.
Phương hay Thuốc quý

Râu mèo chữa bệnh tiết niệu

.

Râu mèo là cây thảo lâu năm, cao khoảng 0,5-1m. Thân vuông, thường có màu nâu tím. Lá mọc đối, có cuống ngắn, chóp nhọn, mép khía răng to. Cụm hoa là chùm xim co ở ngọn thân và ở đầu cành. Hoa màu trắng sau ngả sang màu xanh tím.

Nhị và nhụy mọc thò ra ngoài, nom như râu mèo nên cây được gắn tên Râu mèo (tiếng Hán gọi là Miêu tu thảo). Một vài địa phương ở Quảng Nam còn gọi cây Bông hát hay cây Hát bộ, có lẽ do liên tưởng hoa cây này với bộ râu của các nhân vật tuồng.

Râu mèo - cây thuốc quý chữa bệnh tiết niệu. Ảnh: P.C.T
Râu mèo - cây thuốc quý chữa bệnh tiết niệu. Ảnh: P.C.T

Râu mèo có tên khoa học là Orthosiphon spiralis  [tên đồng nghĩa: Orthosiphon stamineus, Clerodendranthus spicatus], thuộc họ Hoa môi - Lamiaceae. Đây là loài cây miền Malaysia, châu Ðại Dương, thường được trồng nhiều ở vùng đồng bằng và vùng núi, cây chịu ngập tốt. Trồng bằng hạt. Khi dùng làm thuốc, cắt cả cây, thu hái khi cây chưa có hoa, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô.

Phân tích thành phần hóa học cho thấy cây chứa một glycosid đắng là orthosiphonin, tinh dầu, chất béo, tanin, đường và một tỷ lệ khá cao muối vô cơ, trong đó chủ yếu là muối kali.

Theo Đông y,  Râu mèo có vị ngọt, nhạt, hơi đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt trừ thấp, lợi tiểu bài thạch (tống sỏi ra ngoài), tiêu viêm.

Theo kinh nghiệm dân gian, Râu mèo được dùng làm thuốc lợi tiểu trong điều trị bệnh viêm thận, sỏi thận, sỏi mật, tê thấp, phù thũng, viêm gan. Tài liệu Ấn Độ coi dịch hãm lá râu mèo là thuốc điều trị đặc hiệu các bệnh thận và bàng quang, ngoài ra còn điều trị bệnh thấp khớp, bệnh gút và tiểu đường. Liều dùng 5-12g lá hoặc 30-40g toàn cây dưới dạng thuốc sắc.

Nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy Râu mèo làm tăng lượng nước tiểu và thúc đẩy sự bài tiết urê, các chlorua và acid uric. Có tác dụng tốt đối với các chứng rối loạn đường tiêu hóa, bệnh thấp khớp, đau lưng, đau nhức khớp xương. Còn có tác dụng tốt đối với bệnh xung huyết gan và bệnh đường ruột. Hiệu quả của nó là do tác dụng kết hợp của glycosid với các muối kiềm, các chất giống như tanin của dầu thơm và của một saponin. Dịch chiết bằng nước giàu hoạt chất hơn (28,8%).

Ðơn thuốc:

1.Viêm thận: Râu mèo 30g, Tước sàng 30g, Ngấy tía 20g. Sắc nước uống.

2. Viêm thận, viêm bể thận, viêm bàng quang: Râu mèo, Rau má, lá rau muống, Rau sam đều 30g; Rau mã đề, Bồ công anh đều 15g. Sắc nước uống.

3. Viêm thận phù thũng: Râu mèo, Mã đề, Lưỡi rắn trắng, mỗi vị 30g, sắc uống.

4. Sỏi niệu: Râu mèo, Ngấy tía đều 30g; Thạch vi, Bòng bong, Rau má đều 15g. Sắc nước uống.

5. Sỏi niệu, bệnh đường tiết niệu: Râu mèo, Chó đẻ răng cưa, Thài lài, mỗi vị 30g, sắc uống.

6. Viêm túi mật: Râu mèo 30g, Thanh bì 9g, Uất kim 10g, Hải kim sa 15g, Tử hoa địa đinh 30g, Bồ công anh 30g. Sắc nước uống.

7. Thủy thũng: Râu mèo 30g, Đậu đỏ, Rễ tranh, Mã đề, Trạch tả đều 15g. Sắc nước uống.

Liên quan cây Râu mèo, người viết bài này xin nhắc lại một thông tin đã phổ biến cách đây hơn mười năm. Đó là trên tạp chí Thuốc & sức khỏe số ra ngày 1-3-2004 có đăng tin Urosiphon, một loại thuốc lợi tiểu nhập từ Pháp được bào chế từ cây Râu mèo bị cấm lưu hành, khiến không ít người quan tâm đến thuốc bào chế từ thảo dược hoang mang.

Urosiphon có mặt ở thị trường từ 1972 và xuất qua Việt Nam từ năm 1988 dưới dạng ống uống. Cơ quan An toàn Dược phẩm Pháp (AFSSAPS) qua ý kiến của Hội đồng cảnh giác Dược phẩm Pháp đã thu hồi giấy phép lưu hành Urosiphon vì nguy hiểm cho sức khỏe, kể từ ngày 26-1-2004.

Câu chuyện bắt đầu từ biệt dược Pilosuryl gây độc hại thận và thần kinh khi dùng nhiều. Pilosuryl có một tá dược là ether monoethylic của diethylen glycol bán dưới tên thương mãi là Transcutol. Vì Urosiphon cũng chứa một lượng ether monoethylic  tương đương như Pilosuryl, mà lại được bán tự do không cần toa bác sĩ nên có thể gây độc hại nếu uống quá nhiều. Như vậy Urosiphon bị cấm vì tá dược ether monoethylic của diethylen glycol chứ không phải tại bản thân các hoạt chất trong cây Râu mèo.

Nhắc lại điều này để bạn đọc yên tâm sử dụng Râu mèo dưới dạng thuốc sắc nấu theo y học cổ truyền, tuy có lỉnh kỉnh tốn công một chút, nhưng sẽ không có nguy cơ độc hại như loại tân dược vừa nói.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.