.
Phản hồi loạt bài Tuyển sinh 2016

Nghề cho con hay nghề cho cha mẹ

.

TS Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng:

Tôi đánh giá cao loạt bài về chủ đề tuyển sinh trên trang Chào bạn trẻ. Loạt bài viết ra đúng thời điểm các em học sinh đang tập trung cao độ cho việc ôn tập thi tốt nghiệp THPT quốc gia và chuẩn bị cho việc đăng ký xét tuyển chọn trường, chọn ngành học đại học, cao đẳng.

Loạt bài vừa phản ảnh, vừa cung cấp thêm những góc nhìn để nhà trường, phụ huynh và học sinh tham khảo, đối chiếu. Có một thực tế là, so với 5-7 năm trước, học sinh bây giờ với nhiều kênh thông tin, với sự tư vấn của gia đình, thầy cô, đánh giá về ngành nghề, việc làm trước mắt đã không còn ảo vọng, ào ạt đăng ký vào các trường đại học như trước. Sức hút của các trường nghề dần tăng lên. Học sinh đã tự đánh giá năng lực của mình để chọn trường phù hợp nhất...

Trước cánh cửa cuộc đời, nhiều cha mẹ vẫn định hướng nghề nghiệp cho tương lai của con. TRONG ẢNH: Thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2015.
Trước cánh cửa cuộc đời, nhiều cha mẹ vẫn định hướng nghề nghiệp cho tương lai của con. TRONG ẢNH: Thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2015.

Có một số vấn đề về công tác tuyển sinh mà tôi thiết nghĩ cần phải tiếp tục được tìm hiểu và bổ sung. Đó là chỉ ra biểu đồ chọn trường, chọn ngành trong khoảng 10 năm qua. Đó là phân tích sâu về những điều kiện sức khỏe, tâm sinh lý, điều kiện hoàn cảnh, truyền thống gia đình... ảnh hưởng đến việc chọn ngành, chọn trường của thí sinh.

Tôi cũng mong muốn Đà Nẵng cuối tuần sẽ tiếp tục trở lại chủ đề này vào các năm sau, ở thời điểm sớm hơn, cung cấp cái nhìn về tuyển sinh đại học, cao đẳng từ nhiều hướng và đa chiều hơn.

Cô Trần Thị Kim Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Thất Tùng:

Qua theo dõi tình hình chọn nghề, chọn trường của học sinh (HS) khối 12 nhiều năm, chúng tôi thấy rằng HS thường có xu hướng chọn ngành nghề cho tương lai theo lịch sử gia đình. Chẳng hạn như trong gia đình hoặc họ hàng của các em có người làm trong lĩnh vực ngân hàng, du lịch… thì HS thường chọn những ngành này để học.

Thế nhưng, vẫn còn tình trạng một bộ phận HS mơ hồ trong việc chọn hướng đi cho tương lai: các em không biết được các trường trên địa bàn tuyển sinh như thế nào, cho dù các kênh thông tin để HS tiếp cận là khá phong phú.

Cũng có một thực trạng nữa là có khá nhiều HS hoang mang, không biết mình phù hợp với ngành nghề gì. Cho dù nhà trường đã đa dạng hóa phương thức tư vấn, hướng nghiệp cho HS nhưng hơn ai hết, chính bản thân các em phải có sự hình dung nhất định về con đường sắp tới mà mình đi sẽ như thế nào.

Hiện nay, với nội dung tư vấn nghề nghiệp cho HS ở trong các trường phổ thông thì thường là giáo viên biết đến đâu nói đến đó. Thông tin về thị trường lao động cũng là do giáo viên chủ động tìm hiểu qua các phương tiện thông tin, truyền thông.

Để cho nội dung hướng nghiệp gắn liền với nhu cầu nhân lực của địa phương cũng như thị trường lao động, chúng tôi rất mong muốn được tiếp cận với các nguồn tài liệu có liên quan một cách chính thống, ít nhất là đề án quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của thành phố.

Em Tô Lương Vinh, HS lớp 12/5, Trường THPT Trần Phú: Em dự định sẽ đăng ký xét tuyển vào ngành Công nghệ thông tin, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng. Ba mẹ em dự định hướng em theo học ngành Ngân hàng vì có người bà con làm trong lĩnh vực này. Cho dù không chọn nghề theo đúng mong muốn của ba mẹ nhưng em vẫn nhận được sự ủng hộ. Em chọn theo học công nghệ thông tin vì đây vừa là đam mê của em cũng vừa là một ngành học có nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường.

Em Nguyễn Kiều Diễm My, HS lớp 12/5, Trường THPT Trần Phú: Em chưa xác định được mình yêu thích và phù hợp với nghề gì nên em quyết định sẽ theo học ngành Quản trị kinh doanh như gợi ý của ba mẹ. Với ngành học này thì theo như ba mẹ em, em sẽ có nhiều cơ hội có việc làm sau khi ra trường. Tuy chọn ngành Quản trị kinh doanh nhưng em cũng chưa nắm nhiều về ngành học, vẫn đang ở mức độ chung chung.

Bà Phan Thị Vân, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê: Tôi nghĩ cha mẹ định hướng nghề nghiệp cho con cũng có nhiều mặt tốt, vì họ sẽ biết được nghề nào hiện nay cho thu nhập khá, không vất vả lắm. Tôi muốn cho con sau này làm trong cơ quan Nhà nước, ổn định hơn làm cho tư nhân. Tôi cũng muốn cho con học đại học hơn là học cao đẳng hay học nghề.

Nhà có hai đứa con, cho con học đại học cũng không đến nỗi vất vả lắm. Nếu có học nghề, đi làm công nhân thì lương cũng bằng mấy người chỉ cần tốt nghiệp phổ thông là làm công nhân, vậy mình học ra thì cũng có hơn gì. Nếu được tính lương theo bậc thợ ngày xưa thì còn được. Ngày xưa lương tính theo bậc thợ, thợ bậc 7 là giỏi lắm, được nể trọng lắm, giờ thì ai cũng như ai.

Bạn Kiều Như (quê Quảng Trị, thí sinh dự thi đại học 2016): Năm ngoái em thi tốt nghiệp được 22,5 điểm, nhưng không vào được trường đại học nào cả vì nộp hồ sơ trễ. Năm nay em dự thi ngành Sư phạm mầm non của ĐH Đà Nẵng. Em thích học ngành này, em thích làm cô giáo mầm non. Bạn bè khuyên em nên theo học nghề nấu ăn, em nấu ăn rất ngon. Nhưng mẹ và các chị đều muốn em học đại học, vì hai chị gái của em cũng đã tốt nghiệp đại học.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, tính đến ngày 5-5, đơn vị Sở GD&ĐT Đà Nẵng tiếp nhận gần 11.000 hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT). Nếu chia theo mục đích thi, có 7.892 thí sinh thi để xét tốt nghiệp và tuyển sinh, 1.211 thí sinh thi để xét tốt nghiệp và 1.856 thí sinh chỉ thi để xét tuyển ĐH, CĐ.

Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, Đà Nẵng có 14.405 thí sinh ĐKDT, gồm 1.209 thí sinh thi để xét tốt nghiệp; 9.772 thí sinh vừa thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh và 3.424 thí sinh chỉ thi tuyển sinh.

Theo ông Phạm Minh Anh Tuấn, Trưởng phòng CNTT và Khảo thí, Sở GD&ĐT Đà Nẵng thì do số HS lớp 12 năm nay của toàn thành phố giảm khoảng 2.000 em so với năm ngoái nên số hồ sơ ĐKDT cũng giảm đáng kể. Đặc biệt, lượng thí sinh tự do nộp hồ sơ ĐKDT để tuyển sinh ĐH, CĐ chỉ có 1.856 hồ sơ, giảm hơn một nửa so với năm 2015.

Hà Trần – Hiền Lương ghi

;
.
.
.
.
.