.

Tháng Năm dậy sóng

.

Khát vọng bình yên đất nước mình sao quá mong manh/ Bão vừa tan trên đất liền, ngoài khơi xa đã hình thành sóng dữ. Hai câu thơ trong Bài thơ nhỏ tôi dâng lên Tổ quốc của Nguyễn Kim Huy, nếu không biết được viết vào những ngày cuối tháng 5-2014 thì ít ai cảm nhận được những ẩn dụ của nhà thơ cất giấu ở đó.

Ca khúc “Hẹn với Hoàng Sa” tại đêm bế mạc Liên hoan Búp Sen Hồng lần thứ 20 tại Cà Mau. (Ảnh do NS Trương Duy Huyến cung cấp)
Ca khúc “Hẹn với Hoàng Sa” tại đêm bế mạc Liên hoan Búp Sen Hồng lần thứ 20 tại Cà Mau. (Ảnh do NS Trương Duy Huyến cung cấp)

1. Đầu tháng 5-2014, sóng dữ đã hình thành ngoài khơi Đà Nẵng, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, trong bài viết Biển Đông - biển của hòa bình đã chỉ ra dã tâm của người hàng xóm phương Bắc: “Sử dụng giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 bất chấp đạo lý và pháp lý, Trung Quốc không chỉ muốn khoan thăm dò dầu khí mà còn muốn khoan thăm dò sức chịu đựng và lòng yêu nước của người Việt chúng ta”.

Tổ quốc bốn ngàn năm, mỗi khi ngoại bang từ phương Bắc hay phương Tây xua quân đến gây hấn lại làm dấy lên những cơn sóng quật cường trong lòng con dân Việt. Lần này, ngoài biển khơi Sóng biển xanh đã hóa thành sóng lửa như tít một bài thơ của Nguyễn Hoàng Thọ; nhà thơ tưởng chừng chính tim mình rỉ máu: “Một ngàn năm trôi qua/ Sáng nay/ Giàn khoan 981/ Cắm một nhát dao giữa lòng Tổ quốc/ Đừng thức dậy nỗi đau/ Đã tận cùng gan ruột/ Đừng khoét sâu thêm/ Uất hận bốn ngàn năm…”.

Biển xanh dậy sóng. Đất nước trở mình. Tất cả những trái tim yêu nước đều đập cùng một nhịp. Nhà thơ Tường Huy, trong bài Tổ quốc, cũng trăn trở một niềm đau bi tráng: “Sáng hôm nay/ Nghe tin lũ giặc điên cuồng/ Cắm cọc vào lòng Tổ quốc…”.

Những ngày tháng 5 ấy, nhà văn Thanh Quế ngước nhìn trời đêm Đà Nẵng và dự cảm có chớp giật nơi biển xa. Tia chớp rực lên có khi chỉ một sát-na thôi nhưng đó là năng lượng của lòng yêu nước dồn nén qua bốn ngàn năm, đủ sức lật tung những dã tâm vùi trong bóng tối: “Chớp biển phía ấy/ Phía Hoàng Sa/ Bãi Cát Vàng sáng lên/ Phút chốc/ Ta kịp thấy lô nhô bóng quân xâm lược”.

Sự kiện “dậy sóng” Biển Đông này đã trở thành tâm điểm thời sự trong nước và thế giới lúc bấy giờ, đó cũng là gợi ý cho chủ đề đợt vận động sáng tác “Viết về biển - đảo quê hương” do Hội Nhà văn Đà Nẵng phát động.

Bìa tập thơ văn viết về biển đảo, xuất bản tháng 10-2015. Ảnh: V.T.L
Bìa tập thơ văn viết về biển đảo, xuất bản tháng 10-2015. Ảnh: V.T.L

2. Nếu giới sáng tác văn thơ Đà Nẵng “dậy sóng Hoàng Sa” lên con chữ thì giới âm nhạc sục sôi phẫn nộ qua những ca từ, giai điệu. Trong số hàng chục ca khúc của các nhạc sĩ (NS) Đà Nẵng hừng hực viết về sự kiện này, theo NS Trương Duy Huyến, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Đà Nẵng, có sức lan tỏa cả nước là Hướng về Biển Đông, cả nước sẵn sàng của NS Nguyễn Duy Khoái.

Tác giả bài hát này chia sẻ: “Không khí những ngày tháng 5 đó hừng hực, sục sôi như trong những ngày đầu năm 1979 ở biên giới miền Bắc đất nước ta, tất cả cùng một lòng hướng về biển đảo, triệu trái tim sôi sục căm thù, không ngại hy sinh, quyết giữ gìn Trường Sa, Hoàng Sa của Tổ quốc thiêng liêng. Cảm xúc ngút ngàn, tôi thức trắng đêm để hoàn thành ca khúc Hướng về Biển Đông, cả nước sẵn sàng, góp tiếng nói nhỏ bé của mình vào tiếng kêu gọi chung của đồng bào ta ở đoạn điệp khúc: “Hãy nói với thế giới: Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam! Hãy nói với kẻ thù: Việt Nam chúng ta luôn sẵn sàng!”.

Nhạc sĩ cho biết thêm, đây là ca khúc kêu gọi hành động, nên giai điệu, khúc thức đơn giản, dễ nghe, tiết tấu sôi động, dứt khoát, ca từ ngắn gọn, dễ thuộc: “Hứa với ngàn sau thề giữ yên biển trời. Dòng máu này là của cha ông. Vì đất nước mình đâu ngại hy sinh. Trường Sa ơi, Hoàng Sa ơi! Cả nước đang nối vòng tay hướng về Biển Đông thân yêu với niềm tin chắc thắng”.

Một ca khúc “dậy sóng” nữa là Quyết giữ biển trời bình yên của NS Trúc Lam. Anh trút cả lòng mình vào lời bài hát với nhiều từ phảng phất hào khí của những chiến trận chống ngoại xâm ngàn xưa: “Ầm ầm biển Đông cuộn sóng, mây đen phương Bắc tràn về. Giặc thù xâm lăng bờ cõi, đạp lên lương tri loài người. Bốn ngàn năm lịch sử liệt oanh tạc ghi chiến công muôn đời. Tiếng thét sát Thát vọng vang trời Nam kiêu hùng…”.

NS Trúc Lam đã vận dụng chất liệu tuồng vào giai điệu, sử dụng bộ gõ và nhạc cụ dân tộc làm chủ đạo trong hòa âm phối khí, chính điều này là thế mạnh tạo nên chất hùng tráng cho tác phẩm. NS Trương Duy Huyến nhận xét: “Nhìn chung, có thể nói đây là một bài sử ca. Tôi nghĩ khi viết ca khúc này, NS Trúc Lam đã trăn trở không ít để cho ra đời một đứa con tinh thần; đây không những là trách nhiệm của một nghệ sĩ đối với vận mệnh của đất nước mà còn là lời hiệu triệu kêu gọi tất cả người Việt Nam kiên quyết giữ gìn chủ quyền biển - đảo thiêng liêng mà cha ông để lại cũng như kêu gọi cộng đồng quốc tế  hãy chung tay bảo vệ chân lý!”.

3. Tháng 5 đó sóng dậy lên mạng xã hội. NS Nam An lang thang vào Facebook Lính Biển Việt Nam và đọc thấy bài thơ Tiếng biển quê hương. Đồng cảm với tác giả bài thơ, anh phổ thành ca khúc: “Biển xanh lắm đâu muốn máu đỏ rơi/ Đảo xa xôi chỉ mơ tiếng biển cười. Đón bình minh trong ban mai ngày mới. Tiếng biển đêm mơ về như tiếng mẹ à ơi…”.

Ban mai ngày mới cho biển đảo quê hương cũng là ước mơ của NS Trương Duy Huyến, khi anh dự Liên hoan Búp Sen Hồng lần thứ 20 vào tháng 7-2014 tại Cà Mau. Sự kiện “Giàn khoan 981” thôi thúc anh viết Hẹn với Hoàng Sa, được hát ngay tại đêm bế mạc, Đà Nẵng được nhận Cúp luân lưu đăng cai liên hoan lần thứ 21 vào năm 2015. Đó là dịp để tuổi thơ cả nước quy tụ về Đà Nẵng và “Hẹn một ngày không xa trở về Hoàng Sa” như câu kết của ca khúc.

Tháng 3-1979, nhà thơ Lưu Trùng Dương bỗng dưng Nhớ Hoàng Sa - tên một bài thơ của ông: “Nhớ Hoàng Sa không chỉ là nỗi nhớ/ mà còn là một nỗi đau nhức nhối/ một vết thương chảy máu chưa cầm”. Ngày 9-10-2014, ông qua đời khi vết thương Hoàng Sa trong ông vẫn chưa cầm máu. Ông về với đất mẹ và câu thơ ông ngày nào vẫn dự báo một cái-kết-có-hậu: “Như đứa con xa/ trở về với mẹ/ bãi san hô gành đá Hoàng Sa/ sẽ trở về đất tổ quê cha…”.

Trung Quốc đã cưỡng chiếm Hoàng Sa hơn 42 năm trước, những ngày gần đây lại tiếp tục có những hành động khiến nhân dân ta và cả những người yêu chuộng công lý, hòa bình trên khắp thế giới e ngại. 2 năm trước, nhà thơ Nguyễn Kim Huy viết trong bài đã dẫn: Tôi một lòng tin như mọi lần rồi bão sẽ tan/ Tổ quốc tôi lại mênh mang màu xanh từ đất liền ra biển đảo…

Tất thảy công dân Việt đều tin chắc thế. Không một thế lực nào có thể ngăn chặn cơn sóng thần của lòng yêu nước, lịch sử bốn ngàn năm giữ nước của dân tộc ta đã minh chứng rành rành ra đó…

Văn Thành Lê

;
.
.
.
.
.