.
Nghĩ

Ứng xử trước ngoại ngữ

.

Một người Việt nói tiếng Anh trên diễn đàn quốc tế, thể nào từng đoạn, từng câu, từng chữ, thậm chí từng cái nhấn nhá của người đó cũng bị soi. Đối với người nổi tiếng, cái sự bị soi càng kỹ, thậm chí biến thành cuộc “đại phẫu” để cười nhạo,  quy kết trình độ.

Sau câu hỏi bằng “tiếng Anh không ai hiểu” của Hoa hậu Đông Nam Á Thu Vũ tại cuộc thi Nam vương ở Philippines, cô hoa hậu này phải hứng chịu không chỉ cảm giác ngượng ngùng đơn thuần, mà còn bị dư luận buộc mang “tội lỗi” vì làm “xấu hình ảnh quốc gia”!

Không chỉ cô Thu Vũ, bao người nổi tiếng khác từ chính khách đến nghệ sĩ, hễ hớ vài chữ ngoại ngữ là lập tức trở thành đề tài bàn tán triền miên, mổ xẻ không dứt, dù phần nói tiếng Anh của người đó đủ khiến đối phương hiểu toàn bộ nội dung.

Ngược lại, thật bất công và nực cười, nếu người nước ngoài chỉ cần nói được đúng 2 chữ “Xin chào!”, hoặc nhiều hơn là “Tôi yêu Việt Nam!”, thì được động viên khích lệ bằng những tràng vỗ tay nồng nhiệt. Một người Anh, người Hàn chỉ cần múa tay và bập bẹ “cho han”, “ang pho”, người Việt cũng có thể dịch ngon lành thành “chợ Hàn”, “ăn phở” trong sự thán phục ngầm rằng người bạn nước ngoài đó có biết tiếng Việt!

Hồn nhiên với người nước ngoài chừng nào, ta khắc nghiệt với chính mình từng nấy. Phát âm không chuẩn, không đúng ngôn ngữ không thuộc tiếng mẹ đẻ của mình, lẽ nào là nỗi nhục lớn? Nhục có thể mang lại hai thái độ ứng xử trái ngược. Ở góc độ tích cực, nhục trở thành động lực khiến chúng ta quyết tâm phải tốt lên, phải vượt qua bằng được những hạn chế. Không ít người quá xấu hổ vì dốt ngoại ngữ nên đã học và học để trở thành một người có thể sử dụng được ngôn ngữ thứ hai. Ở góc độ tiêu cực, nhục trở thành rào cản khiến chúng ta không dám đối mặt với thực tế. Cái cảm giác nhục nhờ đó có thể không lặp lại vì đã được né tránh, nhưng bản chất của sự dốt thì không thể cải thiện, mà ngày càng trầm trọng hơn. Việc chúng ta chê bai, cười nhạo nhau vì phát âm ngoại ngữ chưa chuẩn mang lại cảm giác nhục tiêu cực như thế.

Thấy khuyết điểm để căn chỉnh cho nhau là điều rất nên làm. Nhờ đó, cách nói tiếng Anh đều đều như tiếng Việt của nhiều người dần cải thiện. Họ nhận ra, nói không âm đuôi, không trọng âm, ngữ điệu là dở. Nhưng phát hiện cái thiếu sót để khinh nhau thì chẳng giải quyết được gì. Nó chỉ càng cho thấy niềm tự hào về ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta quá nhỏ bé trước thế giới. Nói tiếng Việt pha tiếng Anh là bình thường, nói tiếng Anh không tốt mới là bất thường! Trong khi đó, ở nhiều nước không sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính, công dân của họ chưa nói tốt tiếng Anh là điều hết sức bình thường. Điều họ quan tâm hơn cả là tiếng mẹ đẻ của họ phổ biến như thế nào trên thế giới.

Khi nói chuyện với người Việt, người nước ngoài sẽ cố nói bằng tiếng Việt (nếu biết), và tự tin xin lỗi chuyển sang dùng tiếng Anh ở những đoạn phức tạp. Vậy thì tại sao người Việt không tự tin làm như vậy. Cứ thoải mái sử dụng tiếng Anh trong khả năng và chuyển sang nói bằng ngôn ngữ của mình hoặc quơ tay, múa chân, miễn sao diễn đạt được ý muốn nói. Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp, bằng cách nào đó chúng ta có thể hiểu được nhau thì ngôn ngữ đã hoàn thành sứ mệnh.

Đã bao lần chúng ta kiên nhẫn hướng dẫn một người bạn quốc tế phát âm được tên tiếng Việt, chẳng hạn tên “Thúy” thì thật quá khó nói đối với người Mỹ. Trông họ lóng ngóng như một em bé, và chúng ta mở lòng đón nhận điều đó với tất cả niềm cảm thông. Nói tiếng Việt không giỏi, hoàn toàn không đồng nghĩa trình độ người bạn ngoại quốc ấy kém cỏi. Vậy thì chẳng có lý do gì để chà đạp trình độ và phẩm giá của một người Việt khi họ chưa nói giỏi tiếng Anh.

Vì sao đa phần người Việt có thể tương đối ổn 3 kỹ năng nghe, đọc, viết tiếng Anh, nhưng nói thì khó khăn vô cùng. Vì sợ sai, sợ chưa chuẩn, sợ người nghe không hiểu. Vì sao lại sợ? Vì hễ nói sai, chưa chuẩn, khó hiểu là bị chê thay vì được động viên. Càng chê bai nhau, chúng ta càng dốt.

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.