cận từ sớm, thông thạo nhiều ngoại ngữ, giúp các em dễ dàng hơn trong định hướng nghề nghiệp, chọn lối đi cho mình bằng những ngoại ngữ đó vào các ngành nghề phù hợp trong xu thế hội nhập là điều cần thiết”.

THIÊN LAM

;
.
.
.
.
.