.

Ấm áp phiên chợ công nhân

.

Khung cảnh yên ắng thường thấy về đêm của Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh đã thay đổi hẳn trong những ngày vừa qua bởi tiếng cười nói rôm rả, tiếng gọi nhau í ới, tiếng còi xe của hàng trăm công nhân (CN) tấp nập ra vô nơi Phiên chợ công nhân lần đầu tiên được tổ chức cho mình.

Công nhân được hướng dẫn nấu ăn tại Phiên chợ công nhân.
Công nhân được hướng dẫn nấu ăn tại Phiên chợ công nhân.

Tranh thủ mua hàng rẻ

Hết nhìn qua bộ 3 nồi inox bên tay phải lại liếc qua chiếc nồi cơm điện bên tay trái, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (24 tuổi, CN một công ty chuyên đồ chơi nhựa và thú nhồi bông) phân vân không biết nên mua vật dụng nào. Suy nghĩ một hồi lâu, chị cầm cả hai sản phẩm đi thẳng tới quầy thanh toán với tâm trạng đầy phấn khởi. “Mua cùng lúc thì thấy nhiều tiền thật nhưng so với giá thị trường thì hàng ở đây vẫn rẻ hơn nhiều. Dễ chi có cơ hội được mua hàng giá rẻ nên mình phải tranh thủ ”, chị Tâm chia sẻ.

Tại gian hàng có cái tên thật lạ – “Cho đi để nhận lại”, hàng chục công nhân đang mải mê chọn lựa những món hàng theo sở thích. Vẫn còn nguyên bộ quần áo CN từ lúc tan ca, anh Trần Văn Tuấn (30 tuổi, CN một công ty điện tử) cầm trên tay chiếc áo thun nữ màu hồng xinh xắn. Với mức lương khá eo hẹp 3,5 triệu đồng/tháng, trừ đi tiền trọ, ăn uống và gửi về gia đình, mỗi tháng anh Tuấn cho hay mình không dư được đồng nào. Nhiều lúc muốn tặng cho bạn gái đôi giày, cái áo nhưng với túi tiền quá hạn hẹp, anh đành ngậm ngùi. Anh Tuấn bộc bạch: “Tôi ước chi tháng nào cũng có phiên chợ kiểu này để anh em CN có điều kiện được mua hàng chất lượng với giá bình dân. CN mà, đâu dễ sắm được món đồ như ý muốn đâu”.

Gian hàng “Mua chán - Bán cần” có lẽ là điểm dừng chân ưa thích, thu hút đông đảo CN nhất. Tại gian hàng này, các sản phẩm được trưng bày với tiêu chí “cũ người – mới ta” nhằm giúp thanh lý những vật dụng hết nhu cầu sử dụng, CN có điều kiện mua được món đồ như ý với giá hời. Gian hàng được hình thành dưới sự nỗ lực của Nhà Văn hóa Lao động thành phố trong việc vận động sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thanh lý đồ cũ, bán các vật dụng, như: đồ gia dụng nhà bếp, quần áo, giày dép, túi xách, phụ kiện, đồ chơi trẻ con, đồ lưu niệm, đồ điện tử, điện máy thiết thực trong cuộc sống để hình thành nên gian hàng.

Một hoạt động cần thiết

Thành phố hiện có khoảng 72.000 lao động đang làm việc tại các KCN và chế xuất. Trong đó, có khoảng 46% là lao động ngoại tỉnh, phần lớn đời sống của họ còn nhiều khó khăn với mức thu nhập trung bình 3,5 triệu đồng/tháng. Lần đầu tiên, Phiên chợ CN diễn ra từ ngày 11 đến hết ngày 13-11, tại Nhà văn hóa-thể thao công nhân (đường số 2, KCN Hòa khánh), nhằm giúp cho CN có thêm nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu giá rẻ. Đây là hoạt động do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại (Sở Công thương) tổ chức.

Với quy mô 50 gian hàng, phiên chợ được mở ra nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho CN mua sắm hàng hóa đạt chất lượng theo chương trình giảm giá, khuyến mãi, giá ưu đãi từ các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tham gia phiên chợ, người lao động sẽ được tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, được khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí, được học các lớp nấu ăn, trang điểm, khiêu vũ, thi hát karaoke và xem các chương trình văn nghệ phục vụ khách tham quan, mua sắm trong suốt thời gian diễn ra Phiên chợ.

Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng, 50 gian hàng hoạt động mang tính tổng hợp, gắn kết giữa việc tổ chức bán hàng với giá ưu đãi, bảo đảm chất lượng và hàng loạt các hoạt động hỗ trợ đời sống văn hóa tinh thần chính là tạo ra sân chơi văn hóa, giải trí mới hy vọng thu hút đông đảo người tham gia.

Thời gian tới, LĐLĐ thành phố sẽ tập trung tổ chức nhiều hoạt động thực hiện có hiệu quả việc chăm lo, nâng cao đời sống tinh thần cho CN, như tổ chức chương trình “Tết sum vầy”, tặng quà cho CN có hoàn cảnh khó khăn, trao tặng “Mái ấm công đoàn”, tổ chức “chuyến xe công nhân” đưa CN ở các KCN có nhu cầu về quê nhân dịp nghỉ Tết Nguyên đán, tổ chức Lễ cưới tập thể cho CNLĐ khó khăn; vận động xây dựng nhà ở, nhà trẻ, siêu thị Công đoàn và các thiết chế văn hóa phục vụ CNLĐ tại các khu công nghiệp thành phố.

CHIÊU ANH

;
.
.
.
.
.