.

Những bông hoa, những mùa hoa

.

Sinh ra trong gia đình nghèo, nhờ ý chí và nỗ lực, những “bông hoa” thuộc gia đình Khuyến học thành phố đã nở và tỏa hương thơm ngát. Đó là sự vươn lên của bản thân, của tình người và cao hơn nữa là của một xã hội vì sự nghiệp học tập.

Chàng trai đầy nghị lực Nguyễn Văn Yên nay đã thành đạt và quay về làm “mạnh thường quân” giúp đỡ các em học sinh ở quê.
Chàng trai đầy nghị lực Nguyễn Văn Yên nay đã thành đạt và quay về làm “mạnh thường quân” giúp đỡ các em học sinh ở quê.

Đến giờ này, khi đã trở thành giảng viên của Trường Cao đẳng Đức Trí, Trần Ngọc Quỳnh Anh (sinh năm 1990, quận Thanh Khê) vẫn không thôi nhớ về những tháng ngày tuổi thơ cơ cực. Mẹ mất vì ung thư khi vừa tròn 2 tuổi, một mình cha trong cảnh “gà trống nuôi 4 con” chỉ với nghề bốc vác ở bến xe khiến điều Quỳnh Anh sợ nhất ngày còn nhỏ là phải nghỉ học. Sợ đến nỗi, chỉ ngày nào mở mắt dậy, nghe tiếng ba gọi “Dậy đi học con!” thì Quỳnh Anh mới dám tin hôm đó mình sẽ được tiếp tục đến trường. Không phụ lòng của ba, năm học nào Quỳnh Anh cũng đạt học sinh giỏi. Nhờ một người quen giới thiệu, năm lớp 7, Quỳnh Anh nộp hồ sơ đến Hội Khuyến học thành phố xin học bổng. Với gia cảnh khó khăn cùng thành tích học tập tốt, Quỳnh Anh đã được nhận học bổng Lá xanh của hội. “Mình nhớ số tiền học bổng đầu tiên nhận được là 800.000 đồng cho 3 tháng. Cầm tiền trên tay mà hai cha con ôm nhau khóc hu hu. Ngay lúc đó mình đã nghĩ rằng, phải cố gắng gấp đôi để duy trì học bổng này, giảm phần nào gánh nặng cơm áo cho ba”, Quỳnh Anh chia sẻ.

Theo ông Trần Đình Liễn, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố, Quỳnh Anh là một trong những bông hoa tiêu biểu của hội. Dù so với các bạn khác, Quỳnh Anh thiệt thòi vì chưa từng được gặp người đỡ đầu (người tài trợ học bổng-PV) nhưng mỗi lần nhận được quà, em đều viết thư cảm ơn, thông báo tình hình học tập và thăm hỏi ân nhân của mình. Nhờ nỗ lực của cô học trò nghèo mà người đỡ đầu đã duy trì tài trợ học bổng cho cô bé suốt 10 năm ròng. Với số tiền nhận được đều đặn hằng tháng, cô học trò nghèo Quỳnh Anh tiếp tục đến trường và hoàn thành tâm nguyện của mẹ “mong con gái bé bỏng sau này sẽ trở thành giáo viên, như mẹ”. Chia sẻ về ước mơ cho chặng đường sắp tới, Quỳnh Anh nói: “Khi có điều kiện, tôi muốn mình nối bước người đỡ đầu của mình giúp đỡ cho công tác khuyến học ở địa phương hoặc trường học nơi tôi công tác. Những cánh tay dang ra kịp thời sẽ là nguồn động viên cả về vật chất và tinh thần để những em học sinh khó khăn không từ bỏ con đường học vấn của mình”.

 Với sự hỗ trợ của Hội Khuyến học thành phố, cô học trò nghèo Trần Ngọc Quỳnh Anh ngày nào nay đã là giảng viên.
Với sự hỗ trợ của Hội Khuyến học thành phố, cô học trò nghèo Trần Ngọc Quỳnh Anh ngày nào nay đã là giảng viên.

“Hòa Phước yêu thương và ước mơ”

Nhắc đến các chi hội khuyến học của thành phố không thể không nhắc đến xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) đã lấy công tác khuyến học, khuyến tài làm trọng. 10 năm nay, xã Hòa Phước giữ vững phong trào “Tìm người bảo trợ lâu dài cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó”. Khoảng thời gian ban đầu rất khó khăn khi chỉ có 5 mạnh thường quân tham gia, với số tiền hỗ trợ là 16 triệu đồng; đến nay, chương trình đã thu hút được 28 mạnh thường quân. Riêng năm 2016, số tiền hỗ trợ lên đến 635 triệu đồng.

Là một trong những sinh viên nhận học bổng từ chương trình, Nguyễn Quang Yên (sinh năm 1988, hiện là kỹ sư Cầu nối (BrSE) cho Công ty phần mềm Co-Well Asia) chưa một ngày quên ơn những ân nhân của mình. Họ không chỉ cho anh cái ăn để tiếp tục sống mà cho anh cái chữ, niềm hy vọng để phấn đấu sống có ích cho đời. Sinh ra trong gia đình nghèo, ba mất sớm, từ nhỏ Yên ban ngày đi học, ban đêm phụ mẹ bán trứng vịt lộn. Hình ảnh cậu học trò tối tối ra dọn hàng cho mẹ xong là bày sách vở ra học đã quen thuộc với người dân ở ngã ba Miếu Bông. “Tôi còn nhớ một tối năm học lớp 9, tại Trường mẫu giáo thôn Miếu Bông, có rất nhiều bà con đến tham dự và mình được gọi tên lên nhận quà vì đạt danh hiệu học sinh giỏi. Cảm giác lúc đó rất hồi hộp, vừa vui vừa vinh dự. Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết đến bác Bảy, người mà tôi mang ơn suốt đời”.

“Bác Bảy” ở đây là ông Trần Đình Bảy, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hòa Phước. Ông được xem là “cha đẻ” của nhiều phong trào khuyến học ở địa phương và được các em học sinh, sinh viên yêu mến. Anh Yên nhớ lại, vào năm 2006, anh thi đậu ngành CNTT, Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), chính bác Bảy tìm được thông tin học bổng “Manulife cùng bạn vượt sóng” từ Internet rồi bảo anh nộp hồ sơ. Lúc đó bác còn sốt sắng hơn cả người nhà anh nữa. Cuối cùng anh cũng được nhận học bổng ấy với một khoản tiền không nhỏ hỗ trợ khởi đầu cuộc sống sinh viên.

Hiện đã đi làm, anh Yên vẫn thường xuyên cập nhật tình hình khuyến học ở địa phương và “vui mừng trong lòng sau mỗi lần được thông báo số em học sinh giỏi của thôn không ngừng tăng lên qua các năm”. Hai năm nay, Yên trích tiền lương hỗ trợ lại cho 3 em học sinh nghèo vượt khó của xã nhà với số tiền mỗi năm 4 triệu đồng. Anh vui mừng khoe, vừa rồi anh về UBND xã Hòa Phước để trao học bổng cho các bạn thì được gặp lại bác Lê Thưa, người đỡ đầu của anh. Anh vừa xúc động, vừa tự hào vì không ngờ có ngày mình được đứng vào hàng ngũ mạnh thường quân của xã. Và anh càng quý trọng người đỡ đầu của mình hơn khi hằng năm ông vẫn hiện diện đều đặn trong các buổi trao quà, minh chứng cho lòng nhiệt huyết không ngừng nghỉ với Hội Khuyến học xã nhà.

Từ chương trình khuyến học của xã Hòa Phước, biết bao thế hệ học sinh đã được “yêu thương và ước mơ”. Ông Trần Đình Bảy hồ hởi khoe: Hầu hết các em học sinh nhận được học bổng khuyến học của xã đều có việc làm ổn định và quay lại xây dựng quê hương. Nhiều em giúp gia đình xóa nghèo bền vững. Đặc biệt, các em đều tâm huyết với công tác khuyến học của quê nhà và sẵn sàng hỗ trợ lại những “đàn em” có hoàn cảnh tương tự như mình trước đây.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.