.

Doanh nghiệp đồng hành

.

Mỗi cuộc thi Tin học trẻ đều có bóng dáng những doanh nghiệp đồng hành. Sự hỗ trợ của họ không dừng lại ở việc tài trợ kinh phí, mà còn nghiêng về định hướng giáo dục, tư vấn và theo sát những học sinh có thực tài về tin học cũng như trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Đại diện Trường ĐH Duy Tân trao giải thưởng cho thí sinh đoạt giải tại Hội thi Tin học trẻ Đà Nẵng lần thứ 19. Ảnh: T.Y
Đại diện Trường ĐH Duy Tân trao giải thưởng cho thí sinh đoạt giải tại Hội thi Tin học trẻ Đà Nẵng lần thứ 19. Ảnh: T.Y

Hỗ trợ bồi dưỡng thí sinh

Có mặt cùng đội tuyển Tin học trẻ Đà Nẵng tham dự Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 22 tổ chức tại Bình Định hồi tháng 8, ông Nguyễn Khánh, Trưởng phòng Quản lý Tổ chức Đào tạo, Cao đẳng Thực hành FPT Polytechnic Đà Nẵng không giấu được niềm vui trước thông tin đội nhà đoạt giải nhất toàn đoàn, 100% thí sinh tham gia mang về giải thưởng. Ông Khánh nói không vui sao được khi trước đó - sau Hội thi Tin học trẻ thành phố lần thứ 19 - Trường Cao đẳng Thực hành FPT Polytechnic nhận nhiệm vụ hướng dẫn 5 phần mềm sáng tạo và cả 5 phần mềm này đều lọt vào danh sách 15 phần mềm tham dự vòng chung kết “Hội thi Tin học trẻ toàn quốc 2016”, giúp Đà Nẵng trở thành đơn vị có số lượng bài thi lọt vào chung kết nhiều nhất.

Đồng hành Hội thi Tin học trẻ thành phố hơn 10 năm nay, ngoài vai trò Ban giám khảo cũng như bồi dưỡng thí sinh đạt thành tích cao tham gia “Hội thi Tin học trẻ toàn quốc”, FPT đã tiếp nhận một số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi trước đây vào làm việc, tạo điều kiện cho các em có cơ hội tỏa sáng trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT). Ông Lê Văn Duẫn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thực hành FPT Polytechnic đánh giá, các phần mềm sáng tạo của thí sinh năm nay có chất lượng khá tốt và tương đối đồng đều. Nhiều em nắm vững công nghệ, biết vận dụng kỹ thuật để đầu tư, xây dựng sản phẩm của mình.

Hội thi Tin học trẻ Đà Nẵng lần thứ 19 đánh dấu lần đầu tiên Ban Tổ chức tổ chức hầu hết nội dung thi đấu, chấm chọn tại Trường ĐH Duy Tân. Để cuộc thi diễn ra thông suốt, nhà trường đã bố trí 7 phòng thi được trang bị hệ thống máy tính cấu hình cao, đường truyền Internet ổn định. Bên cạnh đó, nhiều phòng học rộng rãi được trưng dụng, có hệ thống máy chiếu hỗ trợ cho phần thi thuyết trình của thí sinh. Theo quan sát của chúng tôi, trong suốt 2 ngày diễn ra Hội thi Tin học trẻ, đội ngũ kỹ thuật viên của Trường ĐH Duy Tân đã luôn túc trực, hướng dẫn và nhanh chóng hỗ trợ các vấn đề kỹ thuật liên quan đến máy móc, trang thiết bị để thí sinh yên tâm trình bày những phần thi đã chuẩn bị trước đó.

Ngoài hỗ trợ về cơ sở vật chất, đến nay, qua các Hội thi Tin học trẻ, Trường ĐH Duy Tân đã nhiều lần trao phần thưởng cho thí sinh với tổng giá trị gần 50 triệu đồng. Ông Lê Công Cơ, Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân cho biết thời gian tới nhà trường cam kết hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và kỹ năng cho những tài năng tin học trẻ. Những thí sinh tham gia các Hội thi Tin học trẻ, dù đạt giải hay không cũng là những nhân tố, hạt mầm tốt cho nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT sau này.

Giữ vai trò động viên, khuyến khích

Sự đồng hành của các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động thành công trong lĩnh vực CNTT như FPT Polytechnic, Công ty Cổ phần Softech, Viễn thông Đà Nẵng… giúp các thí sinh ngày càng tự tin thể hiện tài năng. Ngô Tiểu My, chủ nhân phần mềm sáng tạo “Cẩm nang Y tế học đường” đạt giải nhì Hội thi Tin học trẻ toàn quốc 2016 cho biết, em đến với hội thi bằng tình yêu với bộ môn tin học. Từ khi có ý định tham gia hội thi, My trình bày ý tưởng của mình và được thầy cô trong trường tiếp sức, định hướng để phần mềm ngày một hoàn thiện. Không chỉ vậy, từ những nhận xét của các đại diện doanh nghiệp – trong vai trò Ban Giám khảo – My cảm nhận rõ hơn ý nghĩa, mục đích phần mềm mình dày công vun vén. Đồng thời, khơi dậy trong em mong muốn “thực tiễn hóa” phần mềm để ứng dụng vào các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.

Chất lượng Hội thi Tin học trẻ Đà Nẵng ngày càng ổn định về nội dung và chất lượng là lý do chính để các doanh nghiệp tiếp tục song hành, hỗ trợ Ban Tổ chức triển khai hội thi. Đơn cử, suốt 19 năm qua, Viễn thông Đà Nẵng giữ vai trò đồng sáng lập, tài trợ giải thưởng cũng như hỗ trợ bồi dưỡng thí sinh tham gia các giải đấu. Là đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực viễn thông – CNTT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, VNPT Đà Nẵng nhận trách nhiệm đầu tư và phát triển các tài năng trẻ, góp phần xây dựng nguồn nhân lực CNTT chất lượng cho thành phố. Đồng thời, đơn vị này cũng luôn theo dõi và sẵn sàng tuyển dụng, tài trợ các tài năng tin học trẻ. Phó Giám đốc phụ trách CNTT, Viễn thông Đà Nẵng Nguyễn Nho Túy cho biết năm 2016, VNPT Đà Nẵng đã phối hợp, trợ giúp 1 đề tài nghiên cứu khoa học dự thi “Nhân tài đất Việt 2016” và vẫn đang tìm kiếm, chờ đợi nhiều hơn nữa những đề tài mang tính ứng dụng thực tiễn để cùng hợp tác nghiên cứu, phát triển.

Theo VNPT Đà Nẵng, chất lượng thí sinh không ngừng tăng, nhất là việc ứng dụng ngôn ngữ, công cụ lập trình phần mềm sáng tạo. Thêm vào đó, kỹ năng trình bày của thí sinh tiến bộ qua từng năm, khả năng nắm bắt câu hỏi, trả lời câu hỏi, giải quyết trọng tâm vấn đề được thí sinh làm tốt hơn, sáng tạo hơn nhờ kiến thức tổng hợp CNTT được nâng tầm qua các kỳ thi cơ sở, các hoạt động bồi dưỡng, giảng dạy tin học trong nhà trường và đặc biệt là việc tự học, tìm tòi nghiên cứu kiến thức thông qua mạng Internet của thí sinh.

Song song với công tác hỗ trợ, doanh nghiệp cũng chính là kênh nhận xét khách quan nhất về chất lượng đào tạo tin học trong nhà trường hiện nay. Theo ông Nguyễn Nho Túy, trong điều kiện phân phối chương trình, sách giáo khoa, máy tính và thiết bị như hiện nay, việc giảng dạy Tin học trong nhà trường cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Tuy nhiên, cần lược bỏ những nội dung quá sâu, quá đơn giản để chú trọng giảng dạy thêm về kiến thức cơ bản như kỹ năng an toàn bảo mật dữ liệu máy tính, kỹ năng tự bảo vệ mình trước dư luận (khi tham gia mạng xã hội), phòng tránh thông tin độc hại từ Internet... Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng đào tạo tin học tại các trường đại học, cao đẳng, nhiều năm qua VNPT Đà Nẵng luôn đồng hành trong công tác đào tạo nghiệp vụ, thông qua việc các em tự nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới vào bài học, đề tài của mình trên lớp. Đặc biệt, gần đây các sinh viên đã bắt đầu tiếp cận cách lập trình và xây dựng các hệ thống Nhúng, đây là xu hướng tích cực, tiếp cận đúng và sát với thực tế hiện nay trên thị trường trong nước và thế giới.

Có thể nói, thành tích cao của đội Đà Nẵng tại các kỳ thi Tin học trẻ toàn quốc là nguồn động viên tinh thần lớn nhất với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT. Sự đồng hành của họ, không chỉ có giá trị về mặt vật chất, tinh thần, mà còn góp phần trực tiếp (hoặc gián tiếp) gầy dựng đội ngũ CNTT giỏi trong tương lai.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.