.

Chủ động ứng phó

.

Nằm giữa “khúc ruột” miền Trung, mỗi năm hứng chịu nhiều cơn bão, lũ, nên chuyện người dân Đà Nẵng phải sống chung với thiên tai không còn xa lạ. Từ chuyện những ngôi nhà vùng rốn lũ bao giờ cũng có gác mái để lương thực khi lũ về, mái nhà chằng chống làm sao để chịu được gió bão, đến chuyện tích trữ lương thực, nước uống…

Xây dựng nhà cửa kiên cố, có gác đổ bê-tông là cách để bà con thôn Trường Định chống chọi với bão, lũ. Ảnh: Q.T
Xây dựng nhà cửa kiên cố, có gác đổ bê-tông là cách để bà con thôn Trường Định chống chọi với bão, lũ. Ảnh: Q.T

Kinh nghiệm của vùng “rốn” lũ

Nằm ở địa hình thấp trũng có dòng sông Cu Đê chảy qua nên xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) là vùng rốn lũ. Đặc biệt, thôn Trường Định với 2 bên là núi, giữa là sông nên mỗi mùa bão về, lũ xuống là xuất hiện lũ quét, không ghe thuyền nào đi lại được, biến nơi đây thành thung lũng, cô lập với bên ngoài. Việc chủ động ứng phó và thực hiện các biện pháp để “sống chung” với bão, lũ là thói quen bao năm nay của người dân địa phương.

Theo ông Võ Văn Thành, Trưởng thôn Trường Định, người dân của thôn bao đời nay sống ở vùng thấp trũng nên luôn có sự chuẩn bị tốt, lập nhiều phương án dự phòng để sẵn sàng ứng phó với bão, lũ. Tùy mức độ mạnh hay yếu của bão mà triển khai sơ tán dân, các hộ có người già, trẻ nhỏ, neo đơn phải đưa đến nhà tránh bão 100%. Thôn Trường Định đã được chính quyền xây dựng nhà chống bão rất kiên cố cao 3 tầng, rộng 200m2 vào năm 2010. Người dân tự chuẩn bị nhu yếu phẩm trong vòng 10-15 ngày. Tất cả gia súc, gia cầm được đưa vào núi trú bão, tài sản có giá trị được đưa lên gác cao. “Khi có bão, mưa to thì lũ từ thượng nguồn đổ về rất nhanh. Người và tài sản ở đây rất dễ bị cuốn trôi. Từ bài học các năm trước, những năm gần đây, nhờ có sự chuẩn bị chu đáo các phương án nên địa phương không có thiệt hại về người. Người dân luôn có truyền thống tương thân, tương ái, hỗ trợ lẫn nhau”, ông Thành nói.

Rút kinh nghiệm từ những trận lũ năm 2013 (sau bão Nari và Haiyan), đa số người dân tại xã Hòa Liên đã thực hiện nhiều biện pháp phòng tránh bão, lũ hiệu quả, trong đó, có việc xây nhà kiên cố. Theo thống kê của UBND xã Hòa Liên, từ năm 2010 đến nay, xã giải tỏa trắng những khu vực ngập trũng như Quan Nam 1, Quan Nam 2, Quan Nam 3, Quan Nam 5 và Quan Nam 6. Số tiền đền bù đủ để người dân đến khu vực tái định cư xây dựng nhà cửa kiên cố, có gác đổ bê-tông để “chống chọi” với bão. Cơn bão số 9 lịch sử năm 2009 (được đánh giá mạnh hơn cả bão Xangsane) khiến Hòa Liên thiệt hại nặng nề với 56 nhà sập, 225 nhà tốc mái hoàn toàn. Chính vì thế, hiện nay, dù một số nhà dân trên địa bàn được xây tầng gác (đã lâu năm), nhưng khi nghe báo bão, bà con cũng chủ động đến tránh trú tại trụ sở UBND xã, trường học, nhà tránh bão…

Ông  Nguyễn Thơ (thôn Quan Nam 1), đúc kết: “Nhà tôi đang ở, tuy 3 tầng nhưng được xây dựng cách đây hơn 10 năm. Khu vực này lại thường xuyên ngập nước, nên móng nhà không còn vững chắc, tường bị nứt rãnh. Do đó, mỗi mùa bão đến, tôi đều vận động con cháu thu dọn đồ đạc đi trú tránh. Mình phải chủ động trước thì mới mong giữ được tính mạng, tài sản”.

Còn ông Lê Thanh Liêu (thôn Trường Định) cho biết: Mỗi đợt lũ về thôn thường rất lớn, nước dâng cao ngập lút tầng trệt, ngồi trên gác đưa chân xuống là đụng nước nên nhà nào cũng phải tích trữ lúa gạo vào nơi an toàn và chuẩn bị những vật dụng cần thiết như đèn, dầu, phao cứu sinh… để không bị động. Nhiều nhà ở thôn Trường Định vốn xây cao hơn mặt đường, nhưng vào những năm bão về, nhiều trận lụt đạt “kỷ lục” nên người dân lại đôn nền nhà thêm vài phân, nên hiện nay đa số nhà dân ở đây đều cao hơn mặt đường.

Chung tay phòng, chống

Từ cơn bão Xangsane năm 2006 đến Nari, Haiyan (năm 2013)… người dân Đà Nẵng đã thấm thía nỗi lo mùa bão về như thế nào. Những khu vực sát biển như các phường Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê), Mân Thái, Thọ Quang (quận Sơn Trà), người dân đều có kinh nghiệm để ứng phó với bão. Khi nghe thông tin báo bão, hầu hết người dân đã không còn chủ quan mà lập tức gia cố nhà cửa bằng bao cát, cọc gỗ, dây thừng (nếu nhà mái tôn). Chủ động chặt cây, tỉa cành cây cối trước hiên nhà phòng ngã đổ. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị những nhu yếu phẩm trong vài ngày là điều không thể thiếu.

Anh Võ Xuân Tịnh (đường Châu Thị Vĩnh Tế, quận Ngũ Hành Sơn) nhớ lại, khi nghe đài thông báo cơn bão Haiyan mạnh nhất trong vòng 40 năm qua sắp đổ bộ Đà Nẵng, anh lập tức đi mua cây gỗ, dây thép về nịt cửa, đi kiếm cát về đổ đầy bao tời chằng lại mái tôn. Mẹ anh thì tức tốc ra chợ mua gạo, mắm muối, cá khô, thùng mì tôm để sẵn. Không khí chuẩn bị trước bão vô cùng khẩn trương và hồi hộp. Cũng chuẩn bị tương đối đầy đủ như anh Tịnh, nhưng nhà anh Chí Dũng (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) còn cẩn thận hơn khi bơm nước đầy bồn để dùng phòng trường hợp cúp điện. Anh cũng kiểm tra các thiết bị điện, bình gas xem còn đủ dùng không, nếu còn ít cũng phải thay bình mới…

Có ra chợ những ngày bão mới thấy không khí chuẩn bị đón bão của người dân nhộn nhịp và khẩn trương như thế nào. Còn nhớ, trước cơn bão Nari, những tiệm bán đồ nhựa (thùng, xô, chậu) ở chợ Đầu mối Hòa Cường không còn một cái xô để bán. Tại các tiệm tạp hóa, nguyên liệu được mua nhiều nhất là mì tôm và các thực phẩm công nghiệp như cá hộp, xúc xích, sữa…

Nhiều năm qua, trước mỗi mùa bão lũ, cán bộ của ban phòng chống lụt bão quận, huyện đều về địa phương tập huấn các phương án cứu hộ, cứu nạn, kỹ năng ứng phó với bão lụt. Mỗi thôn, phường sẽ cử đại diện đi tập huấn, sau đó về tuyên truyền, phổ biến lại các cách thức ứng phó cho người dân. Ngân hàng Thế giới thông qua Dự án Quản lý Thiên tai WB5, ngoài hỗ trợ tập huấn cho các địa phương còn tài trợ ghe thuyền, áo phao, phao cứu sinh… cho nhiều địa phương trên địa bàn Đà Nẵng.  Nhờ đó, việc ứng phó với thiên tai không phải là việc của riêng cá nhân nào mà là sự phối hợp chặt chẽ giữa người dân và chính quyền, giúp bà con có nhiều kinh nghiệm hơn để giảm những thiệt hại nặng nề mà bão, lũ gây ra...

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.