.

Sinh kế cho ngư dân

.

Làm nghề khai thác hải sản gần bờ, đời sống của đa số người dân đều nghèo. Cuộc sống của họ chưa thể ổn định trong thời gian trước mắt khi thành phố có chủ trương chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân.

Lực lượng ngư dân khai thác ven bờ ở Đà Nẵng vẫn còn khá cao. Theo đề án xả bản, đến năm 2020 sẽ không còn thuyền thúng hoạt động ven bờ, trong đó tàu công suất dưới 20CV ổn định trong khoảng 150 chiếc. Ảnh: Q.T
Lực lượng ngư dân khai thác ven bờ ở Đà Nẵng vẫn còn khá cao. Theo đề án xả bản, đến năm 2020 sẽ không còn thuyền thúng hoạt động ven bờ, trong đó tàu công suất dưới 20CV ổn định trong khoảng 150 chiếc. Ảnh: Q.T

“Mật vụ” ven bờ

Dọc ven biển từ Mân Thái đến Thọ Quang, tầm 5-6 giờ chiều, những chiếc thuyền thúng chở dầu, đá, lưới, đồ ăn, nước uống ra chiếc tàu cá neo phía ngoài, chuẩn bị cho chuyến ra khơi của những người làm nghề cá. Chỉ cách bờ chừng 4-5 hải lý, những chiếc thuyền làm nghề cá gần bờ này khai thác đủ loại cá, tôm, mực, và chừng 4 giờ sáng họ đã có mặt tại bờ biển, chuyển lên bờ những con cá mắt còn lấp lánh, phục vụ cho nhu cầu ăn cá thật tươi của những người miền biển kỹ tính. Có ngày “trúng”, mỗi tàu 3-5 ngư dân cho thu nhập vài triệu đồng, có ngày về không, lỗ hoặc đủ tiền dầu.

Dù mệt mỏi sau một đêm làm việc cật lực, ông Nguyễn Văn Thảo (phường Mân Thái) không về ngay để nghỉ ngơi mà lấy ống nhòm “lia” ra khu vực Hòn Sụp. Không thấy ở đó dấu hiệu có tàu neo đậu hay khai thác bất hợp pháp, ông mới cất ống nhòm và phân công phiên trực tiếp theo cho các thành viên trong tổ. Ông Thảo là Tổ trưởng tổ Khai thác kết hợp bảo vệ nguồn lợi thủy sản (NLTS) của phường Mân Thái (gọi tắt là tổ cộng đồng).

Cách đây dăm bảy năm, về vùng biển Sơn Trà, đâu đâu cũng nghe tiếng chép miệng, thở dài của các lão ngư về nạn đánh bắt tận diệt của ngư dân ven bờ. Những năm đó, những thông tin như: “Năm nay tiệt mùa cá trích, năm tới sẽ tiệt mùa cá mú, cá chuồn”… gióng lên hồi chuông cảnh báo về hậu quả khôn lường nạn khai thác tận diệt hải sản ven bờ. Trước tình trạng đó, ngành thủy sản thành phố thành lập 2 Tổ cộng đồng khai thác kết hợp bảo vệ NLTS ven bờ tại phường Thọ Quang và Mân Thái (quận Sơn Trà). Nhiệm vụ của các tổ này là trong quá trình khai thác, quan sát những tàu có biểu hiện khai thác vi phạm sẽ nhắc nhở hoặc báo cho cơ quan chức năng để xử lý.

Bên cạnh đó, trực tiếp tuyên truyền cho ngư dân không khai thác theo cách tận diệt, tránh khai thác những vùng có rạn san hô… Tổ cộng đồng phường Mân Thái quản lý khu vực Hòn Sụp, tổ cộng đồng phường Thọ Quang chịu trách nhiệm khu vực rộng hơn bao quát cả Bán đảo Sơn Trà, từ Bãi Bụt, Bãi Nam, Hục Lở-Vũng Đá, đến Đông Bãi Bắc.

Ông Nguyễn Văn Thảo kể, trước đây, ngư dân ven bờ có cách khai thác rất… kinh. Dù biết rõ tập tính của một số loài cá như cá mú, cá trích, cá chuồn cứ đến tháng 2, tháng 3 hằng năm là vào bờ đẻ trứng nhưng ngư dân vẫn dùng lưới mắt nhỏ để đánh bắt. Trứng cá theo đó mà mắc cạn hết vào lưới, dẫn đến cạn kiệt tài nguyên biển. Hay họ biết mực lá thường nằm trên đá (san hô) nên vây lưới quanh rạn, sau đó, dùng đá đập vào rạn san hô để mực sợ mà chạy ra. Họ không biết rằng, mỗi năm san hô chỉ dài thêm độ 10cm, phải mất 50 năm mới hình thành 1 rạn. Một buổi vây mực như thế làm bể cả vài tảng san hô.

Ông Nguyễn Dinh (tổ trưởng tổ cộng đồng phường Thọ Quang) ví công việc của tổ cộng đồng như công việc của “cảnh sát mật”. Khi thường xuyên xuất hiện trên biển, ăn vận như ngư dân bình thường, vừa khai thác vừa theo dõi. Đội của ông Dinh chia làm 2, một nửa phụ trách dưới nước, một nửa trên bờ thường xuyên đi quanh khu vực bán đảo Sơn Trà để nhắc nhở du khách, chủ tàu, nghiêm cấm mọi hành động lấy san hô; đến các nhà hàng để phát tờ rơi, tuyên truyền về bảo vệ NLTS ven bờ và rạn san hô.

Nhờ tổ cộng đồng này, hiện nay tình trạng khai thác tận diệt giảm được nhiều phần do người dân địa phương đã ý thức hơn trước, các rạn san hô cũng theo đó mà được giữ gìn. Đối tượng trọng điểm cần được tuyên truyền trong thời gian đến là ngư dân tỉnh bạn và khách du lịch.

Khó chuyển đổi nghề cho ngư dân

Tại hội nghị “Giải quyết hậu quả cá chết dọc miền Trung” vào giữa tháng 6 vừa qua, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố cho biết, theo đề án đến năm 2020 thì sẽ không còn thuyền thúng hoạt động ven bờ, trong đó tàu công suất dưới 20CV ổn định trong khoảng 150 chiếc. Lộ trình sẽ thực hiện trong từng năm, bằng việc hỗ trợ cho người dân theo các nhóm tàu, với các mức: 30 triệu đồng, 20 triệu đồng, 15 triệu đồng và 10 triệu đồng/chiếc sau khi xả bản; tổng mức kinh phí hỗ trợ khoảng 20 tỷ đồng. Ngoài ra, hơn 1.000 lao động trên các tàu thuyền này sẽ chuyển đổi ngành nghề bằng nhiều hình thức: hỗ trợ vay vốn đóng tàu lớn, tham gia lao động trên các tàu có công suất cao hơn hoặc chuyển đổi ngành nghề.

Hiện tại, toàn thành phố có 303 tàu công suất dưới 20CV và 474 thúng máy khai thác ven bờ ở vùng biển có chiều dài 92km. Với số lượng thuyền thúng lớn như vậy, việc chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân ven bờ thực sự không dễ. Ông Mai Triệu (ngư dân làm nghề giã cào ở phường Thọ Quang) bày tỏ: “Tôi năm nay đã 60 tuổi, gia đình 3 đời bám biển chừ bảo bỏ biển đi học nghề răng mà tui học được. Muốn học nghề cũng phải có trình độ để tiếp thu, ngư dân đa số chỉ dừng ở mức độ biết đọc, biết viết thì học bao lâu mới ra nghề? Rồi trong lúc đi học nghề có được hỗ trợ ăn uống, trả lương không? Chớ không tui lấy chi nuôi con cái? Nhà mô cũng 5, 6 đứa con chớ ít chi”. Ông Nguyễn Thảo (phường Mân Thái) thì chia sẻ, vừa nghe Nhà nước có chủ trương chuyển đổi ngành nghề là trong đầu ông hiện lên các nghề như gò, hàn, tiện, sửa xe… nhưng thấy không nghề nào hợp với mình. “Có khi nếu bắt buộc phải lên bờ thì tui đi học sửa xe thôi. Nghề ni tự do tự tại, mở mắt ra bơm cái lốp xe là có tiền rồi. Nhưng phải được Nhà nước hỗ trợ vốn để mở tiệm”.

Thực tế, không hiếm trường hợp ngư dân bỏ biển lên bờ đi làm vài năm rồi lại quay về với biển. Chỉ một số ít ngư dân bỏ biển mở hàng quán kinh doanh khấm khá mới không có ý định trở lại (như anh Cường quán hải sản Bà Cường, Thọ Quang). Còn lại, đa số họ không quen với những công việc đòi hỏi khắt khe về thời gian. Bạn biển của ông Thảo, ông Triệu sau vài năm lên bờ làm bảo vệ đều quay trở lại biển. Bởi thu nhập từ biển tuy bấp bênh nhưng tính ra vẫn hơn đi làm công trên bờ.

Chuyện chuyển đổi nghề gây khó khăn một phần, việc hỗ trợ vay vốn đóng tàu lớn cũng nan giải không kém. Ông Nguyễn Dinh phân tích: “Ngư dân muốn đổi từ cái thúng qua chiếc tàu thì phải có vốn đối ứng, rồi Nhà nước cho vay mượn thêm. Nhưng, ngư dân khai thác ven bờ lấy đâu ra vốn? Thêm vào đó, liệu họ có đủ trình độ để vươn khơi không khi bao lâu nay chỉ khai thác ven bờ, chưa bao giờ nhìn thấy con cá nặng 10kg?”.

Nhiều người dân chia sẻ, thay vì cho ngư dân (đối tượng lao động chính trong gia đình) đi học nghề thì Nhà nước nên quan tâm đến con em họ. Con cái ngư dân hiện nay đa phần học hết bậc THPT, có nhiều em học cao hơn. Nếu tạo điều kiện cho con ngư dân có việc làm ổn định, thì nghề lưới ven bờ mới mong thu hẹp để bảo vệ được nguồn lợi thủy sản.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.