.

Bản sắc và giao lưu văn hóa

.

Trong sân chơi toàn cầu hóa, chưa bao giờ, nhu cầu tự bảo vệ mình, tìm lại những dấu hiệu nhận diện riêng - tức bản sắc dân tộc, trở nên bức thiết như hiện nay. Đối với Đà Nẵng, việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, các giá trị truyền thống của đồng bào Cơtu chính là góp phần gìn giữ bản sắc và sự đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Nhà Gươl - trái tim của làng, biểu tượng văn hóa của người Cơtu. Ảnh: T.T
Nhà Gươl - trái tim của làng, biểu tượng văn hóa của người Cơtu. Ảnh: T.T

Đường lên các thôn Phú Túc (xã Hòa Phú), thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc), nếu không có các chuyến xe chở đất đá, vận chuyển nguyên liệu cho các dự án đường cao tốc, cầu dẫn nối các trục đường trọng điểm thành phố… thì các loại phương tiện ô-tô, xe máy theo đường bộ chạy chưa đầy 1 giờ đồng hồ đã đến nơi. Già làng của thôn Tà Lang, ông Trần Văn Phớt nói, hơn 15 năm nay, làng xóm đổi thay nhiều lắm. Cuộc sống người dân nơi đây bớt lam lũ hơn, nhưng có nhiều thứ cũng khiến ông phải tiếc nuối nhiều hơn!

Theo già làng Phớt, ở Tà Lang bây giờ, từ cưới hỏi, ma chay, cúng điếu, tập tục sinh hoạt sản xuất, trang phục, ứng xử… đều “Kinh hóa” gần như 100%. Ngay cả tên họ, nếu họ phổ biến trước đây của người Cơtu trước đây thường là A Lăng, Briu…, thì nay, tất cả trẻ em trong thôn đều mang họ mới, không có ai mang theo họ của ông bà nữa. Đồng bào lấy họ của người Kinh để tiện cho con cháu của mình sau này đi học, dễ xin việc làm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày nay, các nghi lễ, luật tục, lễ hội của đồng bào Cơtu tại ba thôn Tà Lang, Giàn Bí và Phú Túc phần lớn diễn ra theo xu hướng tinh giản, gọn nhẹ. Người bị phạm vào các điều cấm của cộng đồng Cơtu như chửa hoang, phá rừng đầu nguồn, chặt cây cổ thụ… ngày nay không còn phải chịu những hình phạt quá nặng nề, mà sẽ được chính già làng tuyên truyền, thuyết phục bằng pháp luật chung của Nhà nước. Riêng lễ hội, cấu trúc ngày càng bị cắt xén nhiều phần, tiếng cồng chiêng trong lễ hội - nét văn hóa độc đáo bao đời của người Cơtu cũng thưa vắng dần. Lễ hội mừng lúa mới - lễ hội lớn nhất, tiêu biểu của người Cơtu đến nay dân làng cũng không thể giữ lại. Đâm trâu là hoạt động trung tâm của lễ hội, thể hiện cao độ tín ngưỡng dân gian, mang ý nghĩa hiến tế thần linh để cầu an lành nhưng nhiều năm cũng bị mai một theo xu hướng biến đổi để phù hợp với cuộc sống mới.

Già Lê Văn Rời (thôn Phú Túc) cho biết, bây giờ ông không còn háo hức đóng khố, vác chiêng, trống đến các lễ hội của làng như trước. Cả làng Phú Túc bây giờ chỉ còn 2 chiếc chiêng đúng chuẩn của người Cơtu. Để phục vụ các nghi lễ, làng được Nhà nước cấp thêm 2 chiêng, 2 trống mới, nhưng âm thanh không phải là tiếng của núi rừng đại ngàn vẫn vang vọng lâu nay trong tâm trí già làng Rời.

Ông Nguyễn Văn Trung – một cựu chiến binh đã chọn núi rừng Hòa Bắc là quê hương thứ hai kể từ ngày đất nước giải phóng, lại rất xông xáo trong các phong trào địa phương, nên dù là người Kinh, ông Trung cảm nhận rất rõ những đổi thay trong tập tục, đời sống văn hóa của đồng bào Cơtu nơi đây. Có điều khiến ông Trung cảm thấy khá mâu thuẫn những thay đổi trong luật tục của người Cơtu, có những cái đi ngược lại với sự tiến bộ, sự phát triển. Chẳng hạn, dù tính gả bán, tảo hôn, cưỡng hôn đã không còn nhưng việc cưới của đồng bào bây giờ được tổ chức rình rang, linh đình với bia rượu và hát múa nhạc mới ồn ào. Nhiều đám cưới được tổ chức theo kiểu “khoán” cho dịch vụ lo từ đầu đến cuối. Việc tang cũng tiếp nhận nhiều yếu tố “ngoại lai” như: phúng điếu bằng phong bì, vòng hoa, liễn đối, đốt vàng mã… - những lễ thức mà trước đây trong cộng đồng người Cơtu hồn hậu không hề tồn tại!

Qua câu chuyện của các già làng và những người sống lâu năm ở các thôn Tà Lang, Giàn Bí, Phú Túc, chúng tôi nhận thấy rằng, tổ chức xã hội của đồng bào Cơtu ở đây chưa hoàn toàn đã dứt hẳn với cội rễ của mình. Già làng vẫn là thủ lĩnh tinh thần, nhà Gươl là trái tim của cả làng - nơi thường diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của cộng đồng. Người được bầu làm già làng phải là người uy tín nhất làng, sở hữu những tố chất của người thủ lĩnh như tài ngoại giao, sự dũng cảm, quyết đoán, sáng tạo trong chăm lo đời sống sinh hoạt, sản xuất của dân làng. Già làng không chỉ thể hiện ý chí của dân chúng trong làng mà còn thuận theo mong muốn của “thần linh”.

Cụ thể, một người dù được các cấp ngành, đoàn thể địa phương và dân chúng bầu làm Già làng, nhưng khi “xin keo” (bằng 2 miếng lá trầu có quét vôi) không được thì phải xem xét, giới thiệu lại, cho đến khi người nào xin keo được mới thôi. Hay nhà Gươl, dù ngày nay đã bị bê-tông hóa nhiều, nhưng già làng Phớt cho biết, phụ nữ, con gái chưa chồng không được đến nhà Gươl vì đây là chốn linh thiêng, là nơi cư ngụ của thần linh, ông bà, tổ tiên họ. Nhà Gươl thường có 2-3 cửa, nhưng đàn bà, con gái thì chỉ được phép đi cửa hông, ai bước vào cửa chính sẽ bị thần linh quở phạt. Rồi tục xin keo, theo già làng Phớt, chính là một trong những nét luật tục còn lại khá nguyên vẹn. Các nghi thức vòng đời từ sinh nở, đầy tháng, thôi nôi, đặt tên con, cưới hỏi, chôn người chết, nghi thức sản xuất, trong lễ hội; ngay cả trong đại hội, hội nghị, tiếp khách… người dân ở đây đều phải được già làng “xin keo” để đưa ra quyết định, cách thức tiến hành đúng đắn.

Nhìn trên nhiều phương diện có thể thấy, người Cơtu trên đất Đà Nẵng nay dường như đã nhạt phai gốc gác. Người Tà Lang, Giàn Bí còn ít nhiều lưu giữ được bởi nơi đó đã là đường cụt, chứ người Phú Túc thì bị giằng co giữa hai lực ngược chiều: một bên là nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc do thường xuyên tiếp xúc với đồng bào mình ở thôn Tống Coói (xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam), một bên là sức hút cuộc sống hiện đại người Kinh do nằm dọc theo đường ĐT 604 (nay là quốc lộ 14G).

Nói về bản sắc văn hóa dân tộc, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Thị Lý chia sẻ rằng, có lần chị đi chợ Hòa Phú, thấy mọi ánh mắt đổ dồn về một cô gái ăn mặc rất xì-tin, váy ngắn, áo trễ vai, đi giày cao gót với vớ chân thời thượng. Cứ ngỡ là thiếu nữ ở phố về, ai ngờ đó là cô gái Cơtu chính hiệu!

Cách ăn mặc hợp thời, cuốn hút (theo cách người Kinh) của cô gái Cơtu trên trước hết cho thấy khả năng tiếp thu, thay đổi (về trang phục) để phù hợp của đồng bào; đồng thời, có thể xem là một minh chứng cho sự lấn át của đa số trong cuộc giao thoa, đụng độ văn hóa Cơtu - Kinh trên mảnh đất này.

Một người con của thôn Tà Lang (giấu tên) nói rằng, anh thực sự tiếc nuối một “hệ sinh thái cực kỳ trù phú” đã từng hiện diện trên mảnh đất này chừng 15 năm trở về trước. Ngày ấy, người Tà Lang có thể vừa đưa nồi canh lên bếp vừa ra sông bắt tôm về kịp thả vào nấu trước bữa ăn. Hồi đó, ra sông, chỉ cần dỡ các cục đá lên thì dưới mỗi cục đá có thể bắt gặp một con tôm lớn hoặc một đàn tôm cá đang sinh sống. Lớp đất trồng nơi đây cũng tốt đến nỗi người ta có thể đào thấy những con lươn da vàng óng ngay trong lòng đất, rồi rừng cây, rau rừng tốt um quanh năm,… Nhưng bây giờ, người dân Tà Lang chỉ có thể nhắc kể như chuyện của “ngày xưa”. Môi trường sống của người Cơtu dường như đang bị phá hủy mỗi ngày. Người Cơtu cùng những đường nét, bản sắc văn hóa của họ, phải chăng cần được bám rễ trên một môi trường sống phù hợp?

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.