.
Nghĩ

Điểm

.

Cả nhà đang ngồi ăn trưa, câu chuyện xoay quanh mỗi một chủ đề: Đợi điểm tốt nghiệp THPT quốc gia. Em nói, chắc tối nay Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ công bố điểm. Nói vậy, nhưng em vẫn lấy điện thoại ra “dò” thử. Không ngờ, vừa truy cập vào trang thông tin công bố điểm của bộ, em lập tức reo lên: Có rồi! Toán 7,5! Hóa 8! Anh văn 3,8!...

Em truy cập trúng lúc Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố điểm và những điểm số từ Hà Nội cũng ngay lập tức “hiển thị” trong một ngôi nhà ở Đà Nẵng. Chắc chắn thời khắc ấy, hàng trăm ngàn học sinh và hàng trăm ngàn gia đình khác cũng vào mạng xem điểm như em. Mọi thứ trơn tru, khỏe re hơn bao giờ hết.
Không biết em và các bạn của em có cảm nhận thế hệ các em thật sung sướng khi việc tra điểm thi của một cuộc thi quan trọng trong đời lại đơn giản hết mức như vậy? Các em còn có thể “sang chảnh” lựa chọn trang thông tin mà mình muốn truy cập; bởi ngoài mạng của ngành Giáo dục - Đào tạo (từ cấp bộ đến cấp sở), các em còn có hàng tá tờ báo điện tử sẵn sàng phục vụ “thượng khách”.

Điểm số của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay trở thành “miếng mồi” mà tất cả tờ báo điện tử, thậm chí tờ tin điện tử đều không thể bỏ qua. Đây thực sự là cuộc đua thông tin của báo chí. Nếu nói về sự khó khăn trong việc “săn” thời điểm công bố điểm, thí sinh thua xa nhà báo trong công việc này. Điểm được cập nhật nhanh nhất, sớm nhất, nằm ở vị trí “đinh” nhất trên giao diện báo.

Hỏi mà cũng đoán rằng em khó thể cảm nhận sự may mắn của thế hệ mình, bởi em sống trong thời đại công nghệ số; nếu có lạ lẫm chăng là sự chậm chạp khi người ta không ứng dụng công nghệ cho một công việc nào đó.

Chỉ trước em một khóa thôi, muốn xem điểm tốt nghiệp phải chờ mạng… bớt rớt. Gọi tổng đài cũng năm lần, mười lượt chưa chắc gặp lúc đường dây không nghẽn để nghe bên kia tiếng nói vang vang, thay vì những tiếng “tút, tít” hoặc câu thông báo vô hồn về tình hình đường truyền. Trước đó vài khóa nữa, em có biết việc tra điểm thế nào không? Đó là đợi báo giấy phát hành vào sáng hôm sau khi Bộ công bố. Muốn biết, thí sinh phải chạy từ nhà ra sạp báo mua một tờ để dò. Sạp báo cũng chẳng gần nhà đến mức “với tay” lấy báo, mà phải chạy quãng đường khá dài. Nhưng, thế cũng là “hiện đại” lắm rồi, khi trước, và trước đó nữa, thí sinh và gia đình chỉ có thể dài cổ đợi kết quả trúng tuyển do trường đại học, cao đẳng chuyển về nhà theo đường bưu điện…

Việc nhìn nhận về điểm số cũng thay đổi quá rõ. Cả nhà chẳng ai thắc mắc khi em có thể đạt 8 điểm môn Hóa, sao lại chỉ 3,8 điểm môn tiếng Anh. Bình thường thôi! Đề thi năm nay có tính phân hóa cao để căn cứ vào đó xét tuyển cao đẳng, đại học. Sức em mạnh môn nào, không mạnh môn nào, kết quả làm bài thể hiện rõ. Với số điểm hiện có, em có thể hy vọng vào các ngành tự nhiên, kỹ thuật ở một trường công có hạng. Chuyện điểm các môn xã hội không cao, không còn sức “dày vò” em và gia đình nữa.

Khác những năm trước, nếu em đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi  từ lớp 1 đến lớp 12, điểm tốt nghiệp của em chắc chắn “nổ đôm đốp” với hàng loạt điểm 8, 9, 10. Những con điểm cao chót vót vậy mà chẳng đủ sức nặng để nói rằng thực chất sức học của em như thế nào. Và những điểm số vời vợi ấy cũng không cứu vớt được tình trạng sinh viên ra trường không làm được việc. Bằng chứng là bao ông cử, bà cử tốt nghiệp nhưng cơ quan, doanh nghiệp kêu trời vì trình độ thấp và Việt Nam theo đó nhiều năm dài sống trong “vinh quang”: Dồi dào nguồn lao động giá rẻ! Đến lúc đất nước cần giải quyết một vấn đề nào đó liên quan đến công nghệ cao hoặc những nghiên cứu mang tính khoa học chuyên sâu thì hàng triệu con người trong nước đành chờ “thỉnh” mấy ông chuyên gia nước ngoài vào xử lý.

Nhẹ nhàng hóa việc thi cử, đơn giản hóa việc tra điểm, bình thường hóa việc đánh giá điểm số, nhưng lấp ló trong đó là cách xã hội nhìn nhận về năng lực con người. Sức học, khả năng của mỗi học sinh không còn bị “cào bằng” một cách dễ dãi. Qua mặt bằng điểm số khá thấp và sự chênh lệch trong bảng điểm giữa các môn năm nay, phần nào đã nói lên trình độ hiện thời của học sinh. Không cần quá bận tâm những con 9, con 10 đẹp đến lung linh, nhưng em hãy “bận lòng” khi nghĩ về việc mình muốn học gì, muốn làm nghề gì, mình làm được gì và hãy cảm thấy “tự ái” khi sức lao động của hàng trăm con người chúng ta không hiệu quả bằng một chuyên gia nước ngoài.

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.