.

An toàn cho trẻ

.

Khi hiện tượng bạo hành trẻ em rất dễ xảy ra trong gia đình, trường học và cả cộng đồng, vấn đề đặt ra là làm thế nào để trẻ em được an toàn trong một môi trường thuận lợi.

05113.629.679 hoặc 1800.1567 là các số điện thoại “giải nguy” cho trẻ em khi bị xâm hại (ảnh chụp tại Trường tiểu học Lâm Quang Thự). Ảnh: V.T.L
05113.629.679 hoặc 1800.1567 là các số điện thoại “giải nguy” cho trẻ em khi bị xâm hại (ảnh chụp tại Trường tiểu học Lâm Quang Thự). Ảnh: V.T.L

Hãy gọi 05113.629.679

24 năm trước, thầy Ông Văn Sơn, hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang bắt đầu dạy học bằng môn Giáo dục công dân ở Trường PTCS Hòa Quý (chung cấp 1 và cấp 2), lúc đó còn thuộc huyện Hòa Vang. Bấy giờ, phụ huynh vùng nông thôn còn quá khó khăn, suốt ngày lo chuyện đồng áng nên ít khi quan tâm đến chuyện học hành của con em mình, chủ yếu gửi gắm hết cho nhà trường. Thầy, cô giáo chủ nhiệm thường đến thăm nhà học sinh, cùng ăn củ khoai, củ sắn với phụ huynh, qua đó trao đổi nhau cách dạy dỗ con em họ.

Năm 2002, khi về “đất học” Hòa Phong làm Hiệu trưởng Trường tiểu học Lâm Quang Thự, thầy được biết nhiều phụ huynh quan tâm đến việc giáo dục con em, xem gia đình, nhà trường và xã hội là 3 môi trường bảo vệ trẻ em, giúp trẻ em dần định hình nhân cách. Trong việc hướng dẫn con trẻ biết cách tự bảo vệ mình nhằm tránh các hình thức bạo hành, thông qua các tiết sinh hoạt ngoại khóa, lễ chào cờ đầu tuần, sinh hoạt chủ nhiệm lớp mỗi cuối tuần... thầy chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm và Tổng phụ trách Đội giới thiệu Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em đến với học sinh.

Mỗi năm, trường tổ chức họp phụ huynh học sinh 3 lần vào đầu, giữa và cuối năm học. Phần lớn phụ huynh nông thôn không nắm rõ các pháp luật liên quan đến con em mình nên thông qua các buổi họp này, nhà trường thông báo đến phụ huynh Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. “Qua đó, chúng tôi tư vấn cho phụ huynh cách hướng dẫn con em mình ăn mặc khi đến trường sao cho kín đáo, lịch sự (nhất là các bé gái), phù hợp với môi trường giáo dục, tuyệt đối không được đeo đồ trang sức quý như vàng, bạc. Nhiều bé gái mới học lớp 5 nhưng đã phổng phao, các em còn quá vô tư nên không biết mình có thể là tầm ngắm của các đối tượng xấu”, thầy Sơn chia sẻ.

Trên địa bàn huyện có Tổ chức Tầm nhìn Thế giới khu vực Hòa Vang thường phối hợp với Hội LHPN huyện, Huyện Đoàn đến các trường tuyên truyền chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Anh Nguyễn Bá Duân, Bí thư Huyện Đoàn cho biết, mỗi năm tổ chức quốc tế này có một chủ đề hoạt động riêng, như năm 2014 là “Quyền trẻ em”. Năm này, Tầm nhìn Thế giới hỗ trợ kinh phí để Huyện Đoàn tổ chức hội thi “Tăng cường kỹ năng sống, hiểu biết về Quyền trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em và Tình yêu biển đảo” với sự tham gia của 8 trường tiểu học, THCS trong vùng dự án và các trường ở 3 xã đồng bằng không nằm trong vùng dự án là Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phước để sức lan tỏa tuyên truyền được sâu rộng hơn.

Đó là hội thi để lại nhiều kỷ niệm trong lòng các bạn nhỏ tuổi ở Hòa Vang – anh Duân nói. Chủ đề của hội thi đã được các đơn vị thể hiện sinh động qua các nội dung như: trưng bày gian hàng, vẽ tranh, giới thiệu về mình, trắc nghiệm kiến thức, biểu diễn thời trang... Mỗi đơn vị một sắc thái, nhưng tựu trung đều hướng đến việc chống bạo lực, xâm hại trẻ em như các pa-nô trưng bày tại cuộc thi, sau đó được đưa về các trường: “Khi phát hiện trẻ bị xâm hại, bạo hành ngược đãi hãy gọi điện thoại cho chúng tôi: 05113.629.679 hoặc 1800.1567 (miễn phí)”.

Đề án 404 - vì an toàn cho trẻ

Năm 2015, trước khi xây dựng Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 404), ban điều hành đã tổ chức khảo sát 18 nhóm trẻ độc lập tư thục có 50% trẻ là con em người lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất ở 3 phường, xã; trong đó, 10 nhóm ở phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), 4 nhóm ở phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ), 4 nhóm tại xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang).

Theo đó, hầu hết các nhóm trẻ đều tận dụng nhà ở của gia đình, thuê nhà ở của dân hoặc sử dụng khu nhà ở của nhà thờ để mở các nhóm lớp nhận trông giữ trẻ. Vì thế, điều kiện về cơ sở vật chất chưa  bảo đảm tiêu chuẩn quy định cho trường mầm non. Khu vực vệ sinh hầu hết có thiết bị dành cho người lớn nên chưa bảo đảm sự an toàn, sức khỏe và sự phát triển về thể chất, tinh thần của trẻ. Khu vực bếp không đủ điều kiện về diện tích, tính an toàn; nhiều nơi không có song chắn cầu thang giữa bếp và phòng ăn, nhà vệ sinh nên rất dễ xảy ra tai nạn gây thương tích và ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học cho trẻ còn thiếu, không hợp quy chuẩn…

Sau khi được phê duyệt và cấp kinh phí vào ngày 22-10-2015, Đề án 404 đi vào triển khai thực hiện và cơ sở vật chất của 18 nhóm trẻ nói trên được cải thiện rõ rệt, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chăm sóc, nuôi giữ trẻ.

Khu vực vệ sinh sạch sẽ, được lắp đặt thiết bị phù hợp với độ tuổi của trẻ; khu vực bếp được cải tạo theo quy trình một chiều, dụng cụ chế biến và đựng thực ăn, nước uống của trẻ được thay thế bằng đồ i-nốc. Chủ các nhóm trẻ được hỗ trợ cũng đồng ý bỏ thêm kinh phí thuê nhân công, lắp đặt, sửa chữa và trang bị thêm một số các vật dụng khác để cơ sở vật chất của nhóm kiên cố và khang trang hơn. Các nhóm cũng được hỗ trợ đồ dùng, đồ chơi phù hợp với từng nhóm tuổi, không chỉ đa dạng, sinh động mà còn có chất lượng và độ an toàn cao, giúp trẻ vừa chơi vừa khám phá, góp phần thúc đẩy sự phát triển trí tuệ của trẻ.

Theo chị Phan Thị Mai, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Sơn, trên địa bàn xã hiện có 12 nhóm trẻ, Đề án 404 năm 2015 đã hỗ trợ có 4 nhóm gồm: Hoa Giấy, Paolo An Ngãi Tây, Paolo Phú Thượng, Tuổi Thơ. 4 nhóm trẻ này hiện hoạt động rất tốt, phụ huynh có trẻ gửi cảm thấy yên tâm với công ăn việc làm hằng ngày của mình hơn.

Bà Đỗ Thị Kim Lĩnh, nguyên Chủ tịch Hội LHPN thành phố, nguyên Trưởng ban Điều hành Đề án 404, đánh giá: “Sự hỗ trợ của Đề án 404 là đòn bẩy khuyến khích chủ các nhóm trẻ đầu tư thêm trang thiết bị cơ sở vật chất để đạt chuẩn theo quy định, đảm bảo an toàn và phát triển thể chất, trí tuệ của trẻ, đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác chăm sóc, trông giữ trẻ”.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.