.

Cùng xây dựng văn minh thương mại

.

Khi người tiêu dùng ngày càng thông minh và có hệ thống tìm kiếm trên mạng Internet hỗ trợ trong việc kiểm tra, xác định chất lượng, giá cả thì sự cạnh tranh giữa siêu thị và chợ truyền thống không chỉ mang tính chất sống - còn, mà  phải đồng hành, cùng phát triển, cùng chia sẻ mặt hàng mang lợi thế cạnh tranh.

Nếu siêu thị có những lợi thế như hàng hóa phong phú, giá cả niêm yết rõ ràng, được trưng bày trong không gian hiện đại, sạch sẽ, được đội ngũ nhân viên tư vấn chăm sóc chu đáo… thì chợ truyền thống cũng mang những ưu điểm như mặt hàng thực phẩm luôn tươi sống, bán mua trong ngày, thuận tiện cho việc mặc cả, trả giá. Bên cạnh đó, chợ truyền thống cũng là kênh phân phối sản phẩm nông nghiệp của bà con nông dân, là nơi mưu sinh, mua bán của người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên với thói quen mua sắm thiếu kiểm soát của người Việt thì muốn tự tin đi siêu thị, họ phải “lận lưng” tầm 500.000 đồng, trong khi đó, chỉ cần có trong tay từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng, người nghèo đã có thể ung dung đi chợ mua nhu yếu phẩm cần thiết.

Thông thường, loại hình kinh doanh siêu thị và chợ truyền thống đều có đối tượng “khách ruột” của mình. Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, công tác tại Bệnh viện Đà Nẵng chia sẻ, công việc tại bệnh viện chiếm rất nhiều thời gian trong ngày của chị. Vì thế, chị có rất ít thời gian “lội chợ” mà thường chọn cách “tạt” vào siêu thị Intimex để mua món ăn đã qua sơ chế và tẩm ướp gia vị mang về chế biến. Mới đây, siêu thị thực phẩm sạch tại 29 Phan Đình Phùng cũng bắt đầu cung cấp mặt hàng thức ăn chay sơ chế sẵn, mang lại cho gia đình chị sự lựa chọn mới trong những dịp cần ăn chay. Cũng theo chị Dung, thức ăn qua sơ chế giúp chị tiết kiệm thời gian vào bếp. Ngoài ra, việc “ra món kèm gia vị” của loại hình dịch vụ này cũng khiến chị bớt đau đầu khi chọn món ăn nấu nướng cho cả nhà.

Thông tin từ Sở Công thương Đà Nẵng cho biết, toàn địa bàn thành phố hiện có 70 chợ lớn, nhỏ, giải quyết tốt nhu cầu kinh doanh, mua sắm của người dân. Ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương nhận định, bất kỳ sự ra đời của một siêu thị hay chợ thương mại nào trên địa bàn thành phố cũng đều giúp người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn. Và, để thu hút khách, sự cạnh tranh giữa các bên là điều không thể tránh khỏi. Song tùy vào đối tượng “khách ruột”, mỗi nơi sẽ có kế hoạch, chiến lược kinh doanh khác nhau để thu hút khách.

Trong khi các siêu thị đưa ra chiến lược thu hút khách bằng chương trình giảm giá, giờ vàng, các dịch vụ miễn phí như gói quà, giao sản phẩm tận nhà thì chợ truyền thống đang tiếp tục xây dựng và củng cố hình ảnh chợ văn minh thương mại. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay trên địa bàn thành phố có rất nhiều khu chợ xây dựng thành công mô hình này như chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa, chợ Hòa Khánh…

Bước vào những khu chợ kể trên, có thể cảm nhận được cách bài trí, sắp xếp hàng hóa gọn gàng, sạch sẽ hơn. Đơn cử như khu ăn uống tại chợ Đống Đa hiện có gần 50 quầy hàng ngay hàng thẳng lối, bàn ghế, bảng hiệu đồng bộ; các mặt hàng thực phẩm, thời trang, mỹ phẩm, hàng gia dụng, phụ gia, thủy sản… được bố trí từng khu riêng, trưng bày khoa học và đẹp mắt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua - bán của tiểu thương cũng như người đi chợ.

Chợ truyền thống phải chia sẻ thị phần bán buôn là xu hướng tất yếu khi hàng loạt siêu thị mi-ni, trung tâm mua sắm ra đời. Dù đó là sự cạnh tranh giữa siêu thị với siêu thị hay siêu thị với chợ truyền thống thì người tiêu dùng vẫn là người được hưởng lợi. Với lợi thế này, không ít người tiêu dùng có thói quen “săn” hàng giảm giá tại siêu thị để tiêu dùng cả năm, trong khi đó, các tiểu thương ở chợ cũng đã quan tâm hơn đến khâu chăm sóc, niềm nở với khách hàng, bớt “nói thách”, chú ý nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, để thu hút và chăm sóc khách hàng tốt hơn, các siêu thị cần bố trí thêm khu vực tính tiền cho khách hàng có nhu cầu mua sắm ít nhằm tránh tình trạng phải chờ đợi lâu, nhất là trong những ngày cuối tuần, khi lượng khách vào siêu thị rất đông. Điều này không chỉ giúp siêu thị, trung tâm mua sắm khai thác tốt dòng khách có điều kiện kinh tế đến “mua sắm thả ga” mà còn thu hút cả những vị khách muốn vào siêu thị chỉ để mua một mặt hàng nào đó. Cùng nhau xây dựng “văn minh thương mại” để cùng tồn tại, cùng phát triển và chia sẻ thị phần bán buôn là cách mà các siêu thị và tiểu thương tại chợ truyền thống đang áp dụng để mang đến một môi trường kinh doanh lành mạnh, mang lại lợi ích cao nhất cho người tiêu dùng.

HUỲNH LÊ

;
.
.
.
.
.