.
Giới thiệu sách

"Cái vô hạn" trong một cuốn sách

.

Nhan đề này là tôi bắt chước tên tác phẩm “Cái vô hạn trong lòng bàn tay” của nhà thiên văn nổi tiếng Trịnh Xuân Thuận mà nhà báo-nhà văn Hàm Châu khuyên “các bạn trẻ “nghiêm túc” - những “chính nhân” của thời đại mới nên đọc”, khi ông viết trang cuối của cuốn sách dày trên 800 trang khổ lớn vừa xuất bản (“Ánh sáng nhân văn trong thế giới các nhà vật lý” - NXB Thế giới, 2016).

Hai năm trước, khi được ông tặng cuốn “Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại - một số chân dung” dày 1.220 trang, tôi đã thầm nghĩ: Có lẽ đây là “tập đại thành” cuối đời nhà báo thượng thọ bát tuần. Vậy mà không ngờ… Nhất là cuốn sách đồ sộ vừa xuất bản lại được tác giả hoàn thành trong khi phải trải qua cuộc đại phẫu bóc tách ruột dài hơn 3 giờ, mười ngày liền không ăn uống; nguyên nhân chính là do ngồi làm việc trước máy tính không ít hơn 10 giờ một ngày để cuốn sách có thể kịp ra mắt vào ngày “Hội lớn” Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12 của giới khoa học quốc tế tại Quy Nhơn vào đầu tháng 7 này!

 Quả là ông đã dốc hết “gan ruột” vào cuốn sách đặc biệt này. Cũng do đó, tôi tin, bạn đọc sẽ quan tâm trước hết đến những trang như là hồi ký, tự truyện của tác giả, chứ không phải là “thế giới các nhà vật lý” gồm hàng trăm các nhà khoa học nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới được nói đến trong cuốn sách. Vì chính ông cũng tự nhận mình là một trong ba nhân vật chính của tác phẩm, không chỉ trong vai trò người dẫn chuyện, người làm chứng. Hai nhân vật chính khác là đôi vợ chồng từng hết lòng gắn bó với Việt Nam, từng hành trình xuyên Việt để phát 20.000 suất học bổng Vallet: Giáo sư Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam và giáo sư Lê Kim Ngọc, Chủ tịch Hội Giúp đỡ trẻ em Việt Nam.

Nói những điều này như là “lạc đề” với “thế giới các nhà vật lý”, nhất là trong cuốn sách, tác giả - tuy là người “ngoại đạo”, nhưng với công phu tự học ngoại ngữ và cả khoa học - đã “không ngại ngùng lảng tránh những khái niệm vật lý “kỳ bí” như bức tường Planck (bức tường nhận thức), bức xạ hóa thạch, nguyên lý vị nhân, vành đai Kuiper, Mô hình Chuẩn, boson Higgs, neutrino trơ, quark duyên, quark lạ, quark đỉnh, quark đáy, v.v…” (Trích trang 6). Không! Vì “chủ đề” cuốn sách được tác giả đặt lên hàng đầu là “ánh sáng nhân văn”.

Cũng chính vì thế, ông đã viết một đoạn dài “tự bạch” về cách viết những khái niệm vật lý như sau:
“Tác giả không muốn dẫn ra những định nghĩa sẵn có trong sách giáo khoa do chúng gắn quá chặt với nhiều biểu thức toán học khó hiểu. Chính là qua những chuyến “dạo gót hải hồ”, vượt đại dương bao la như Thái Bình Dương hay ngắm mặt hồ mờ sương như hồ Leman ở Thụy Sĩ, hồ Michigan ở Mỹ, khi đến dự các hội nghị vật lý quốc tế, tác giả muốn dần dà, rả rích lý giải những khái niệm vật lý “cao siêu” ấy, cũng như kể lại một cách tự nhiên, dung dị về hàng trăm nhà vật lý thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, những con người dịu dàng, chân chất, nghiêm khắc, “khó tính” trong khoa học nhưng lại “hiền khô” trong đời thường, giàu chất nhân văn và tình thân ái, xa lạ với thói tư thù, ghen ghét, tìm “lẽ sống” trong việc nhen nhóm hiềm khích, hận thù và chia rẽ giữa các màu da, chủng tộc, tôn giáo, hệ tư tưởng…” (Trích trang 7)

Và cũng vì “chủ đề” này mà tác giả đã trích dẫn câu của nhà vật lý thiên tài Albert Einstein: “Đừng phấn đấu để trở thành một người thành công, mà tốt hơn nên phấn đấu để trở thành một người có phẩm giá”. (trích trang 57)

Thật khó tóm tắt được nội dung một cuốn sách khoa học dày cộp được viết với giọng điệu như thế, với phẩm chất hướng tới là “sáng rõ như hình học, tinh tế như thơ”. Tác giả gọi nó là “ký sự văn học”, nhưng thực ra gồm cả du ký, tản văn, hồi ký, tự truyện… và rất nhiều ảnh. Chỉ riêng gần 100 bức ảnh tư liệu về giáo sư Trần Thanh Vân và “theo bước lữ hành của nhà báo Hàm Châu” cùng “Đôi lời cùng bạn đọc” in bằng cả tiếng Anh dày gần 100 trang khổ lớn, không chỉ bao gồm rất nhiều tư liệu quý mà còn đặt ra những vấn đề hệ trọng trong lĩnh vực khoa học, trong cách đối đãi với trí thức Việt Nam hiện nay.

Có lẽ chưa có cuốn sách nào mà “Đôi lời cùng bạn đọc” lại dài như thế (gần 30 trang khổ lớn), lại có những chú thích “lan man” kéo suốt hơn 3 trang chữ nhỏ li ti. Không phải tác giả “vô ý”, mà vì trong hơn 3 trang dày đặc chữ này, nhân chú thích về “Trường Đại học Nhân dân Việt Nam” do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập ngay sau ngày Hà Nội giải phóng 10-10-1954, ông đã “dốc cả gan ruột” kể về gia thế của mình ở Nam Đàn - nhà chỉ cách “làng Sen” 5km, có ông nội đỗ Phó bảng, ông ngoại đỗ Song Nguyên (đỗ đầu thi Hội và thi Đình) thời Duy Tân…, nhân đó nhắc đến hầu hết lớp trí thức tinh hoa của dân tộc đều tập hợp quanh Hồ Chí Minh sau Cách mạng Tháng Tám…, nhiều người không phải là đảng viên được giao chức vụ cao…; rồi thời ông được đề bạt vượt cấp làm Tổng biên tập Tạp chí “Tổ quốc” của Đảng Xã hội Việt Nam; có cả nhận định “Dù bạn ghét cay ghét đắng “Trung Quốc đi chăng nữa” cũng phải công nhận họ trọng thị các nhà khoa học nên mới trở thành nước thứ 3 trên thế giới đưa người lên không gian…          

Chỉ riêng nội dung một chú thích cũng khó tóm lược hết nội dung. Vậy nên tôi mới đặt nhan đề bài viết là “Cái vô hạn trong một cuốn sách” và nay có lẽ lại phải “mượn” tên một tác phẩm của nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận mới “khái quát” được công trình mới của Hàm Châu: một cuốn sách “Hỗn độn và hài hòa.

NGUYỄN KHẮC PHÊ

;
.
.
.
.
.