.

Đêm trên những độ cao

.

Đà Nẵng có bốn ngọn núi chính là Sơn Trà, Hải Vân, Ngũ Hành Sơn và Bà Nà. Đêm ở các độ cao này có những nét riêng so với đêm ở phố.

Du khách chia sẻ cảm xúc khi tham gia chương trình thể nghiệm Son Tra Sunset tại Nhà Vọng cảnh do Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng tổ chức. (Ảnh do đơn vị cung cấp)
Du khách chia sẻ cảm xúc khi tham gia chương trình thể nghiệm Son Tra Sunset tại Nhà Vọng cảnh do Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng tổ chức. (Ảnh do đơn vị cung cấp)

Từ trung tâm thành phố, chỉ bằng một cái nhìn là có thể thấy núi Sơn Trà khi chiều xuống lại dần điệp với màu trời cùng những ánh đèn chấp chới như những vì sao mọc thấp. Nếu có dịp chạy xe lên đó khi chiều muộn, sẽ cảm nhận bức tranh của người họa sĩ thiên nhiên bày ra chênh vênh giữa không gian tĩnh lặng của một núi rừng tranh tối tranh sáng. Và khi đêm đã xuống, dừng chân đâu đó trên con đường dích dắc hình chữ chi là có thể nhìn ngắm thành phố lên đèn đẹp như một bài thơ được điểm xuyết bởi những “vần điệu” lãng mạn từ sông và biển.

Ở độ cao khoảng 230m so với mực nước biển, nơi đóng chân Đài Phát sóng Sơn Trà của Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng (DRT), trên tầng hai từng là Cafe Danang View của Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (Ban quản lý). Đây cũng là một trong những nơi lý tưởng để xem lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng. Chơi đêm ở Café Danang View, có thể vừa nhâm nhi chút cà-phê vừa ngắm cảnh đêm Đà Nẵng với những tòa cao ốc, những chiếc cầu nhiều hình thể, sắc màu. Có thể nhìn thấy những chiếc ô-tô nhỏ như hộp diêm, hòa vào ánh sáng phố phường... Đó là lý do vì sao, Ban quản lý dự định sẽ trao đổi với DRT để đưa điểm đến này hoạt động trở lại phục vụ du khách.

Ở độ cao trên 500m sẽ gặp một triền núi thoai thoải xuôi về hướng Tây Bắc, có một ngôi nhà vuông lợp ngói được đặt tên là Nhà Vọng cảnh. Gọi thế, bởi từ đây có thể nhìn ngắm toàn cảnh cửa biển Đà Nẵng, xa xa là đảo Ngọc và đèo Hải Vân. Một cái view rất thơ đủ để khơi gợi con người những ý tưởng lãng mạn. Hôm 16 tháng 7 vừa rồi, Ban quản lý đã tổ chức thí điểm Chương trình Son Tra Sunset  (Hoàng hôn Sơn Trà) tại Nhà Vọng cảnh với kết quả ban đầu rất khả quan.

Ông Nguyễn Đức Vũ, Phó ban Quản lý cho biết sau đó đơn vị đã có tờ trình (kèm kế hoạch) gửi Sở Du lịch xin chủ trương và sở đã trình UBND thành phố. Hiện nay, UBND thành phố đã có văn bản giao sở chủ trì lấy ý kiến các đơn vị liên quan về việc tổ chức hoạt động Son Tra Sunset.

Nếu được thành phố cho phép tổ chức định kỳ vào thứ bảy hằng tuần - ông Vũ nhận định, Son Tra Sunset sẽ tạo thêm hoạt động đặc sắc riêng có của bán đảo Sơn Trà giúp du khách trải nghiệm cảm giác thú vị, hấp dẫn khi ngắm hoàng hôn tại điểm cao trên 500m, tạo không gian vui chơi, giải trí vào cuối tuần hướng đến đối tượng là người dân du khách ưa thích những nơi không mất nhiều thời gian di chuyển và tách biệt với sự ồn ào, tấp nập của thành phố.

Có cùng độ cao và đối diện với Nhà Vọng cảnh qua cửa biển Đà Nẵng là đèo Hải Vân - còn có tên là đèo Mây bởi thường la đà mây khói hay Ải Vân vì nơi này có một cửa ải vẫn còn để lại di tích.

Tổ Văn Trường THPT Phan Châu Trinh, trước khi vào năm học mới đã làm một chuyến đi “vét” kỳ nghỉ hè ra Suối Mơ, Lăng Cô. Khi quay về, tất cả đứng trên đỉnh đèo ngắm cảnh màn đêm buông dần nơi nội thành Đà Nẵng. Đúng là đèo Mây - một cô giáo tán thán, với tay có thể “hái” được những chùm mây từ phương xa dạt tới. Rồi khi tan mây, cả một Đà Nẵng lung linh sắc màu hiện ra nơi phía Đông, thấp thoáng những tòa nhà cao tầng kỳ vĩ, những cây cầu chuyển sắc buổi đầu đêm. Nếu đỉnh Sơn Trà trầm mặc với những ánh đèn như loãng ra giữa núi xanh biển thẫm thì cảng Tiên Sa dưới chân núi đậm đặc những đốm sáng của một bến cảng sầm uất bậc nhất miền Trung.

Có thể nhìn cảnh đêm Đà Nẵng ở một độ cao khác: đỉnh núi Bà Nà. Ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, có cảm giác như đang chạm đến nóc nhà thành phố. Từ độ cao và xa này, nội thành Đà Nẵng qua mắt thường là nhấp nháy những vệt sáng như những dãy thiên hà xa xa còn Sơn Trà thoắt ẩn thoắt hiện như một chú kình ngư nhoài đầu ra phía cửa biển.

Có điều, khi Bà Nà còn như nàng công chúa ngủ trong rừng thì có nhiều người còn để cho lòng mình tha thẩn với những điều lãng mạn như thế. Giờ đây đêm Bà Nà rực sáng ánh đèn với cơ man nào là những trò chơi nhộn nhịp cả một miền cao nhất thành phố. Những ai thích sâu lắng một chút, có thể dạo chơi trong Le Jardin d’Amour - vườn hoa được thiết kế theo phong cách châu Âu, lãng mạn, cổ kính với các loài hoa đẹp đến tê người. Thong thả rảo bước trong giai điệu những ca khúc Pháp bất hủ, trong sương mờ hoàng hôn, trong ánh sáng mờ ảo được bố trí hài hòa khi đêm dần xuống... để cảm nhận hết ý nghĩa tên khu vườn trong tiếng Việt là Vườn Tình yêu!

Nếu Bà Nà “đường lên tiên cảnh”, Hải Vân “nghìn năm mây bay”, Sơn Trà “xứ sở loài linh trưởng” thì Ngũ Hành Sơn được mệnh danh là “vùng đất của truyền thuyết”. Đẹp nhất Ngũ Hành Sơn là ngọn Thủy Sơn nằm trên dải đất rộng khoảng 7ha, cao 120m. Cảnh đêm tại đây còn quá thô sơ, buồn tẻ. Ngày 28-5-2015, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ban hành quyết định về việc phê duyệt chủ trương đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn Dự án Điện chiếu sáng tại ngọn Thủy Sơn (giai đoạn 1).

Theo đó, việc đầu tư xây dựng mới hệ thống điện chiếu sáng tại Thủy Sơn nhằm tăng vẻ đẹp Khu danh thắng, phục vụ khách tham quan vào ban đêm và bảo đảm an ninh trật tự cho khu vực. Với kinh phí gần 3 tỷ đồng, sẽ có nhiều nơi được mắc điện như: từ đường Huyền Trân Công Chúa vào Bãi đậu xe, Khu vực xung quanh thang máy, sân các chùa Tam Thai và Linh Ứng, chiếu sáng cổng chùa Tam Thai, cửa động và bên trong động Huyền Không.

Một khi dự án hoàn thành - ông Lê Quang Tươi, Trưởng ban Quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn kỳ vọng, sẽ có nhiều khách hành hương đến với khu vực phía Đông khu danh thắng, nơi tập trung những chùa chiền, hang động làm nên những truyền thuyết nổi tiếng của Ngũ Hành Sơn.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.