.

Chúng ta mang ước mơ nào vào đời?

.

LTS: Sau loạt bài Tuyển sinh 2016, Chào bạn trẻ nhận được nhiều phản hồi tích cực của bạn đọc, chia sẻ về ước mơ cũng như những khó khăn khi chọn ngành, chọn nghề cho tương lai của các bạn, của con em các gia đình. Chúng tôi sẽ tiếp tục gửi đến độc giả những ý kiến, bài viết xung quanh vấn đề này trong các số báo tiếp theo.

Dù con đã trưởng thành, nhiều ông bố bà mẹ vẫn bảo bọc mọi lúc mọi nơi. TRONG ẢNH: Phụ huynh đội nắng đợi con trong kỳ thi quốc gia 2015. (Ảnh mang tính minh họa)
Dù con đã trưởng thành, nhiều ông bố bà mẹ vẫn bảo bọc mọi lúc mọi nơi. TRONG ẢNH: Phụ huynh đội nắng đợi con trong kỳ thi quốc gia 2015. (Ảnh mang tính minh họa)

“Thất nghiệp” có lẽ là một trong những cụm từ ám ảnh nhất và được nhắc lại nhiều nhất trong những năm gần đây. Nghe đến thất nghiệp, có bao nhiêu bạn trẻ giật mình? Có bao nhiêu phụ huynh thức tỉnh vì bắt con “cõng” trên vai kỳ vọng quá lớn bất chấp mơ ước và năng lực của con?

Cuộc nội chiến gia đình

Hai hàng nước mắt chực tuôn rơi, tóc lún phún vài sợi bạc, người phụ nữ trẻ N.T.T (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) mà tôi từng biết bỗng già đi trông thấy bởi chị đang rơi vào khủng hoảng vì con không chịu thi ngành chị thích. “Nó ưng học luật sư, làm thầy cãi sung sướng gì. Đã 3 ngày nay nó “chiến tranh lạnh” với mẹ”, chị nói trong tức tối lẫn bế tắc.  

Chuyện như của gia đình chị T. nhiều đến nỗi người ta xem đó là sự hiển nhiên của bất cứ gia đình nào khi con cái bước vào kỳ thi đại học.

Trong khi nhà trường thiếu định hướng nghề nghiệp, Nhà nước thiếu các nghiên cứu có tính chiến lược về nhu cầu thị trường lao động, khiến học sinh khó khăn khi đứng trước quyết định của cuộc đời: chọn nghề.

18 tuổi, những đứa trẻ to xác nhưng tâm hồn còn chưa kịp lớn  hoàn toàn tù mù về cái nghề mình sẽ gắn bó. Và những ông bố bà mẹ đã đẩy đứa con thân yêu vào một nghề theo các tiêu chí: dễ kiếm việc làm, có nhiều tiền, dễ cưới vợ/gả chồng; chưa kể suy nghĩ “học cái đó sau xin vô làm Nhà nước cho ổn định”.

Trong cuộc chiến này, phần thắng thường thuộc về bố mẹ bởi họ có quyền của một đấng sinh thành. Con muốn học ngành con thích, được thôi nhưng bố mẹ sẽ cắt chu cấp! Trong đỉnh điểm của cơn giận dữ, có mấy ai bình tâm nhận ra mình đang “đập vỡ” mơ ước của con mình.

Đi trên đường, sẽ không khó để thấy cảnh những đứa con trai cao hơn mẹ cái đầu ngoan ngoãn ngồi sau lưng để mẹ chở đi học. Hay cảnh các ông bố, bà mẹ đầu hai thứ tóc chống cằm, ngủ gật vì mệt nhưng vẫn kiên nhẫn đợi con hết giờ học thêm. Bảo bọc như thế thì làm sao con không lệ thuộc cả ước mơ?

Xin đừng “học đại”

Kết thúc cuộc xung đột giữa con cái với bố mẹ, thường sẽ có 3 kịch bản diễn ra. Một là, con thỏa hiệp, học cho xong, ra trường, có được việc làm do bố mẹ kiếm cho. Hai là, con học ngành con thích, tình cảm gia đình sứt mẻ, con tự thân vận động sau khi ra trường. Một kịch bản tồi tệ khác là vẫn học ngành bố mẹ chọn, càng học càng bế tắc nên bỏ giữa chừng, bắt đầu lại từ đầu.

Suy cho cùng, nếu không muốn lãnh hậu quả từ sự áp đặt kia, sao những người trẻ không chủ động đứng lên điều khiển cuộc đời mình, chứng minh ta đã lớn. Rất ít thiếu niên Việt có ý thức tìm hiểu, vạch ra những tình huống mình có thể gặp phải sau kỳ thi đại học. Ngược lại, một số lượng rất lớn lại nghĩ “đại học là học đại”, không vất vả như thời phổ thông.

Đứng trước cánh cửa đại học, có vô số bạn trẻ không biết mình thích gì, có năng khiếu ở lĩnh vực nào. Những câu hỏi ngu ngơ ngành ABC là thế nào, học ngành gì để dễ xin việc, dễ kiếm việc làm, hoặc chọn đại ngành “hot”,… Ván bài cuộc đời bị những người trẻ đem ra đánh cược và xem nhẹ nên mới dẫn đến những hệ lụy như cô giáo đánh đập trẻ dã man vì vốn đâu có tình yêu với trẻ nhỏ, học một đường làm một nẻo, mất “lửa” ngay từ trên ghế giảng đường,…

Tôi có một người bạn, dù vẽ rất đẹp nhưng thay vì chọn theo ngành thiết kế thời trang lại đi học CNTT như mẹ bảo. Kết quả, bạn trầy trật đến 6 năm trời mới ra trường vì nghỉ giữa chừng để làm những điều mình thích, rớt môn liên miên. Hiện tại, bạn đang làm và kinh doanh đồ da làm bằng tay.

Khi những con số thất nghiệp được công bố, những người trẻ “xù lông” bảo vệ quan điểm, đổ lỗi cho xã hội. Các bạn phải hiểu rằng ngoài bạn ra, không ai có nghĩa vụ yêu thương, chăm lo cho bạn cả đời. Trách xã hội một thì phải trách bản thân ta mười. Ở giữa dòng sông cuộc đời, thuyền trôi theo hướng nào là đều tùy thuộc vào ta.

CHIÊU ANH

;
.
.
.
.
.