.

Vọng từ "xứ Tiên"

.

Những ngọn đồi bát úp xanh ươm trong nắng thu vàng rỡ. Màu xanh ấy, có thể là những câu chuyện sinh tồn tươi tắn với cái nhìn khoáng đạt luôn bám víu vào thiên nhiên. Hay dưới những tán xanh ấy, còn có những con người lịch sử vang danh với non sông, đất nước

 Làng quê xứ Tiên. Ảnh: HÀ NGUYỄN
Làng quê xứ Tiên. Ảnh: HÀ NGUYỄN

1. Tháng 9 của những ngày cuối kỳ trăng, bên cái duyên của mùa màng Tiên Phước, còn có thêm lí do để người ta tìm về xứ này. Bởi ở đây, nơi vùng trung du Tiên Cảnh, 140 năm trước, cũng dưới những tán xanh này, có một cậu bé cất tiếng khóc chào đời. Có lẽ, bây giờ người ta nghĩ nhiều, rằng tiếng khóc ấy, không đơn thuần là thông báo “tôi vừa hiện diện trên cõi đời”, mà như để truyền một thông điệp, rằng “tôi sẽ làm gì trong cuộc đời này”.

Cậu bé ấy, chính là chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng - người vừa được lớp hậu bối tổ chức một cuộc hội thảo khoa học cấp quốc gia về những gì đã đóng góp cho non sông Việt Nam. Một con người vẹn toàn mang đủ đầy khí chất của vùng đất địa linh nhân kiệt. Ông Hường Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, nhắc với chúng tôi câu chuyện lịch sử của vùng đất quê hương cụ Huỳnh. “Năm 1916, sau cuộc chính biến Duy Tân, và đặc biệt sau cuộc tấn công vào phủ đường Tam Kỳ, nhà Nguyễn đã chính thức tách một số tổng ở hai phủ Thăng Bình và Tam Kỳ đặt thêm huyện Tiên Phước.

Nhiều người con Tiên Phước đã hội tụ dưới cờ Nghĩa hội, cũng như Tiên Phước là chiếc nôi của những phong trào yêu nước ở Quảng Nam trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX như Cần vương, Duy tân. Không chỉ là địa danh của những nhà khoa bảng kiệt hiệt, vùng trung du Tiên Phước còn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, thủ phủ của nhiều sản vật nổi tiếng đến tận hôm nay. Tất cả đã tạo cho Tiên Phước một không gian sống hài hòa, sinh động, sự hội tụ của địa lợi nhân hòa”.

Những ngày tháng này, chúng tôi ngược núi lên lại xứ Tiên, rồi qua những rặng chè tàu xanh rì, căn nhà lưu niệm của Cụ Huỳnh yên dáng trầm mặc. Chỉ xa cách vài tháng, mà chuyến này, chúng tôi đã không còn được trùng phùng với ông Huỳnh Toản - người gọi Cụ Huỳnh là ông nội chú. Trong ký ức chưa vướng bụi thời gian, chúng tôi nhớ ánh mắt đăm chiêu của ông Toản ngoái về xứ Huế.

Ở đó, ông có 10 năm sống cùng ông nội chú lỗi lạc của mình; và ở đó, ông còn một nỗi niềm chưa thỏa, là được ngắm trụ sở Báo Tiếng Dân ở số 193 đường Huỳnh Thúc Kháng (thành phố Huế) được trùng tu. Âu cũng là điều dễ hiểu, bởi trước khi trở thành người thiên cổ, ông Toản đã cần mẫn ra tận Hà Nội để gửi lời kêu cứu, dựng lại tòa soạn báo Quốc ngữ đầu tiên ở Trung Kỳ.

Bởi đứng trước những hình ảnh rong rêu, không riêng gì ông Toản, lớp hậu bối làm báo không khỏi tiếc xót cho bậc tiền nhân đã một thời cống hiến tài sức của mình cho nền báo chí cách mạng nước nhà. Bây giờ, người trông coi căn nhà lưu niệm Cụ Huỳnh, là ông Huỳnh Văn Thoàn - con trai của ông Huỳnh Toản, cũng đang bất chấp tuổi già, mỗi ngày cần mẫn chăm bẵm cho không gian xanh xung quanh căn nhà lưu niệm Cụ Huỳnh. Phía bên trong những rặng chè tàu xanh rì này, vẫn đều đặn tiếp đón lớp hậu sinh về thắp nén nhang cho một nhân cách lớn, một người con ưu tú của đất Quảng.

2. Trên quê hương Cụ Huỳnh hôm nay, may thay, “cơn lốc” bê-tông hóa chưa lạnh lùng thổi phăng những mảng xanh tự cổ xưa. Mặc dù là một trong 3 xã điểm của huyện Tiên Phước về xây dựng nông thôn mới, nhưng chính quyền và người dân xã Tiên Cảnh đã không bất chấp tất cả để hoàn thành các tiêu chí khô khốc. Ở làng cổ Lộc Yên, qua mấy bậc đá được xếp đẹp mắt, là bắt gặp những căn nhà thấp thoáng sau những hàng chè tàu xanh mơn mởn. Trong xây dựng nông thôn mới, có một tiêu chí cốt lõi phải hoàn thành, đó là bê-tông hóa đường giao thông.

Và quả thực, nhiều nơi đã không đủ “can đảm” để giữ lại những con đường lát đá như Lộc Yên, để rồi những mảng bê-tông xám xịt như làm tức mắt, bởi quá tương phản và… lạnh lùng trước quang cảnh chung. Nên mới thêm trân quý cái cách mà người dân làng Lộc Yên gắng giữ cảnh tiên của làng. Trong tiêu chí bê-tông hóa đường giao thông, người ở đây ngoài giữ lại đường lát đá; thì trong quá trình mở rộng, họ chấp nhận đốn hạ những rặng chè tàu trước nhà để “di chuyển” hàng rào. Xong, họ trồng lại những hàng chè tàu khác thay thế. Nên nếu có chăng sự đổi thay trong lần trở lại này, thì chỉ có những con đường rộng ra hơn, mà màu xanh thì vẫn mơn mởn.

Ngôi làng với những nhà cổ bên lưng đồi cùng nhiều câu chuyện giữ gìn nhà cửa kỳ lạ, trong một không gian tổng thể với màu xanh chủ đạo, đã tạo nên vẻ đẹp đặc trưng và bình dị của một ngôi làng đang chờ được công nhận là làng di sản. Lộc Yên cũng được mệnh danh là xứ sở của những ngõ đá độc đáo, xinh xắn, nhiều tầng bậc và khúc quanh chạy giữa vườn cây xanh um, được xếp từ những viên đá chẻ nhỏ, bó vỉa hai bên cũng bằng những viên đá. “Tất cả từ truyền thống, chỉ có truyền thống mới giữ được những gì vốn thuộc về… xa xưa”, ông Nguyễn Mạch, một trong những chủ nhân của các ngôi nhà cổ tại Lộc Yên, chia sẻ. Cái cách người làng Lộc Yên giữ màu xanh cho làng; sau này, những ngôi nhà mới mọc lên, những bờ rào, cổng ngõ cũng vẫn làm từ những hàng cây xanh rì, chính là luôn giữ nếp văn hóa truyền thống. Giữ được cái truyền thống này, đâu “dễ như chơi được”.

Và hãy ngẫm lại một chút về cái truyền thống khiến cho người làng xứ này luôn mẫn tiệp trước mọi thế cuộc. Đầu tiên, là tinh thần hiếu học mà ngay từ những ngày xa xưa, trên vùng đất trung du này đã có trường Tân học, thực học. Và thứ nữa, một điển hình Duy Tân trên toàn quốc cũng từ một ngôi làng trên quê hương cụ Huỳnh…

Bây giờ, làng quê nào ở Tiên Phước cũng xanh vườn cau, vườn quế, bình yên tuyệt đối như vậy, nhưng mấy ai biết, đã có giai đoạn một làng quê nơi này đã nếm mùi Âu hóa đi ngang trên toàn thể đất nước. Và chúng tôi thử mường tượng, nông thôn mới bây giờ, phải chăng cách đây 100 năm, những chí sĩ như Huỳnh Thúc Kháng, Lê Cơ, đã có những phác thảo đầu tiên và dở dang đến hôm nay…

3. Cách đây hơn một thế kỷ, tư tưởng “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của các cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… là điểm hội tụ tinh hoa nhất, nổi bật nhất và trở thành niềm tự hào về tinh thần hiếu học của người dân Tiên Phước. Với phương thức giáo dục tiến bộ, trường tân học Phú Lâm, ngôi trường đầu tiên của phong trào Duy Tân, do chí sĩ Lê Cơ thành lập đã được khai giảng vào năm 1904, tại địa bàn xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam ngày nay. Đây là ngôi trường dạy chữ quốc ngữ để làm công cụ khai dân trí và truyền bá tư tưởng Duy Tân, nhằm đào tạo một mẫu người học để mở mang trí tuệ chứ không phải học để thi.

Hiện tại, huyện Tiên Phước có 46 trường với hơn 12.000 em học sinh theo học ở 3 bậc học mầm non, tiểu học và THCS. Riêng với Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng - ngôi trường mang tên người còn ưu tú của xứ Tiên, gần nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, bậc THPT của huyện, các thế hệ thầy trò đã tiếp bước truyền thống hiếu học của quê hương nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng. “Nhà trường là nơi “thắp lửa” và “giữ lửa” truyền thống hiếu học của người dân Tiên Phước.

Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là những chiến sĩ vẻ vang hoạt động trên mặt trận thầm lặng dạy học, dù khó khăn đến đâu vẫn thắp sáng được cái tâm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng yêu thương dạy dỗ học sinh, khơi dậy được niềm tin hoài bão ước mơ trong các thế hệ học sinh, thực hiện mục tiêu giáo dục học sinh trở thành con người phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực công dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, thầy giáo Nguyễn Khánh, Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, chia sẻ. Hiện nay, phong trào hiếu học của huyện Tiên Phước phát triển rất sôi nổi với 465 chi hội, ban khuyến học.

Từ phong trào xây dựng xã hội học tập, năm 2016 toàn huyện có 6.600 gia đình đăng ký phấn đấu đạt gia đình học tập, 55 dòng họ đăng ký trở thành dòng họ học tập. Để khích lệ, động viên các thế hệ học trò noi theo tấm gương học tập của cụ Huỳnh, huyện Tiên Phước đã thành lập Giải thưởng hiếu học Huỳnh Thúc Kháng. Qua hơn 10 năm hoạt động, giải thưởng đã vinh danh 428 học sinh có tinh thần vượt khó, đạt thành tích cao trong học tập.

Bất chợt lại nghĩ, phải chăng cảnh sắc mê hoặc của xứ Tiên, cũng như tấm lòng người Tiên Phước hiện tại, là những tiếng vọng từ quá khứ và được người đời nay trọn vẹn giữ gìn, nên những bình yên mới có thể gần gụi đến vậy.

LÊ QUÂN - XUÂN KHÁNH

;
.
.
.
.
.