.
Phương hay Thuốc quý

Ba chạc

.

Ba chạc là cây bụi ưa sáng, chịu được hạn và có thể sống được trên nhiều loại đất khác nhau. Cây thường gặp ở các vùng đồi, rừng thứ sinh, rừng thưa hoặc trong các rú bụi ở vùng đồng bằng. Tại Đà Nẵng, theo khảo sát của chúng tôi, cây thuốc này mọc khá phổ biến nhưng chưa được chú ý khai thác sử dụng.

Ba chạc - Euodia lepta. Ảnh: P.C.T
Ba chạc - Euodia lepta. Ảnh: P.C.T

Ba chạc còn có tên chè đắng, chè cỏ, chằng ba, tam xoa khổ, tam nha khổ; tên khoa học: Euodia lepta (Spreng.) Merr.; thuộc họ Cam (Rutaceae).

Đây là loài cây nhỏ hoặc nhỡ. Cành non có lông, sau nhẵn. Lá kép mọc đối, có 3 lá chét, mép nguyên, lá non có lông rất mịn, lá chét hình trái xoan, dài 4,5 - 13cm, rộng 2,5 - 5,5cm, gốc thuôn, đầu nhọn, cuống lá dài có lông, cuống lá chét không có hoặc rất ngắn.

Cụm hoa mọc thành xim ở kẽ lá; lá bắc nhỏ; hoa màu trắng; lá dài hình trái xoan, có lông ở mép; cánh hoa 4 - 5, dài gấp ba lần lá đài, hơi khum ở đầu, nhẵn; nhị 4, chỉ nhị bằng hoặc dài hơn cánh hoa; bầu hình trứng, có lông, vòi nhụy nhẩn, đầu nhụy có 4 rãnh.

Quả hình trái xoan, khi chín màu đỏ, chia làm 2 - 4 mảnh; hạt hình cầu, màu đen bóng. Toàn cây có tinh dầu thơm. Mùa hoa quả: tháng 4-7.

Theo Đông y, Ba chạc có vị đắng, mùi thơm, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, khu phong, trừ thấp, chống ngứa, giảm đau, lợi sữa.

Người ta thường dùng lá ba chạc giã đắp hoặc nấu nước tắm rửa chữa ghẻ, mụn nhọt, lở ngứa, chốc đầu, vết thương nhiễm khuẩn, viêm mủ da, áp xe, eczema; sắc uống chữa bệnh viêm họng, viêm amidan, ho; phụ nữ mới đẻ ít sữa, kém ăn; phòng bệnh cúm, bệnh truyền nhiềm, viêm não, đột quỵ tim, cảm lạnh, viêm gan vàng da. Ngày 20 - 40g sắc uống hoặc nấu cao.

Rễ và vỏ thân ba chạc chữa phong thấp, đau gân nhức xương, tê bại, bán thân bất toại, kinh nguyệt không đều. Ngàv 8 - 24g sắc uống.

Bài thuốc có ba chạc:

- Thuốc bổ đắng (giúp ăn ngon, dễ tiêu) đặc hiệt cho phụ nữ sau khi đẻ: Ngày 8 - 16g lá hoặc 4 - 12g rễ, sắc uống.

- Thuốc lợi sữa: Ngày 8 - 16g lá sắc uống nhiều ngày. Một thử nghiệm lâm sàng cho 35 người cho con bú, uống nước sắc lá và cành non khô ngày 12g, uống liền nhiều ngày. Sau 3 ngày, sữa tăng nhiều là 15 (42,8%), tăng vừa 14 (40%), không có kết quả 6 (17,2%).

- Thuốc điều kinh: Ngày 4 - 12g rễ, vỏ thân sắc uống.

- Chữa viêm họng, viêm amidan, ho, viêm loét lưỡi, miệng, viêm gan vàng da, viêm dạ dày: Ngày 12 - 20g lá tươi sắc uống. Trường hợp viêm ở miệng thì ngậm và nuốt dần.

- Chữa sốt, ngộ độc, háo khát, nước tiểu vàng nâu: Ngày 20g lá khô hoặc 40g lá tươi sắc uống.

- Chữa phong thấp, viêm khớp, lưng gối đau nhức, tê bại, đau dây thần kinh hông: Ngày 20 - 40g rễ sắc uống hoặc dùng Rễ ba chạc, Dây đau xương, Câu đằng, Tầm gửi cây dâu, mỗi vị 20 - 30g, sắc uống.

- Thuốc phòng cúm, bệnh truyền nhiễm, viêm não: Ba chạc (lá) 15g, Rau má 30g, Đơn buốt 15g, Cúc chỉ thiên 15g. Sắc uống.

Trên đây là các bài thuốc trích dẫn theo sách “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”. Dưới đây chúng tôi giới thiệu thêm một số bài thuốc kinh nghiệm của Trung Quốc theo sách “Trung dược đại từ điển”.

- Trị viêm não mới phát: Lá ba chạc 60g sắc uống.

- Trị ngoại cảm đi tả: Lá ba chạc 60-90g nấu nước chia uống nhiều lần.

- Trị viêm khí quản mạn tính, cấp tính: Lá ba chạc tươi 30g sắc uống.

- Trị nhọt mọc trong tai: Lá ba chạc tươi giã vắt nước nhỏ vào.

- Trị viêm da, lở ngứa, bệnh trĩ: Lá ba chạc nấu ngâm rửa.

- Trị rắn cắn, mụt nhọt, đòn ngã tổn thương chảy máu: Vỏ rễ hoặc lá ba chạc tươi giã nhuyễn đắp.

- Trị vết thương nhiễm trùng phát sốt: Rễ tươi ba chạc 30g sắc uống.

- Trị ho khạc do phổi nóng, áp-xe phổi: Rễ ba chạc 50g, sắc nước, thêm đường cát uống.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.