.

Chuyện cứu nạn

.

Vượt qua bão, lũ, những “người lính cụ Hồ” thời bình sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ cứu giúp đồng bào vượt qua nguy hiểm, trong những cơn cuồng nộ của thiên tai.

Dân quân giúp dân kéo tàu, thuyền trú bão.
Dân quân giúp dân kéo tàu, thuyền trú bão.

Không chút đắn đo

Lúc 18 giờ 30 phút ngày 5-1-2013, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố nhận được tin báo, tàu Phú Hải Long 16 (trọng tải 1.000 tấn) thuộc Công ty Phú Hải Long, tỉnh Thái Bình trên hành trình chở than từ Ninh Bình đi Đồng Nai thì bị hỏng máy, gãy bánh lái, mất neo trôi dạt tại tọa độ 16056N-1070 32 E (thuộc vùng biển Quảng Trị).

Ngay lập tức, một đội gồm 2 tàu cứu hộ cùng 15 cán bộ, chiến sĩ của Hải đội 2 BĐBP được điều động lên đường. Đến 3 giờ 30 phút ngày 6-1 tàu của Hải đội 2 tiếp cận được với tàu bị nạn. Mưa to, gió lớn (cấp 7), trời  tối, phải sau gần hơn 2 giờ đồng hồ mới cập được mạn và lai dắt tàu Phú Hải Long 16. Trong khi đang kéo tàu Phú Hải Long 16 về cảng Đà Nẵng, đến tọa độ 16017N- 108011E (thuộc vùng biển Đà Nẵng) thì tiếp tục gặp tàu Phú Hải Long 15 bị gãy trục láp, không hoạt động được và đang trôi dạt trên biển. Đơn vị đã tổ chức lai dắt, đến 22 giờ 30 phút cùng ngày, 2 tàu của Hải đội 2 BĐBP thành phố đã đưa được 2 tàu và 7 thuyền viên về cảng Đà Nẵng an toàn.

“Lúc chúng tôi đến, tàu gặp nạn đang trong tình trạng rê ngang, chao đảo, các thuyền viên mắt trũng sâu, hoảng hốt”, Trung tá Phạm Đình Tân, Hải đội phó Hải đội 2, kiêm thuyền trưởng trực tiếp chỉ huy đội cứu hộ 2 tàu Phú Hải Long năm 2013 kể lại. Theo nguyên tắc, với những nhiệm vụ bất ngờ, lắm rủi ro, người nhận lệnh có quyền từ chối nếu cảm thấy “không đủ sức”, nhưng Trung tá Tân và các đồng đội đã không phút do dự, tức tốc đi cứu người. “Lúc đó chúng tôi không còn thời gian để đắn đo. Người lính không có thói quen từ chối nhiệm vụ. Đặc biệt, kinh nghiệm sau nhiều chuyến tuần tra trên biển khiến tôi tin rằng chúng tôi sẽ làm được”, Trung tá Tân nói.

Hải đội 2 BĐBP thành phố là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất của Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố. Theo Chính trị viên Hải đội 2 Nguyễn Văn Qua, không dễ để thống kê đầy đủ những câu chuyện cứu hộ, cứu nạn mà các cán bộ, chiến sĩ Hải đội đã trực tiếp thực hiện. Như bản thân Trung tá Tân, nếu không dựa vào báo cáo của đơn vị, anh cũng không nhớ rõ việc anh cùng đồng đội dìu 2 tàu Phú Hải Long vào bờ xảy ra năm nào.

Lướt qua bản tổng hợp về công tác cứu hộ, cứu nạn dày đặc của đơn vị, chúng tôi chỉ kịp ghi lại những con số khá ấn tượng như trong cơn bão số 3, số 9, năm 2010, đơn vị triển khai 4 lượt tàu, 48 lượt cán bộ, chiến sĩ cứu thành công 3 phương tiện (tàu ĐNa 90028, ĐNa 90051 và 61406) cùng 30 ngư dân bị nạn trên biển; năm 2011, tiếp tục kéo được 2 phương tiện và 18 ngư dân bị nạn về nơi an toàn; năm 2012, xuất kích 12 lượt tàu, 84 lượt cán bộ, chiến sĩ cứu 3 tàu, 33 ngư dân; năm 2013, cứu 2 tàu Phú Hải Long, cứu 1 tàu cá, 10 ngư dân về nơi an toàn; năm 2014, cứu 2 ngư dân bị chìm trên sông Hàn…

Thượng tá Trần Công Thành, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố cho biết, đơn vị được giao chủ trì bảo đảm giao thông trên sông Hàn (từ cầu Trần Thị Lý đến cầu Thuận Phước), trên vịnh và biển, trong đó có công tác cứu hộ, cứu nạn trong thiên tai. Hiện đơn vị có 8 tàu, 17 xuồng cứu nạn thường xuyên túc trực cứu nạn trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.

Đài thông tin biển hoạt động liên tục giúp đơn vị nắm tình hình ngư dân hoạt động trên sông trên biển, có thông tin bất thường sẽ kịp thời ra ứng cứu. Từ con người đến phương tiện cứu hộ, cứu nạn ngày càng chuyên nghiệp, cơ động, sẵn sàng cứu nạn 24/24 giờ. Tính riêng trong hai năm 2014, 2015, BĐBP đã tổ chức 7.015 phiên liên lạc, 31.370 phương tiện, cùng hàng trăm lượt chiến sĩ tham gia cứu nạn trên vịnh, trên biển... Mỗi năm, thường có 3 đợt diễn tập (tháng 3, tháng 5, tháng 7) về cứu nạn, mỗi đợt thu hút 200-300 cán bộ, chiến sĩ tham gia.

Cứu trợ ngày lụt.(Ảnh: Do Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố cung cấp)
Cứu trợ ngày lụt.(Ảnh: Do Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố cung cấp)

Mệnh lệnh giữa thời bình

Công tác cứu hộ, cứu nạn không chỉ cần kíp trên sông, trên biển, những bất trắc người dân trên đất liền phải đối mặt trong những mùa bão, lũ cũng nguy hiểm không kém, rất cần sự hỗ trợ, ứng cứu kịp thời của những người lính cụ Hồ thời bình. Trọng trách chủ trì, phối hợp ứng phó, tìm kiếm cứu nạn trên đất liền, hỗ trợ lực lượng cho các địa phương, tổ chức trực chiến, ứng cứu khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai thuộc về Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) thành phố và các đơn vị trực thuộc. Trước mỗi mùa mưa bão, BCHQS thành phố tổ chức ký kết hiệp đồng phối hợp lực lượng ứng phó thiên tai, bão, lũ với các địa phương, đơn vị, các lực lượng vũ trang của Quân khu 5 đứng chân trên địa bàn thành phố.

Theo lời giới thiệu của Đại tá Phan Công Hiền,  Phó Chỉ huy trưởng Tham mưu trưởng BCHQS thành phố, chúng tôi tìm đến Ban CHQS huyện Hòa Vang – một trong những đơn vị có thành tích đáng ghi nhận trong công tác cứu hộ, cứu nạn người dân trên địa bàn. Đứng chân trong vùng lũ trọng điểm của thành phố Đà Nẵng, đơn vị luôn là lực lượng tại chỗ, xung kích trên “mặt trận” phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Theo Chính trị viên Ban CHQS huyện Hòa Vang Nguyễn Kết, các cán bộ, chiến sĩ tại đây luôn coi cứu dân là “mệnh lệnh”.

Chẳng hạn, trong một đêm cuối năm 2013, nhận được tin báo gia đình một cụ ông đang bị ốm ở thôn Cẩm Toại Đông (xã Hoà Phong) bị lũ cô lập, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Ban CHQS huyện lập tức điều động 5 cán bộ, chiến sĩ cùng ca-nô ứng cứu. Khó nhất là phải điều khiển ca-nô len lỏi qua các cọc rào, dây điện chằng chịt đi vào các ngõ trong xóm. Khi chiếc ca-nô tới nơi thì ngôi nhà cấp 4 của ông cụ nước đã ngập lên đến cửa sổ, cụ đã được người thân duy nhất có mặt ở đó đưa lên gác xép. Khoảng nửa giờ đồng hồ vật lộn với lũ dữ, công việc cứu hộ đã thành công. “Thật khó để diễn tả niềm hạnh phúc khi cứu được người dân vượt qua cơn nguy hiểm. Nhất là khi đó lại là những người già, trẻ em yếu đuối”, Trung úy Phan Đức Chung - người đã cùng 4 chiến sĩ giải cứu cụ ông bị ốm khỏi nước lũ, đưa cụ đến bệnh viện an toàn, bày tỏ.

Theo Đại tá Phan Công Hiền, những hành động dũng cảm cứu dân vượt lũ chỉ là một trong rất nhiều những cống hiến, hy sinh vì dân, vì nước của lực lượng vũ trang, biên phòng, dân quân… và nhiều người “anh hùng thầm lặng” khác đã làm ấm lòng biết bao người dân trong hoạn nạn. Với họ, đó là niềm thôi thúc, một quân lệnh từ trái tim!

Theo tổng hợp của Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (trên đất liền) từ năm 2013-2016 đã huy động tổng lực 16.461 người, trong đó Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố 12.016 người, đơn vị hợp đồng 3.757 người, lực lượng khác 688 người; 255 phương tiện, trong đó, Bộ Chỉ huy Quân sự 57 phương tiện, còn lại là phương tiện của đơn vị hợp đồng và các lực lượng khác; kết quả di dời được 47.102 hộ dân với 184.056 nhân khẩu…

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.