.

Tháng Bảy

.

Tháng Bảy năm nay bắt đầu bằng những cơn mưa. Nhưng cũng không khiến cho sức nóng của những kỳ thi dịu bớt. Những cô cậu học trò mười hai năm đèn sách, căng thẳng cho kỳ thi bước ngoặt cuộc đời. Ở ngoài phòng thi, những bậc phụ huynh cũng căng thẳng trong chờ đợi.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Có cô bé ra khỏi phòng thi, mặt buồn rười rượi. Bố cô vừa đi sau vừa hỏi: “Làm bài được không con? Chừng được mấy điểm con?”. Giọng cô bé khó chịu gắt lên “Bố đừng hỏi nữa được không, con mệt lắm”. Làm sao con hiểu được rằng, con mệt mỏi trong phòng thi mười phần, thì bố con ở ngoài cũng mười phần lo lắng. Con có nhìn thấy không, những móng chân bố con nhuộm vàng bởi phèn chua đồng ruộng. Bàn tay gầy guộc của bố đã lao khổ suốt mười hai năm để con đến trường. Con không có xe đẹp đón đưa, con không được thông minh hơn người, nhưng con hãy tin, bố con đã cho con tất cả những gì có thể. Gương mặt của bố con chỉ cần con nở một nụ cười...

Tháng Bảy, kỳ nghỉ hè mới như bắt đầu thực sự. Đâu đó nghe người ta kháo nhau, đưa con đi nghỉ mát chốn này, đưa con đi du lịch chỗ nọ. Lại nghĩ đến những đứa trẻ quê mình. Với chúng, mùa hè là mùa của lao động. Đó là mùa dẹp hết sách vở đi để theo bố mẹ ra đồng, để trở thành một nông dân nhí quen với mồ hôi và những cơn mưa hè bất chợt. Đó là mùa mà những cô cậu bé trở nên đen đúa hơn vì mò cua xúc hến giữa nắng lửa gió Lào. Những đồng tiền các con kiếm được để dành mua sách vở cho năm học mới. Số tiền ấy nhỏ thôi nhưng cha mẹ đỡ một phần lo, còn các con tự thấy mình đã lớn. Các con lớn lên trong thiếu thốn nhọc nhằn nên không quen đòi hỏi. Điều làm các con vui đôi khi chỉ là bữa ăn có thêm một món lạ, là có chiếc cắp mới tinh khi chiếc cặp cũ vẫn còn lành, là mẹ cho tiền nộp học phí đúng hạn.

Tháng Bảy này có em gái sinh viên đã viết trên trang cá nhân của mình: “Mùa hè của tôi. Tôi đã sẵn sàng để đi đến nơi không có đường và để lại dấu vết”. Chỉ tiếc con đường em đi còn dang dở, và trái tim tình nguyện đầy nhiệt huyết tuổi trẻ của em đã ngừng đập mãi mãi ở tuổi hai mươi. Mỗi người đều có quyền chọn cho mình một cách sống, nhưng không phải ai cũng có quyền chọn cho mình cách để rời xa cõi nhân gian này. Sự ra đi bất ngờ của em và bạn bè đã khiến gia đình và mọi người bàng hoàng đau đớn. Thương nhiều vì những trái tim ấy đang khát khao cống hiến, những trái tim chỉ muốn “cho đi” chứ chưa hề mong sẽ “nhận lại” cho riêng mình.

Tháng Bảy, sẽ có ngày trên những bàn thờ nghi ngút khói hương. Những bà mẹ tóc đã phai sương, mắt đã đục mờ không còn nhìn rõ cả khuôn mặt con trai mình qua di ảnh. Chỉ có những giọt nước mắt chưa bao giờ cạn, vẫn khóc vì một nỗi nhớ thương không thể nói hết bằng lời. Chiến tranh đã đi qua hơn bốn mươi năm rồi, vậy mà các chú, các anh, nhiều người vẫn chưa tìm được đường về quê mẹ. Mẹ vẫn gọi anh là “thằng Năm, thằng Chín”, những cái tên bình dị thân thương. Anh có tên mẹ đặt cho, vậy mà vẫn đang là một nấm mồ vô danh trên một vùng đất xa xôi nào đó. Nhưng các anh hẳn sẽ không lạnh lẽo đâu, vì những ngọn nến tri ân sẽ được thế hệ trẻ thắp lên như một vòng tay sưởi ấm.

Tháng Bảy này, sẽ có mười gia đình nhỏ rưng rưng gọi tên con, tên chồng, tên cha trong ngày tưởng niệm. Mười phi công-mười liệt sĩ đã hy sinh, hóa thành những cánh sếu bay trên bầu trời xanh tỏa nắng. Các con, có đứa vừa mới lên 2, lên 3, có đứa chưa kịp chào đời, sau này chỉ có thể hình dung bố của mình qua di ảnh. Sự mất mát này không ai lấp đầy cho các con được. Nhưng một mai này khi các con lớn lên, khi các con đủ lớn các con sẽ tự hào về cha mình nhiều lắm. Và các con nhé, hãy nói với các bạn rằng “các bạn thật hạnh phúc vì có bố ấp iu suốt tuổi thơ, có bố đồng hành suốt quãng đời trẻ dại. Và vì thế, hãy yêu bố mình hơn, yêu nhiều hơn nữa. Không phải ai trong cuộc đời này cũng được đủ đầy tròn vẹn thế đâu”.

Tháng Bảy dẫu lắm suy tư, lắm nỗi niềm rồi cũng sẽ qua đi. Tháng ngày tiếp theo vẫn còn dài rộng lắm. Nhưng dẫu đường đời còn gập ghềnh dài rộng, vẫn cảm thấy vui vì ta đang sống những tháng năm tuổi trẻ, tuổi vẫn còn rất nhiều khao khát và ước mơ, tuổi của những đam mê chưa hề tắt lửa.

LÊ GIANG

;
.
.
.
.
.