.

15% + 85%?

.

Nói về sự thành đạt của mỗi người trong cuộc sống hôm nay, các nhà xã hội học cho rằng nó được quyết định do bởi 25% kỹ thuật chuyên ngành + 75% những quan hệ giao tiếp và tài năng xử thế. Đặc biệt, học giả người Mỹ Kinixti còn đẩy sự quan trọng của vế sau lên cao khi đưa ra “công thức”: 15% + 85%.

Sinh viên Lê Văn Thắng (thứ hai, trái qua) trong lần cùng nhóm bạn giao lưu với thanh niên người Bana (giữa) ở làng Konktu, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Ảnh: V.T.L
Sinh viên Lê Văn Thắng (thứ hai, trái qua) trong lần cùng nhóm bạn giao lưu với thanh niên người Bana (giữa) ở làng Konktu, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Ảnh: V.T.L

Theo anh Lê Văn Thắng, sinh viên năm 3 Khoa Xã hội nhân văn chuyên ngành Văn hóa du lịch, Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng, “công thức” trên là hoàn toàn hợp lý. Bởi lẽ muốn có một công việc tốt sau khi ra trường để làm điểm xuất phát tiến thân thì không chỉ cần có kiến thức sâu rộng về chuyên môn mà còn phải trang bị đầy đủ các kỹ năng mềm. Với Thắng, tất cả các kỹ năng mềm đều quan trọng, nhưng có một số kỹ năng quan trọng hơn, được anh xem như “kim chỉ nam” là kỹ năng giao tiếp, sự tự tin, kỹ năng lắng nghe phân tích và tiếp nhận. Giao tiếp với phong thái lịch lãm, tự tin sẽ giúp ta “ghi điểm” ngay trong lần đầu với người mình tiếp xúc. Biết thật lòng lắng nghe và chân thành chia sẻ cũng tạo thiện cảm với người đối diện, khiến cho họ cảm nhận rằng họ thật sự hạnh phúc khi có người chia sẻ và góp ý vấn đề đó.

“Với mong ước thành một hướng dẫn viên du lịch, em nghĩ kỹ năng giao tiếp là điều rất quan trong. Bạn có một “bụng” kiến thức về lịch sử – văn hóa của điểm đến nhưng yếu về kỹ năng giao tiếp, kém về kỹ năng thuyết minh thì đó sẽ là rào cản vô cùng lớn khiến bạn khó đến với thành công, không thể “chen chân” với nguồn nhân lực du lịch được đào tạo bài bản hiện nay”, Thắng chia sẻ.

Ngày trước tuy chưa có thuật ngữ “kỹ năng mềm”, nhưng các thế hệ sinh viên lúc đó vẫn học được từ trường và tự học ngoài đời những bài học cần thiết hầu khi ra trường có đủ bản lĩnh, tự tin để thành công trên đường đời. PGS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, cho rằng thế hệ sinh viên ngày trước được sàng lọc rất kỹ qua kỳ thi đại học (trước đây có khoảng 5% học sinh phổ thông thi đậu vào đại học) nên về tư chất có phần đồng đều hơn sinh viên hiện nay. Khi đã có tư chất, có kiến thức nền tảng tốt thì việc thích nghi với môi trường bên ngoài sẽ rất nhanh và thuận lợi.

Lãnh đạo Đại học Đà Nẵng làm một phép so sánh: “Ngày trước điều kiện để giải trí ít nên mọi người chuyên tâm cho việc học hơn bây giờ; đặc biệt, sinh viên lúc đó đọc sách nhiều hơn nên có được kiến thức nền tảng rất tốt. Lúc đó, những kỹ năng mềm chủ yếu là tự rèn luyện, đọc qua sách vở, học hỏi từ đồng nghiệp, từ lãnh đạo đi trước. Tuy nhiên quá trình đó diễn ra chậm và ít thuận lợi hơn so với sinh viên bây giờ”.

Kỹ năng mềm (soft skills) là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng quan trọng và là tác nhân quan trọng cho sự thành đạt mỗi người như: kỹ năng sống, giao tiếp, lãnh đạo, làm việc theo nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, thư giãn, vượt qua khủng hoảng, sáng tạo và đổi mới... Tuy nhiên, qua trao đổi, ông Lê Văn Hiểu, Tổng Giám đốc Công ty CP Seatech, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, cho biết, “công thức” nói trên là không chính xác, có lẽ đó là ý kiến của một cá nhân khi nói chuyện với thanh niên, sinh viên trong quá trình học tập hoặc khởi nghiệp, nhằm đề cao vai trò của kỹ năng mềm.

Ông Hiểu phân tích: “Trong xã hội có rất nhiều ngành nghề, mỗi ngành nghề lại có nhiều vị trí công việc: lãnh đạo, nhân viên… Ví dụ: giữa lãnh đạo và nhân viên sẽ khác nhau về “công thức” trên. Một bác học nghiên cứu khác xa một lãnh đạo doanh nghiệp… Tôi cho rằng, để trở thành người thành đạt, trước hết phải tích tụ một trình độ, kiến thức chuyên môn qua một quá trình học tập và lao động bền bỉ. Dĩ nhiên để thành đạt, cá nhân phải rèn luyện đủ kỹ năng cần thiết phù hợp với công việc đang thực hiện”.

Cùng với ý kiến này, ông Phan Hải, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại BQ, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, cho rằng kỹ năng mềm sẽ quyết định đến hiệu quả công việc, vậy nên phải rèn luyện thành thói quen để giải quyết công việc một cách bài bản và có hệ thống. Trong khi đó, kiến thức chuyên môn chỉ là phần nền và luôn cập nhật để thay đổi. Ông Hải xem trọng bồi dưỡng kỹ năng làm việc nhóm vì đây là điểm yếu của người Việt Nam chúng ta; làm việc nhóm để tăng sự sáng tạo, kết quả cao hơn và để doanh nghiệp đi xa hơn. Ông Phan Hải rất tâm đắc với câu nói: Muốn đi nhanh thì hãy đi một mình, muốn đi xa phải đi nhiều người.

Đi xa với nhiều người cũng là một trong những cách giúp cho sinh viên Lê Văn Thắng có cơ hội quan sát kỹ hơn, tiếp xúc với nhiều giai tầng trong xã hội, qua đó thu thập nhiều kiến thức hơn về lịch sử, văn hóa, xã hội... Những vốn quý này được anh nhặt nhạnh với tinh thần cầu thị, biết lắng nghe, trở thành kiến thức chuyên môn nằm ngoài giảng đường phục vụ đắc lực cho học tập cũng như công việc trong cuộc sống sau này.

Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp chia sẻ trên Vietnamnet.vn qua bài “Nguyên Bộ trưởng kinh ngạc về Nhật sau chuyện cái ô ở công viên” (ngày 1-9-2016) rằng: “Một người có văn hóa là một người xuất hiện ở đâu cũng làm cho người khác dễ chịu (văn hóa ứng xử). Một người có văn hóa là một người mới gặp thì ngại, nói chuyện thì khoái và chia tay mong ngày gặp lại (văn hóa trí tuệ). Một người có văn hóa là một người luôn luôn hưởng thụ bằng lao động chính đáng của mình (văn hóa vật chất)”.

Xem thế, nhận định như học giả người Mỹ Kinixti là không ngoa: “Sự thành công của mỗi người chỉ có 15% là dựa vào kỹ thuật chuyên ngành, còn 85% là dựa vào những quan hệ giao tiếp và tài năng xử thế của người đó”.

“Trước đây, các trường đại học chú trọng trang bị kiến thức nghề nghiệp (hard skills) nhưng ít chú trọng đến các kỹ năng mềm (soft skills). Nhiều minh chứng cho thấy nhiều người học rất giỏi trên ghế nhà trường nhưng khi tốt nghiệp đi làm vẫn chưa đạt được thành công như mong đợi, một trong những lý do, đó chính là thiếu kỹ năng mềm…

Bây giờ sinh viên được trang bị và tự trang bị nhiều kỹ năng mềm như: ngoại ngữ, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng sống, kỹ năng viết các báo cáo, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng quản lý, giao tiếp... Vì vậy, sinh viên bây giờ năng động hơn, có nhiều kỹ năng mềm hơn so với trước đây. Tuy nhiên, kỹ năng mềm phải cần được trang bị và thấm dần thì mới hiệu quả. Những kỹ năng mềm này không phải tự nhiên có mà sẽ được hình thành trong quá trình làm việc, tích lũy kinh nghiệm.

GS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.