.

Mong các em không ngừng nỗ lực

.

Bằng sự tận tâm, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài địa phương đã luôn đồng hành cùng Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho học sinh nghèo vượt khó với niềm hy vọng các em sẽ luôn nỗ lực, cố gắng học tập tốt nhằm thay đổi tư duy, ổn định cuộc sống.

 Nguồn học bổng từ ngành ngân hàng giúp nhiều học sinh quyết tâm theo đuổi  con đường học vấn.
Nguồn học bổng từ ngành ngân hàng giúp nhiều học sinh quyết tâm theo đuổi con đường học vấn.

Cái tâm của người lãnh đạo

Giải thưởng Khuyến tài (KT) Huỳnh Thúc Kháng ra đời 18 năm thì có 12 năm ông Nguyễn Quốc Định, Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm ngược xuôi đi - về giữa Đồng Tháp và Đà Nẵng, tận tay trao tặng phần quà ý nghĩa mà công ty dành cho những học sinh Đà Nẵng đạt kết quả học tập xuất sắc, toàn diện. Mới đây, ngày 6-8, có mặt tại Đà Nẵng để dự Lễ trao giải KT Huỳnh Thúc Kháng lần thứ 18, ông Định xúc động nói với 43 học sinh vinh dự nhận được giải thưởng lần này: “Thời học sinh với nhiều thiếu sót và “được” mắc sai lầm của tôi đã cách xa các bạn gần 4 thập kỷ. Giờ đây, các bạn sẽ nhanh chóng phát hiện ra rằng có rất nhiều điều trong cuộc sống mà trường học đã không dạy mà đòi hỏi các bạn phải trả giá nhằm rút ra cho mình một bài học để trưởng thành. Điều ấy bắt buộc mọi người không ngừng học hỏi, thích nghi liên tục với những thay đổi trong cuộc sống. Nếu trong phút giây nào đó bạn ngừng lại và thỏa mãn, bạn sẽ ngay lập tức bị bỏ lại phía sau. Tôi mong muốn mọi học sinh biết nắm bắt các cơ hội, biết tư duy độc lập, không sợ thất bại và dám nghĩ lớn. Và hãy nhớ luôn giữ vững niềm tin, cho dù phải sống trong một thời đại mà niềm tin dễ bị xói mòn”.

Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo tỉnh Đồng Tháp, ông Định chia sẻ việc ông gắn bó với học sinh Đà Nẵng là một cơ duyên. Nhiều năm trước, sau chuyến đi Đà Nẵng đốc thúc công chuyện làm ăn, ông Định biết đến Giải thưởng KT Huỳnh Thúc Kháng và nhanh chóng “phải lòng” tính nhân văn cũng như ý nghĩa của giải thưởng này. Đến năm học 2004 - 2005, khi Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng thống nhất lấy Giải thưởng KT Huỳnh Thúc Kháng là giải thưởng đặc biệt của Hội Khuyến học và ngành giáo dục thành phố thì ông Định cũng đặt bút ký cam kết tài trợ dài hạn cho giải thưởng này.  

Những năm đầu thành lập Giải thưởng KT Huỳnh Thúc Kháng, do kinh phí còn hạn hẹp cộng với yêu cầu cao về thành tích học tập, đạo đức, cuối mỗi năm học chỉ có chưa đến 10 em đứng lên bục nhận giải nhưng cũng đã tạo được không khí thi đua học tập cả khu vực nội thành lẫn vùng nông thôn và các xã miền núi. Theo thời gian, cùng với sự lớn mạnh và ổn định về nguồn lực tài chính, Giải thưởng KT Huỳnh Thúc Kháng trở thành giải thưởng uy tín của phong trào khuyến học thành phố Đà Nẵng.

Ngoài Giải thưởng KT Huỳnh Thúc Kháng có sự đóng góp công sức không nhỏ từ ông Nguyễn Quốc Định, thì ở Đà Nẵng, chương trình học bổng ngành ngân hàng cũng được đánh giá là mô hình khuyến học đầy ắp tính nhân văn. Phó Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Huỳnh Phước nói nhiều năm gắn bó với công tác khuyến học, khuyến tài, ông nhận thấy một bộ phận không nhỏ học sinh nghèo không đủ điều kiện đến trường. Khi Đà Nẵng trở thành đô thị phát triển, nhiều tổ chức phi chính phủ đã cắt giảm nguồn tài trợ cho quỹ học bổng, dẫn đến công tác Hội gặp không ít khó khăn. Ông đem câu chuyện này chia sẻ với ông Huỳnh Văn Hoa, lúc đó là Bí thư Đảng ủy khối Các cơ quan, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và được ông Hoa đồng tình, sẵn sàng trợ giúp triển khai chương trình.

Đơn vị đầu tiên Hội Khuyến học hướng đến là hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố. Khi ấy, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng đã nhiệt thành tham gia. Chỉ sau một tuần, ông Minh đã khởi xướng, làm cầu nối cho Hội Khuyến học thành phố với các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính trên địa bàn, xây dựng “Chương trình học bổng ngành ngân hàng”, chia sẻ gánh nặng để trẻ em nghèo vững bước đến trường. Gần 5 năm kể từ ngày khởi xướng Chương trình học bổng ngành ngân hàng, các ngân hàng đã huy động và tài trợ cho 1.500 học sinh nghèo vượt khó với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Trong đó, đóng góp nhiều nhất thuộc về Ngân hàng TMCP Kiên Long, Ngân hàng TMCP Đông Á, Quỹ Thời báo Kinh tế Sài Gòn - ACB, Eximbank, PG Bank, Sacombank, BIDV… Riêng cán bộ, nhân viên Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng góp vào quỹ học bổng gần 40 triệu đồng, trích từ nguồn thu nhập hằng tháng.

Đến nay, mô hình khuyến học của ngành ngân hàng trở thành mô hình duy nhất, xuất phát từ tấm lòng thương yêu đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, được người dân đánh giá cao. Cùng với sự tận tụy và hết lòng vì phong trào khuyến học, ông Võ Minh được tôn vinh là một trong 85 điển hình dân vận khéo tiêu biểu trong hệ thống chính trị tại thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2010 - 2015.

Ông Nguyễn Quốc Định, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm phát biểu tại lễ trao Giải thưởng KT Huỳnh Thúc Kháng.(Ảnh Hội Khuyến học cung cấp)
Ông Nguyễn Quốc Định, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm phát biểu tại lễ trao Giải thưởng KT Huỳnh Thúc Kháng. (Ảnh Hội Khuyến học cung cấp)

Doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành

Từ 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm Hội Khuyến học Đà Nẵng huy động được 15 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp trong và ngoài nước đóng góp khoảng 10%, điển hình như Imexpharm, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, Tổng Công ty Công trình giao thông 5, Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79, Công ty Bảo hiểm Prudential… Đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục đồng hành, gắn bó thủy chung với Hội Khuyến học thành phố, xem công tác chăm lo, giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học là một trong những sứ mệnh xã hội cao cả của đơn vị.

Ông Thân Hóa, Giám đốc Công ty CP Xây dựng 545 (CECO 545) chia sẻ, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty bao giờ cũng đi đôi với trách nhiệm xã hội; trong đó, khuyến học khuyến tài là một nội dung được công ty thường xuyên quan tâm thực hiện. Hằng năm, công ty tổ chức nhiều đợt trao tặng quà có giá trị hàng trăm triệu đồng cho học sinh nghèo trong và ngoài thành phố. Đồng thời, công ty cũng trao tặng nhiều suất học bổng, phần thưởng cho học sinh vượt khó học giỏi, có kết quả cao trong học tập và trong các kỳ thi học sinh giỏi. Cùng với đó, CECO 545 cũng rất quan tâm đến các hoạt động khuyến học khuyến tài cho con cán bộ, công nhân viên toàn đơn vị bằng việc khen thưởng, động viên kịp thời nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu…

Nói đến công tác khuyến học, khuyến tài, không thể không nhắc đến sự đóng góp to lớn của Hội Đồng hương Đà Nẵng tại thành phố Hồ Chí Minh. Hằng năm, những người con xa quê ấy luôn dành tặng quê hương những phần học bổng quý giá. Từ phong trào này, đã xuất hiện nhiều doanh nhân luôn đồng hành với chương trình khuyến học như ông Trần Bảy, Giám đốc Công ty Trần Nam Trung; ông Đặng Xuân Thọ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Truyền thông sáng tạo Á Châu; ông Trần Quang Cang, Giám đốc Công ty Dược Thuận Gia… Điển hình như ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội Đồng hương Đà Nẵng, Giám đốc Công ty Kiểm toán Mỹ AA là một người rất quan tâm đến công tác khuyến học. Trong 5 năm, bản thân ông đóng góp 300 triệu đồng vào quỹ khuyến học, mua tranh đấu giá trong các chương trình từ thiện. Sau nhiều năm tham gia tích cực vào công tác khuyến học, khuyến tài, ông Thanh đã được bầu vào Ban Thường vụ Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng nhằm tiếp tục làm cầu nối, chia sẻ khó khăn với học sinh nghèo.

Có thể nói, mỗi học sinh nghèo nhận được học bổng là một câu chuyện cảm động về tinh thần vượt khó học giỏi. Chính các em đã tạo được niềm tin với đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp, để họ luôn thấy rằng, những phần quà mình mang đến cho các em là ý nghĩa và vô cùng cần thiết, với một mong muốn duy nhất là mong các em không ngừng nỗ lực, tiếp tục theo đuổi con đường học vấn.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.