.
TRUYỆN NGẮN

Dường như có mưa

.

Chị lấy chồng nhưng chẳng giống những người khác sắp làm cô dâu, chẳng hào hứng đi sắm sửa những thứ cần thiết, ai hỏi gì cũng chỉ cười một nụ cười khiến mọi người đều ái ngại. Ngày chị gật đầu để nhà người ta mang lễ sang dạm hỏi, mẹ chị mừng đến rơi nước mắt.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Chị là con gái lớn trong nhà, học hết cấp ba, trên chiếc xe đạp cũ ngày hai buổi chị lên huyện để học may. Chị khéo tay và thích thêu thùa may vá. Ước mơ của chị cũng rất giản đơn, học nghề rồi ở nhà mở một hiệu may nho nhỏ để sửa đồ cho bà con trong xóm và may những bộ quần áo thật đẹp. Như cái duyên đưa đẩy, chị gặp Thành, con trai của bà chủ nhà cho chị Hiền thuê mở tiệm may - nơi chị theo học nghề. Thường ngày, chị hay vào nhà bà chủ xin nước để bỏ vào bàn ủi hơi. Dù chị chưa bao giờ nói hay làm gì không vừa lòng bà nhưng không hiểu sao bà chưa bao giờ tỏ ra thân thiện với chị như những chị em khác trong hiệu may. Hôm ấy, khi vào xin nước, chị không gặp bà chủ, mà gặp Thành.

- Có chuyện gì không em ơi?

- Dạ - chị như bừng tỉnh. Anh cho em xin ít nước ạ.

- Đợi đấy anh lấy cho.

Rồi anh tiến về phía chị, lấy cái chai chị đang cầm trên tay, tiến lại bàn uống nước định rót thì giọng chị vang lên.

- Không phải nước đó anh ơi. Em xin nước để bỏ vào bàn ủi ạ.

Anh có chút ngượng ngùng.

- À ra thế, sao em không nói sớm!

Rồi anh đổ đầy nước vào chai cho chị. Khi chị lí nhí cảm ơn, quay người bước đi thì nghe giọng anh.

- Em học may ở ngoài quán chị Hiền à?

Chị gật đầu cười bước nhanh ra khỏi cổng.

Những ngày sau đó, câu chuyện về Thành được mấy chị em trong tiệm may bàn luận sôi nổi. Thành là con trai bà Ngạn, vừa hiền lành lại vừa tốt tính, ngày trước nổi tiếng khắp cả huyện vì là một trong năm người đậu đại học, nay vừa tốt nghiệp đại học ở Sài Gòn. “Thảo nào hôm nay em thấy bác Ngạn đi chợ sớm, chắc chọn đồ ngon về đãi quý tử đây mà” - cô bé Ngần lên tiếng. Mấy chị em còn lại xì xào “Chứ sao nữa, có con trai như thế không cưng quá thì mới là lạ”. Bác Ngạn chỉ có một cậu con trai duy nhất. Thành là tất cả những gì mà bác có sau đổ vỡ của một cuộc tình đẹp vì người thứ ba không mong muốn. Bác Ngạn trở thành người mẹ đơn thân.

Những ngày sau, chị cứ thấp thỏm mỗi khi vào nhà bác Ngạn xin nước. Chị sợ ánh mắt bác Ngạn nhìn mình khi thấy dáng chị bước qua cánh cổng. Mỗi lần như thế, dù đang ngồi vẽ vẽ gì đấy ở chiếc bàn uống nước, Thành đều hồ hởi chạy lại chỗ chị bắt chuyện, có khi lại lấy nước giúp chị. Không những thế, cứ chiều chiều rảnh anh lại sang ngồi ở tiệm may, nói vài ba câu chuyện. Nhờ đó mà chị biết, anh đang dự tính mở một trang trại chăn nuôi lớn, lập nghiệp tại quê nhà. Chị thấy khâm phục anh.

Chiều hôm đó trời bất chợt đổ mưa lớn, chị lại không mang theo áo mưa. Mượn bác Ngạn thì chị ngại, trong tiệm cũng chẳng ai mang theo áo mưa. Túi chị lại chẳng còn đồng nào vì lúc trưa còn bao nhiêu, chị rút hết cho thằng Cò mua mấy cuốn sách tham khảo mới. Thôi đành bấm bụng đội mưa để về. Chị đạp xe như bay. Mưa ngày càng nặng hạt, chiếc áo sơ mi của chị đã ướt sũng, bám chặt vào người, khiến chị lạnh run. Chị cứ cắm cúi đạp xe cho đến khi có tiếng gọi của một người chạy xe máy ngược chiều làm chị giật mình. Thành nhìn chị ướt sũng, giọng anh lạc trong tiếng mưa.

- Trời mưa lớn vậy, sao em không mua áo mưa mặc rồi hẵng về.

Vừa nói, anh vừa cởi chiếc áo mưa mình đang mặc, đưa cho chị. Chị lắc đầu:

- Đằng nào em cũng bị ướt rồi.

Nhưng anh vẫn kiên quyết:

- Em mặc đi, đội mưa về bị cảm thì làm sao!

Chị ngớ người mất mấy giây vì lần đầu tiên có một người khác giới lo cho chị. Nhưng chị vẫn đùn đẩy:

- Em không mặc đâu, anh mặc đi, không về nhà mà bị cảm, mẹ anh lại lo.

Thành cương quyết:

- Anh chạy xe máy, một loáng là tới nhà. Em cứ mặc đi!

Nói rồi anh phóng vù vào màn mưa dày đặc.

Cũng từ hôm ấy, anh và chị có rất nhiều lần hẹn hò trên con đường từ tiệm may về nhà chị. Dăm ba lần, anh đưa chị về nhà, chị đạp xe đạp còn anh chạy xe máy chầm chậm ở bên, bình yên và nhẹ nhàng. Anh ăn cơm với nhà chị mấy lần, lần nào cũng đều không báo trước, trong gian nhà chật chội với những món canh rau đơn giản. Có lần, mẹ chị hỏi về gia đình anh. Chị nhận ra mẹ đã nghẹn lại khi nghe anh kể về mẹ anh. Và từ hôm ấy, mẹ cấm chị lên huyện học may, cấm chị gặp anh...

Mấy ngày không thấy chị đến tiệm, hỏi chị Hiền cũng không biết lý do, anh đến nhà tìm. Mẹ chị chỉ bảo: “Cháu đừng đến nữa, cứ coi như hai đứa không có duyên phận với nhau”. Anh lầm lũi trở về. Dù anh có gạn hỏi thế nào thì mẹ chị cũng chỉ nói vậy. Còn chị, chỉ im lặng nhìn anh bằng ánh mắt đầy đau xót.

… Ngày đó, mẹ chị với quang gánh trên vai, lên chợ huyện để buôn bán, rồi phải lòng một người đàn ông mà chẳng hề hay biết anh ta đã có người yêu, cho đến khi cô gái đó hất tung mọi thứ trong đôi thúng mà mẹ chị gánh vào một buổi trưa tan chợ. Khi biết mình là người thứ ba phá vỡ hạnh phúc của người ta, mẹ chị cắt đứt liên lạc với người đàn ông đó, rồi không lâu sau, lặng lẽ đi lấy chồng. Người đàn ông ấy cũng bỏ xứ đi biệt, còn cô gái trở thành mẹ đơn thân. Cô gái đó không ai khác, chính là mẹ của anh.

Chị sững sờ không muốn tin vào những câu chuyện của mẹ. Chị biết rằng, chẳng người mẹ nào có thể chấp nhận cho con trai cưới đứa con gái của một người đàn bà đã từng cướp đi hạnh phúc của mình…

Chị gặp anh khi anh năm lần bảy lượt tới nhà tìm chị. Nhìn anh tiều tụy, chị không nỡ giấu giếm. Chị kể cho anh nghe tất cả những gì mẹ đã kể với chị. Anh chỉ lặng im rồi xin chị cho anh thời gian để anh nói chuyện với mẹ.

Chị gật đầu lấy chồng không phải vì chị không muốn chờ đợi, mà chị không muốn mình là nguyên nhân khiến cho mối quan hệ của mẹ con anh xấu đi. Cả một đời mẹ anh chỉ có anh, sống chỉ vì anh.
Ngày đưa dâu trời mưa tầm tã, chị nhìn về phía anh, nở một nụ cười, như một lời tạm biệt với quá khứ, để anh đừng luyến lưu gì nữa.

Lâu lâu chị mới lên huyện một lần, rảnh vẫn ghé tiệm may của chị Hiền để nói vài ba câu chuyện. Trang trại chăn nuôi của anh vẫn còn đó nhưng anh và mẹ đã chuyển hẳn về thành phố ở. Chị mỉm cười trở về. Thỉnh thoảng trên con đường đó, dù trời đang nắng chang chang nhưng dường như chị vẫn thấy có mưa.

THY NGUYÊN

;
.
.
.
.
.