.

Trung thu vui thiệt là vui

.

Ở thành phố, Trung thu rất rộn ràng. Hồi còn ở Sài Gòn cứ chiều chiều đi làm về dừng xe đoạn ngã tư Hàng Xanh, rồi dịch sát đó là Bạch Đằng coi múa lân Tết Trung thu. Mới đầu tháng Tám âm lịch, phố phường đã rộn ràng không khí Trung thu, kéo dài suốt cho đến ngày rằm.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Những con lân dài thiệt dài, chục người múa máy có. Những con lân ngắn ngủn, hai người múa máy có. Chúng cứ phóc lên phóc xuống, vồ tới vồ lui, chớp nhả chớp nhả, dán mắt coi, vừa thinh thích vừa sợ sợ. Những đội múa lân thường là thanh-thiếu niên, khua chiêng trống tưng bừng. Khí thế tưng bừng. Những không gian hoành tráng rộng rãi như tiệm vàng, nhà hàng, ngân hàng chúng múa lâu lắc lâu lơ, điệu nghệ hết sức, đẹp mắt và ngoạn mục.

Phố phường nơi nơi trang hoàng nhiều thứ chào đón Trung thu. Có lẽ thứ tồn tại lâu nhất suốt chiều dài Tết Trung thu là những hàng bán bánh. Mới tháng Bảy đã mọc lên từng sạp bánh bên đường, giá đắt đỏ. Rồi qua mùa Tết, đại hạ giá, cũng hộp bánh đó mua một được tặng một, có cả mua một tặng ba, bán tháo bán đổ y chang nông sản một khi mất giá.

Lồng đèn. Đỏ. Đẹp. Lộng lẫy. Không khí làm con người ta mơ màng đến Trung thu, ấy là khi vào đêm những ánh đèn phố xá một bên, những ánh đèn Trung thu lung linh một bên.

Mấy đứa dãy trọ tụ nhau lại trước một bãi đất trống trải, đốt lửa ngắm trăng nhìn sao dòm trời. Con trai đi kiếm củi con gái nấu nướng. Đàn hát kể chuyện suốt đêm. Vui vui.

Đêm Trung thu con bé Nga nấu chè. Nó mới vào năm nhất lon ton lăng xăng hết mình cốt lấy lòng các anh chị. Nó nấu chè ngon đáo để. Chè đậu đen từ thuở cha sanh mẹ đẻ ăn hết bao nhiêu nồi chè, chỉ thấy nồi chè con bé Nga nấu ngọt nhất. Nó hì hụi mãi, khi mọi người hân hoan nói nói cười cười tay trong tay chén chè nó mệt lừ không nuốt nổi ngồi cười hì hì.

Thời cấp ba, cấp hai, Tết Trung thu vẫn là một đặc sản. Khó quên. Ở trường, ngày này thầy cô tổ chức những buổi tiệc linh đình, ăn bánh ngọt và uống nước ngọt. Hồi đó không biết bánh Trung thu là thứ chi, chỉ thấy thứ bánh cung đình hảo hạng quảng cáo trên ti-vi mà thầm ước có một miếng cắn phát cho biết mùi. Không rõ hương vị sẽ ngon đến đâu.

Đến khi ở Sài Gòn, đi làm có tiền, tối Trung thu về phòng trọ cả phòng im lìm lạnh ngắt chẳng có một không khí gì gọi là. Chạy ra đầu hẻm mua liền một lô bánh. Anh em được bữa thỏa thuê, mới quên đi cái chi tiết khôn nguôi trên màn ảnh. Chao ôi!

Trung thu vui nhất đáng nhớ nhất là thời niên thiếu. Ai ai cũng vậy. Trung thu hoành tráng là khi chơi đèn ông sao. Đèn ông sao năm cánh tròn tròn bự bằng cái bánh tráng, có cái nến nhỏ nhỏ núp ở bên trong. Đêm, trên trời ông trăng sáng tỏa, dưới cánh đồng một bầy trẻ thơ tung tăng tung tẩy những ông sao xanh đỏ tím vàng.

Trung thu khi ấy thật hoan hỉ, khi nhận được những túi quà nho nhỏ. Là những túi kẹo, vô số loại kẹo hình thù ngộ nghĩnh đáng yêu. Nhìn mãi cho thiệt đã rồi mới từ từ ngậm. Từ từ cảm nhận. Thật tình mà nói ngon bội phần cái bánh quảng cáo trên ti-vi kia.

Trung thu khi ấy, chẳng đêm nào thấy ông trăng đẹp bằng đêm Trung thu. Ông trăng sao mà tròn vo, gần xịt, tưởng chừng với tay là đụng. Thấy cả chú Cuội ngồi gốc cây đa. Thấy cả chị Hằng thướt tha làn tóc. Ôi, thế giới hai người sao mà mộc mạc thế, đẹp thế. Nhiều khi thầm ước được một lần đặt chân đến thế giới ông trăng. Ở đó ta tha hồ nhìn ngắm vạn vật, hành tinh xanh xanh. Ta mỉm cười cùng các tâm hồn bé thơ nô đùa trên cánh đồng trụi trơ gốc rạ.

Và, có những người đi qua bao năm tháng vẫn còn mãi Tết Trung thu hồn nhiên trong trẻo ấy. Hơn hai chục năm rồi vẫn cứ là Trung thu đầu. Đó là đứa em. Đứa em út. Đứa em gái. Chẳng biết vì lẽ gì, khi thể xác lớn lên như người, tâm hồn em dừng lại ở mức trẻ thơ ấy. Năm nào cũng thế, năm nào cũng có người mang quà Trung thu đến nhà cho em. Người ta chúc. Chúc bé Thiện năm nay có một mùa Trung thu vui thiệt là vui nghe.

NGÔ THUẬN

;
.
.
.
.
.