.
Giới thiệu sách

Tìm lẽ sống bên cái chết

.

Một cuốn tiểu thuyết xuất bản từ hai năm trước, bìa không hấp dẫn, văn học Hàn Quốc cũng chưa mấy ai đề cao, tên tác giả thì tôi mới nghe lần đầu, còn tên nhân vật thì khó đọc, khó nhớ mà lại dễ lẫn - Yoo Jeong rồi Yoon Soo… - nên tôi đọc mươi trang, rồi gấp lại và gần như bỏ quên.

Thế rồi vào những ngày mưa gió, tôi lại cầm đến “Yêu người tử tù” và càng đọc càng bị cuốn hút. Vậy mà nó gần như bị chìm khuất trong thị trường sách hỗn tạp, “rực rỡ” màu sắc hiện nay! Tôi vào “Google” mới hay “Yêu người tử tù đã thực sự tạo nên một dư luận lớn tại Hàn Quốc… Vì thế,
Gong Ji-Young đã thắng giải Special Media Award lần thứ 9 của Tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International) và tiểu thuyết đã được dựng thành phim Phép màu tình yêu”… Gong Ji-Young cũng là người đoạt giải thưởng Văn học thế kỷ 21 và giải thưởng Văn học của Hiệp hội tiểu thuyết gia Hàn Quốc.

Nhân vật chính của tác phẩm là tử tù Yoon Soo, một trẻ “bụi đời” đầy bất hạnh; một nhân vật chính khác xưng “tôi” - cô Yoo Jeong, một ca sĩ, giảng viên đại học, từng du học ở Paris 7 năm, mặc dù sinh trưởng trong một gia đình quyền quý “muốn thứ gì cũng có”, nhưng lại “bất hạnh” theo một cách khác, đến mức cô đã tự tử 3 lần bất thành. Cốt truyện diễn ra qua 19 chương, thuật lại những chuyến Yoo Jeong cùng bà cô ruột của mình là sơ Mônica đến thăm tử tù Yoon Soo trong thời gian anh chờ thi hành án; xen giữa các chương là 19 đoạn “Nhật ký buồn” của chính tử tù Yoon Soo.

Sức cuốn hút của tác phẩm có được một phần do tác giả đã khéo léo giữ kín các “sự kiện” chính của cốt truyện - gần cuối sách, qua “Nhật ký buồn” số 17, 18, người đọc mới rõ Yoon Soo  mang tội oan giết người trong hoàn cảnh nào; cũng đến cuối sách, mới hay cô ca sĩ xinh đẹp 3 lần tự tử bất thành là do năm 15 tuổi đã bị người anh con bác cưỡng hiếp…; nhưng đó chỉ là “kỹ thuật” của một tiểu thuyết gia có nghề. Điều làm nên giá trị của tác phẩm chính là tác giả đã dần “mở” ra trước mắt độc giả không phải những chuyện “giật gân” mà là cõi lòng, là suy tư về triết lý nhân sinh, về đức tin vô cùng phong phú và phức tạp của nhiều lớp người qua những lần tiếp xúc, những cuộc đối thoại giữa 3 nhân vật đã nêu và cả với người mẹ của cô gái bị giết hại, với mẹ và anh trai của Yoo Jeong, với viên quản giáo trại giam… Những ngóc ngách thầm kín nhất, dữ dội, cao thượng và cả đê tiện nhất trong đáy sâu lòng người đều được phơi bày với ngôn ngữ không chút e dè, nhiều chỗ đến mức làm người đọc bị “sốc”. Trong tác phẩm, có lẽ chỉ sơ Mônica trên 70 tuổi là “bất biến”, còn tất cả, đều thay đổi, “như có một phép mầu quyền năng giúp họ vượt qua những thương tổn…” - “phép mầu đó” theo lời tâm sự của tác giả ở cuối sách, là “biết chia sẻ tình yêu thương và lòng nhân ái với những người xung quanh…mỗi chúng ta cũng đều không được làm ngơ trước những nỗi đau đớn và những nỗi thống khổ của những con người…”.

Chính nhờ được sơ Mônica, Yoo Jeong, và cả bà mẹ của nạn nhân cùng viên quản giáo “chia sẻ tình yêu thương” mà tử tù Yoon Soo, lúc bị cảnh sát vây bắt đã chửi thẳng mặt nhà sư định đến khuyên giải và lúc mới vào tù luôn quậy phá, đòi chết cho xong, Đức Cha đưa cho hắn cuốn Kinh Thánh, hắn xé vụn rồi đi vất vào nhà vệ sinh… đã trở thành “một người tu đạo thực sự” - chính viên quản giáo đã nhận xét như thế! Quả là “hắn” đã được làm lễ rửa tội, chăm đọc sách, nhường hết tiền quà cho những người tù khốn khổ hơn và xin hiến tặng giác mạc cứu người mù sau khi bị thi hành án…

“Hắn” không thay đổi sao được, khi bà mẹ nạn nhân nghèo khổ, từng nói với sơ Mônica rằng “tôi muốn gặp nó để xé xác nó ra từng mảnh…”, đã dành dụm gạo làm bánh và xin sơ Mônica đưa vào thăm kẻ giết hại con bà vào dịp Tết vì bà muốn tha thứ cho nó, khi bà được Đức Cha cho biết Yoon Soo là trẻ mồ côi bất hạnh, em trai của nó bị mù và  chết đói bên đường…

“Hắn” không thay đổi sao được, khi cô ca sĩ, giảng viên xinh đẹp, từ chỗ kinh tởm tội lỗi hắn gây ra được mô tả qua các trang báo (lúc cô đang du học ở Pháp), nghe lời khuyên của sơ Mônica, hằng tuần dành một buổi vào thăm hắn và hắn là người đầu tiên được cô tin cậy kể cho nghe chuyện mình bị hiếp lúc 15 tuổi, có lẽ để hắn hiểu rằng trên thế gian không chỉ có hắn bất hạnh…

Và chính cô, trong khi chia sẻ tình yêu thương với kẻ tử tù, đã không còn muốn tự tử nữa, đã có lúc muốn trò chuyện tình cảm với người mẹ, người anh mà trước đây cô căm ghét do đã vô cảm trước “tai nạn” khủng khiếp của cô lúc 15 tuổi…

Khi hiểu ra chính là vì tình thương đứa em khốn khổ, lại luôn bị các “đại ca” hành hạ khi ở trại mồ côi hay trại cải tạo, Yoon Soo ngày càng trượt dài trên con đường tội lỗi, còn vụ giết người dã man thì lại do anh ta nhận tội thay cho một tên đồng bọn, Yoo Jeong đã đề nghị người anh trai là công tố viên điều tra lại vụ án, nhưng người anh từ chối vì nghĩ rằng “mấy kẻ đó chúng chuyên ăn gian nói dối”! Mấy trang kể lại buổi trò chuyện giữa hai anh em thật có ý nghĩa, gợi nhiều suy ngẫm về sự công chính, lòng tin ở con người và cả những cái “mặt nạ” mà con người ẩn náu…

Một điều cũng rất đáng chú ý là hiện thực trong tác phẩm diễn ra ở Hàn Quốc khoảng từ 1995-1997, lúc kinh tế đạt trình độ khá cao nhưng khoảng cách giàu nghèo vẫn lớn, tạo ra nhiều bức xúc trong xã hội; trong các trại cải tạo thì ở đâu cũng có “đại ca” hành hạ, bóc lột những kẻ yếu thế… Nhưng mặt khác, một người như Yoo Jeong, “giàu có chẳng thiếu thốn thứ gì, vậy mà cũng là một người không có hạnh phúc…”. Cô không nói ra, nhưng cái “thiếu” đó là thiếu tình cảm, thiếu sự quan tâm lẫn nhau, khi mọi người chỉ chạy theo của cải, chức vụ. Vì thế sơ Mônica đã nói: “Cái nghèo của những người giàu có đáng sợ và khủng khiếp lắm!”!  

Đây là sự cảnh báo đối với tất cả những quốc gia chỉ biết coi trọng sự phát triển kinh tế, công nghiệp mà “quên” sách lược xây dựng một xã hội nhân văn, để mặc bệnh vô cảm thành đại dịch!

Chỉ với ý nghĩa xã hội và nhân văn có tầm khái quát cao - nếu không muốn nói là “tầm nhân loại” - cuốn sách rất đáng được nhiều người đọc.

NGUYỄN KHẮC PHÊ

;
.
.
.
.
.