.
Giới thiệu sách

Who can fly?/ Ai biết bay? (*)- điểm gặp Đông - Tây

.

Tháng 9-2011, tôi lặng lẽ dừng lại khá lâu trước một cái tên lạ xuất hiện trên Tuổi Trẻ online - Zac Herman. Trong bức ảnh anh chàng tóc đỏ đó còn rất trẻ với nụ cười chất phác và hậu cảnh là các tủ sách bao chiếm không gian hiệu sách nào đó ở Hà Nội. Đôi dòng về người Mỹ tha hương miệt mài học và viết bằng tiếng mẹ của người vợ Việt Nam khiến lòng tôi máy động. Đơn giản vì tôi yêu tiếng nước mình, gặp người nước ngoài nào nói được chút đỉnh tiếng Việt là đã đem lòng quý mến, huống hồ viết văn đăng báo. Bốn năm giữ liên lạc thường xuyên qua email, đôi lần gặp mặt uống bia, Zac và tôi gần như chỉ chuyện trò trên mỗi lĩnh vực ngôn ngữ văn học Việt-Anh. Với Zac, văn học là chiếc cầu kết nối sâu bền và chân thực các nền văn hóa.

Thực ra tôi có cảm giác Zac không xem sáng tác như lựa chọn hàng đầu trong sự nghiệp chữ nghĩa, mà chính là dịch thuật. Zac dành nhiều thời gian tham gia dịch sang tiếng Anh bộ Truyện cổ Việt Nam (Nxb Thế Giới), tập truyện ngắn Sói hoàng hôn của tôi (Nxb Hội Nhà văn). Vậy mà giờ đây trên tay tôi là tập đoản văn song ngữ xinh xắn của Zac Herman - Ai biết bay? Who Can Fly?

Và thực ra tôi có cảm giác Zac yêu thơ hơn văn xuôi, cứ nghĩ ấn phẩm đầu tay của anh hẳn là một tập thơ. Nhưng rồi, đọc toàn tập đoản văn trang nào tôi cũng bắt gặp chất thơ bàng bạc, từ cấu tứ đến ngôn từ. Như với “Mây bông, thang sậy”: Các đám mây đang bay này đều là bông tôi hái trong một cánh đồng cạnh rừng. Vượt qua những thân sậy khô giòn nổ lách tách, sẩy chân trên đất cứng gồ ghề. Khi thu hoạch từng mẩu bông, tôi đã định mình sẽ làm cái gì đó đẹp đẽ... Tôi nghĩ nếu trình bày từng dòng một thì đây chính là một bài thơ, thơ văn xuôi.

Đoản văn ngắn gọn nhưng nội dung sâu rộng, lại có sức chứa cùng lúc nhiều loại hình: tiết điệu như thơ ca, tự sự như truyện ngắn, trữ tình như tùy bút, kiến giải như triết luận… Vậy Zac đã huy động đặc trưng của thể đoản văn đến đâu? Thử đọc “Ai biết bay?”: Những ngọn đèn đường quanh hồ phía xa bên kia làm nên ảo ảnh ấm áp. Đẹp hơn bên này. Tôi trở nên vô hình, nhưng không chỉ lúc đó mà bây giờ nữa. Không ai có thể nhìn thấy tôi. Thành công rồi. Giờ tiếp tục với phần sau nhé: Tôi về nhà và lên gác mái. Nhảy ra.

Tôi nhiều lần gặp câu hỏi “yes or no”, thực hay hư trong đoản văn của Zac. Trong “Ghi chép về giấc mơ sau khi thức dậy”, tác giả thấy mình đứng giữa một nhà ga lớn, hình như nó nằm đâu đó ở Trung Quốc, vì mọi người chung quanh đang nói toàn tiếng Trung. Có những chuyện nhớ cả chi tiết, cũng có nhiều điều đã xảy ra trước đó chưa thể nhớ lại. Và cuối cùng nhận ra không có gì ở đấy là quen thuộc với mình. Hay trong “Người đàn ông chơi kèn saxo”, tác giả luôn tự vấn liệu hình ảnh đã thấy, âm thanh vừa nghe là có thật không: Tôi dừng lại bên cửa sổ. Cái bóng của chính tôi, không ai khác. Tôi uốn cong các ngón. Trong khoảnh khắc ấy, chỉ có dăm ba điều trong cuộc sống tôi cảm thấy là có thật. Hai bàn tay tôi vẻ như có thật. Và tiếng kèn kia cũng vậy. Để rồi: Đôi khi tôi tự hỏi liệu chuyện này thực sự xảy ra hay không.

Giấc mơ thường trở lại trong tác phẩm Zac Herman. “Thomas trở về” và “Cây sồi” là hai đoản văn song sinh, hay và cảm động vì rất chân thực nhưng lại được dẫn dắt bằng những giấc mơ kết nối một phần của quá khứ với hiện tại như nỗi hối tiếc không nguôi. Tác giả cố thoát khỏi cái bóng ám ảnh của người bạn thân đã treo cổ tự tử từ nhiều năm trước: “Không hối tiếc mãi được”, tôi nói lớn với cậu ta, và có lẽ với chính mình nữa, “đó là thứ xa xỉ mà cuộc đời ngắn ngủi của bọn mình không đủ sức gánh chịu”. “Chuyện đã qua hãy cho qua. Cậu đã chết, bọn mình cũng sẽ chết... ngày nào đó. Khi những ai từng quen biết đã quên cậu, có lẽ lúc ấy cậu không còn tồn tại. Nhưng ít nhất có mình vẫn không quên. Ít nhất, cho đến trước khi mình chết, cậu vẫn sẽ tồn tại. Còn sau đó, mình không thể hứa điều gì. Thomas ơi, đó là tất cả những gì mình có thể làm”.

Đôi khi tôi cảm giác đoản văn của Zac là giao điểm giữa Tây và Đông trong cách quan sát, suy ngẫm và cả bút pháp. Nhà văn trẻ người Mỹ từng cho tôi biết từ 14 tuổi anh đã tìm đến văn hóa phương Đông: “Năm ấy, giữa biết bao phim tại thư viện trung tâm thành phố, tôi lại chọn thuê một phim video tài liệu về Tây Tạng. Đến giờ tôi vẫn không hiểu điều gì khiến tôi có chọn lựa như vậy. Nhưng tôi hiểu phương Đông đã thu hút tôi, dẫn dắt tôi tự mình lang thang vào hệ thống triết học Ấn Độ, Trung Hoa, cho đến khi tôi có cơ hội nghiên cứu phương Đông một cách bài bản tại trường đại học. Nhưng phải sau một thời gian sống và làm việc ở Hà Nội, những tri thức sách vở của tôi mới có cơ hội chứng thực và trải nghiệm bản thân. Thời gian tôi trưởng thành là ở Mỹ, nhưng gần đây tôi thấy mình giống một công dân quốc tế (expatriate) hơn chỉ là một người Mỹ. Cho nên, nếu trong văn của tôi đâu đó có sắc màu phương Đông thì đó là điều tự nhiên, là dòng chảy từ bên trong”.

Còn nhà văn Ngô Thị Kim Cúc, trong bài phỏng vấn Zac Herman đăng trên báo Thanh Niên, đã ghi nhận: “Zac đã gây bất ngờ thích thú cho bạn đọc Việt bằng thứ tiếng Việt của người Mỹ. Cám ơn Zac, một sứ giả văn hóa”.

VĨNH QUYỀN


(*)  NXB Hội Nhà văn, 2015

;
.
.
.
.
.