.

Tên người gợi nhớ

.

Khi đi ngang qua những ngôi trường, những con đường mang tên Huỳnh Thúc Kháng, người ta thường nhớ về một chí sĩ hết lòng yêu nước, thương dân. Và, từng thế hệ học trò, từng lớp cư dân đến và đi đều mang trong lòng nỗi nhớ thương, trân trọng.

Những thế hệ học trò của Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng luôn khắc ghi những dòng tiểu sử của chí sĩ yêu nước đất Quảng.
Những thế hệ học trò của Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng luôn khắc ghi những dòng tiểu sử của chí sĩ yêu nước đất Quảng.

1. Trước năm 1997, ngôi trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (tiền thân là Trường Tiểu học Cộng đồng Xuân Hòa) có 2 cơ sở. Nơi thì có mặt bằng rộng, nhưng cơ sở vật chất xuống cấp, tạm bợ. Nơi thì nằm trong một con hẻm nhỏ được bao bọc bởi khu dân cư thưa thớt, nằm kề mép ruộng, sát đường ray xe lửa.

Phó Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng Hồ Lương Hòa nhớ lại, thời khốn khó, dãy nhà phía đông tại cơ sở 1 (số 59 Điện Biên Phủ) gồm có 3 dãy phòng cấp 4 được chia nhỏ để vừa làm văn phòng vừa làm phòng lãnh đạo, thư viện, phòng đọc, phòng đồ dùng… Tất cả đều chung chạ, tạm bợ và đầy khó khăn. Sân trường gạch đá lởm chởm, sau một trận mưa đất cát theo nhau trôi xuống ao khiến sân trường trở nên lồi lõm.

Và cũng vì tường rào, cổng ngõ còn tạm bợ nên những ngày nghỉ, trẻ con quanh đó thường hay chui vào đá banh khiến ngói bị vỡ, trời mưa mái dột, nước chảy tứ bề, thầy trò phải co cụm lại một góc để tiếp tục tiết học của mình. Tuy cơ sở thiếu thốn, nhưng nơi đây đã từng tồn tại một lúc 3 cấp học: buổi sáng cấp 2, buổi chiều cấp 1 và buổi tối dành cho lớp bổ túc văn hóa.

Đến năm 1997, đi cùng cuộc cách mạng về quy hoạch đô thị của cả thành phố, toàn bộ khu ruộng, đầm, hồ phía nam ngôi trường bị giải tỏa, san lấp. Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng được dời vào địa điểm 154 Hà Huy Tập (phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) và tồn tại đến thời điểm hiện nay.

Sự “thoát xác” của ngôi trường Huỳnh Thúc Kháng trong suốt 41 năm hình thành và phát triển có sự đóng góp không nhỏ của từng thế hệ thầy cô, học trò. Thầy Nguyễn Bá Nam, Phó Bí thư Chi bộ nhà trường nhớ lại, năm 1992, ông về đây nhận công tác và không nghĩ mình sẽ gắn bó với nó đến bây giờ. Bởi trước đó, ông đã từng rong ruổi qua 4 điểm trường khác, mỗi đơn vị “đậu lại” chưa quá 3 năm. Ông chia sẻ: “Ngày ấy, ở các phòng học sát mặt đường, vào giờ học, trong lớp không chỉ nghe tiếng thầy cô giảng bài mà còn có sự tham gia của nhiều loại âm thanh khác.

Thậm chí, có không ít thầy cô khi coi bài kiểm tra, nghe chuông hết tiết đã vội vã thu bài của học trò nhưng khi lên đến văn phòng mới biết mình nhầm vì đó không phải chuông của trường mà của bác xích lô ngoài đường. Hay, tiếng trống đám ma “bị nhầm” thành trống trường giờ tan học. Những chuyện xưa giờ chỉ còn trong hoài niệm và trở thành minh chứng cho sự thay đổi ở ngôi trường mang tên Huỳnh Thúc Kháng”.

2. Cùng với danh hiệu đạt chuẩn quốc gia, trường Huỳnh Thúc Kháng là một trong 2 trường THCS có thành tích dạy và học nhất nhì quận Thanh Khê. Mỗi năm học có gần 40% em đạt học sinh giỏi. Đơn cử mới đây nhất, trong năm học 2015-2016, nhà trường đoạt 40 giải học sinh giỏi cấp thành phố, trong đó có 2 giải nhất, đồng thời đạt 33 giải Nguyễn Hiền (lớp 8) cấp quận. Cũng trong năm học này, đội tuyển thể dục của trường cũng mang về 43 giải tại Hội khỏe Phù Đổng cấp quận, xếp vị trí thứ nhất toàn đoàn và giải nhì giải bóng đá báo Thiếu niên Tiền phong...

Năm 2015, UBND quận Thanh Khê giao lại Nhà thi đấu của ngành giáo dục quận cho Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng quản lý, nâng tổng diện tích khuôn viên nhà trường lên 9.960m2. Từ đây, các tiết học thể dục của thầy trò trường  Huỳnh Thúc Kháng trở nên thuận lợi hơn rất nhiều, đặc biệt vào ngày mưa. Sân trường rộng thoáng, có nhiều cây xanh bao quanh, ở giữa là tượng đài chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng khắc những dòng Bác Hồ đề tặng: Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm siêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không tham làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập.

Với niềm tự hào, em Trần Thị Thanh Nhã (lớp 9/1) nói rằng môi trường học tập tại Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng đã tiếp thêm cho em nghị lực tiếp tục giữ vững danh hiệu học sinh giỏi 9 năm liền. Nhờ sự tận tình chỉ bảo của thầy cô giáo, năm học 2015-2016 - khi còn là học sinh lớp 8 - Nhã đoạt giải nhất môn Anh văn tại kỳ thi học sinh giỏi cấp quận.

Trong khi đó, Nguyễn Văn Hoàng (lớp 9/5) chia sẻ rằng nếu không nhờ sự động viên, tiếp sức của thầy cô, bạn bè thì mình khó lòng duy trì ổn định kết quả học tập giỏi 9 năm qua. Là học sinh nghèo vượt khó, Hoàng luôn ở nhóm đầu về thành tích học tập. Hoàng tự tin nói rằng, ngôi trường Huỳnh Thúc Kháng sẽ lưu lại trong em nhiều kỷ niệm nhất trong suốt quãng đời học sinh của mình. Bởi đó chính là nơi em từng bước trưởng thành trong suy nghĩ, biết mở lòng ra với bạn bè, với thầy cô, không e dè, mặc cảm khi sinh ra và lớn lên trong gia cảnh nghèo khó.

Hiệu trưởng Nguyễn Thị An cho biết, bên cạnh các phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” duy trì ở mức ổn định, nhà trường luôn quan tâm đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn bằng các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ như cấp học bổng, tặng thẻ bảo hiểm y tế và đóng một phần học phí để tạo điều kiện cho các em đến lớp.

3. Tại phường Nam Dương, quận Hải Châu, có một con đường ngắn mang tên nhà chí sĩ đất Quảng. Con đường này hình thành từ những năm 50 của thế kỷ trước và dần trở thành một khu phố ẩm thực giữa lòng thành phố Đà Nẵng. Con đường Huỳnh Thúc Kháng có lòng đường nhỏ, vỉa hè rộng chưa đầy 2 mét, dài non cây số, nhưng có gần 50 hộ kinh doanh mặt hàng ẩm thực, nước giải khát.

Nhiều người bảo rằng, dường như con phố này có “duyên” buôn bán nên hàng quán nào mở ra cũng đông khách. Vì thế, không phải đến bây giờ, những người sành ăn Đà Nẵng mới “để mắt” đến con đường Huỳnh Thúc Kháng, mà từ rất lâu, nơi đây đã níu chân thực khách bằng những thực đơn dân dã nhưng vô cùng phong phú như bánh canh, bánh bèo, bánh xèo, mì Quảng, bánh tráng cuốn thịt heo, phở, cao lầu, bò né, cháo lòng, cháo trắng - cá cơm kho hấp dẫn, đậm đà.

Ông Phạm Nhân Cơ, kinh doanh quán cà-phê, ăn sáng tại số 144 Huỳnh Thúc Kháng cho biết, so với nhiều con đường khác ở quận Hải Châu thì đường Huỳnh Thúc Kháng có một thời gian dài bị “bỏ quên”. Trong khi các đường Nguyễn Văn Linh, Lê Đình Dương, Phan Châu Trinh… nằm quanh đó liên tục được chỉnh trang, nâng cấp tạo diện mạo mới thì đường Huỳnh Thúc Kháng vẫn giữ cho mình nét bình dị, giản đơn.

Và, ngay cả khi tuyến phố ẩm thực được chính thức khai trương vào tháng 12-2014 thì đến nay, nhịp độ phát triển trên con đường này vẫn chưa thật sự thay đổi. Hay nói đúng hơn, mục tiêu cải tạo, xây dựng đường Huỳnh Thúc Kháng thành tuyến phố ẩm thực chưa được phát huy bởi những hạn chế về diện tích mặt đường, vỉa hè không đủ cho xe đậu đỗ. Dẫu vậy, những người gắn bó với đường Huỳnh Thúc Kháng hơn 25 năm qua như ông Phạm Nhân Cơ bảo rằng, chính sự bình yên, thâm trầm đã tạo thành một nét rất riêng cho con phố này.

Có thể nói, cả con đường, cả ngôi trường mang tên Huỳnh Thúc Kháng đều mang một nét giản dị, bình yên, neo đậu trong lòng mỗi con người để thành thương, thành nhớ.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.