.
Phương hay Thuốc quý

Cỏ Ban hay Nọc sởi

.

Xin mượn tựa đề tác phẩm văn học đã được chuyển thể thành phim cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” để nói đến một loài hoa vàng bé xíu mà tôi đã từng gặp trong đợt điều tra dược liệu vừa qua, từ ven đường dốc Kiền, đèo Hải Vân, đến các bãi đất trống cạnh hồ Hòa Trung, hồ Trước Đông và nhiều bờ bãi ruộng vườn khác... Đó là cỏ Ban, một cây thuốc kháng sinh quý, chữa ban sởi trẻ em và nhiều bệnh khác rất hiệu quả.

Một khóm cỏ Ban mọc ven đường lên đỉnh đèo Hải Vân. Ảnh: P.C.T
Một khóm cỏ Ban mọc ven đường lên đỉnh đèo Hải Vân. Ảnh: P.C.T

Cỏ Ban còn có tên Nọc sởi, Cỏ vỏ lúa, Địa nhĩ thảo, Điền cơ hoàng,… Tên khoa học: Hypericum japonicum Thunb, thuộc họ Ban  - Hypericaceae.

Cỏ Ban là cây thảo nhỏ, mọc hằng năm, thân phân nhánh nhiều, cao chừng 10-20cm . Lá mọc đối, không cuống,  hình trứng hay trái xoan, dài 7-10mm, rộng 3-5mm, trên phiến có những điểm chấm nhỏ mờ. Hoa nhỏ màu vàng, mọc riêng lẻ ở ngọn cành. Quả nang hình trứng, hạt rất nhỏ, có vạch dọc.
Cỏ Ban mọc hoang khắp nơi, hay gặp tại những ruộng mạ, ruộng bỏ hoang, ven đường nơi hơi ẩm. Mùa xuân cây bắt đầu xuất hiện, mùa hạ nở hoa, sang thu đông lại lụi hết. Để làm thuốc dùng toàn cây tươi, có khi phơi hay sấy khô.

Theo Đông y, cỏ Ban có vị đắng, ngọt, tính mát; vào 2 kinh Can và Đởm;  có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thẩm thấp, lợi tiểu, tiêu sưng, giảm đau.

Theo kinh nghiệm dân gian Việt Nam, cỏ Ban dùng chữa viêm gan vàng da, trẻ em lên sởi, ho, vết thương sưng đau, mụn nhọt, sâu răng, hôi mồm, có nơi dùng chữa rắn độc cắn. Ở Trung Quốc, dùng chữa viêm gan cấp và mạn tính, viêm ruột thừa, viêm amidan, trẻ em kinh phong, cam tích (trẻ em co giật, suy dinh dưỡng). Ở Malaysia, dùng giã nát đắp ngoài chữa vết thương. Ở Papua New Guinea, dùng giã nát với gừng uống trị sốt rét.

Nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy cỏ ban có tác dụng kháng sinh, kháng khuẩn tốt. Chất quercitrin chiết xuất từ cỏ ban có tác dụng ức chế và tiêu diệt trực khuẩn lao, phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn lỵ và phẩy khuẩn tả. Chất japonicin chiết xuất từ cỏ ban có tác dụng chống sốt rét, ức chế mạnh ký sinh trùng Plasmodium.

Bài thuốc ứng dụng lâm sàng:

- Chữa viêm gan virus có vàng da hoặc không vàng da: Cỏ Ban tươi 40- 60g, sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.

- Chữa viêm thận cấp: Cỏ Ban tươi 60g, Hồng táo 10 quả. Sắc nước uống.

- Chữa trẻ em lên sởi: Cỏ Ban tươi 1 nắm, sắc nước uống hằng ngày để giải độc; hoặc  phối hợp với Kim ngân hoa hay lá Diếp cá mỗi vị 1 nắm cùng sắc nước uống.

- Chữa trẻ em kinh phong, cam tích: Cỏ ban 30g sắc uống, nếu cam tích kèm ỉa chảy thêm gan gà sắc uống.

- Chữa hầu nga (viêm amidan): Cỏ ban tươi 30g giã vắt nước uống hoặc sắc 15g khô lấy nước uống.

- Chữa thổ tả, ỉa chảy, nôn mửa, kiết lỵ:  Cỏ Ban 20g, sắc nước uống. Nếu xích lỵ pha đường trắng, bạch lỵ pha đường đỏ uống.

- Chữa rắn độc cắn: Cỏ Ban 30g, Thiên hồ tuy (Rau má mỡ) 30g, Thanh mộc hương 15g. Sắc nước pha rượu uống kết hợp dùng ngoài lấy cỏ Ban giã nhuyễn thêm chút Băng phiến đắp lên vết cắn đã chích mở rộng ra.

- Chữa viêm niêm mạc miệng: Cỏ Ban tươi 70g, giã nát ép lấy nước, tẩm vào vải gạc rồi lau rửa miệng ngày 1 - 2 lần, người lớn có thể ngậm.

- Chữa hôi miệng, sâu răng: Cỏ Ban tươi 40g, rửa sạch, sắc trong 100ml nước, dùng súc miệng thường xuyên.

- Chữa đánh ngã tổn thương: Cỏ Ban 30g, sắc nước bỏ bã, thêm 50ml rượu nấu sôi chia 2 lần uống. Mặt khác lấy cỏ Ban tươi rửa sạch, giã nát, cho thêm chút rượu trắng vào bó ngoài vết thương.

- Chữa thấp chẩn (chàm lở), mụn rộp, nhọt độc sưng đau: Cỏ Ban sắc nước ngâm rửa.

- Chữa sốt thương hàn và phó thương hàn: Cỏ Ban khô 30-60g, cắt nhỏ. Sắc 2 lần, trộn đều, chia 3 lần uống trong ngày, liên tục 10 ngày. Trị liệu 44 ca, ngoài 3 ca vô hiệu, còn lại đều có hiệu quả, bình quân hết sốt trong 7,2 ngày.

- Phòng trị cảm mạo: Cỏ Ban khô 15g, sắc 2 lần rồi trộn đều, chia 2 lần uống trong ngày, uống liên tục 6 ngày. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ phát bệnh nhóm dùng thuốc chỉ 8% trong khi nhóm chứng (không dùng thuốc) đến 24%.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.