.

Kiểm tra để bảo đảm an toàn

.

Để giám sát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các bếp ăn mầm non, công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất được ngành y tế, giáo dục phối hợp thực hiện thường xuyên. Riêng năm nay, với chủ trương xây dựng “thành phố 4 an”, việc quản lý nguồn cung cũng như bảo đảm ATVSTP tại các bếp ăn tập thể nói chung, bếp ăn mầm non nói riêng, càng được siết chặt.

Bếp ăn thông thoáng, sạch sẽ, theo quy trình một chiều tại Trường Mầm non Hương Sen (quận Cẩm Lệ) Ảnh:T.T
Bếp ăn thông thoáng, sạch sẽ, theo quy trình một chiều tại Trường Mầm non Hương Sen (quận Cẩm Lệ) Ảnh:T.T

Bếp ăn mầm non, hướng đến đúng chuẩn

Bác sĩ Trần Minh Hồi, Đội trưởng Đội Y tế dự phòng (Trung tâm Y tế quận Hải Châu), thành viên trong đoàn kiểm tra liên ngành y tế - giáo dục quận Hải Châu cho biết, đoàn vừa hoàn thành đợt kiểm tra ATVSTP định kỳ đối với 85 bếp ăn mầm non, tiểu học và nhóm trẻ (trên 30 cháu) trên địa bàn quận. Kết quả kiểm tra cho thấy hầu hết các bếp ăn đều bảo đảm các tiêu chuẩn về ATVSTP, đặc biệt, “100% bếp ăn của các trường mầm non thông thoáng, sạch sẽ, đúng chuẩn bếp một chiều, hồ sơ quản lý dinh dưỡng đầy đủ, lưu mẫu đúng quy định”, bác sĩ Hồi đánh giá. Ngoài việc kiểm tra định kỳ vào đầu năm học, đoàn kiểm tra của quận còn tiến hành kiểm tra đột xuất từ 1-2 lần trong tháng an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm tra đột xuất khi có thông tin bất thường tại các bếp ăn trên địa bàn.

Trong khi đó, qua kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất tại 23 trường mầm non, 106 nhóm trẻ trên địa bàn quận Cẩm Lệ những năm gần đây, vấn đề bảo đảm ATVSTP tại các bếp ăn ở đây cũng được đánh giá là “tương đối tốt”. “Những sai phạm thi thoảng được phát hiện qua kiểm tra chỉ chủ yếu ở một số nhóm trẻ, trường mầm non hầu như không có sai phạm nào. Sai phạm có xảy ra cũng không cơ bản như lưu mẫu, hồ sơ dinh dưỡng chưa đúng quy cách, chúng tôi đã nhắc nhở, hướng dẫn cơ sở làm lại…”, bà Lê Thị Mộng Tuyền, cán bộ chuyên trách an toàn thực phẩm, y tế học đường (Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ) cho biết. Là cán bộ chuyên trách an toàn thực phẩm lâu năm, thường xuyên cùng các đoàn kiểm tra liên ngành về các bếp ăn tập thể, bà Tuyền nhận xét, khoảng từ năm 2008 trở về sau này - thời điểm mô hình bếp ăn một chiều được phổ biến toàn thành phố, công tác ATVSTP tại các bếp ăn tập thể nói chung, bếp ăn mầm non trên địa bàn nói riêng được làm rất tốt. Khi trường mầm non mọc lên ngày càng nhiều, không đợi các đoàn kiểm tra đến, các bếp ăn mầm non cũng tự động tạo dựng “thương hiệu” từ các bếp ăn bán trú - vấn đề các bậc phụ huynh quan tâm hàng đầu nếu không muốn phải đóng cửa.

Theo thống kê, hiện toàn thành phố có 215 trường mầm non, 682 nhóm trẻ, các số liệu quản lý liên quan các bếp ăn luôn được Chi cục An toàn thực phẩm thành phố cập nhật hằng quý. Theo ông Võ Lê Hồng Phong, Phó phòng và quản lý ngộ độc thực phẩm - Chi cục An toàn thực phẩm thành phố, riêng đối với bếp ăn mầm non, nhiều năm nay, không phát hiện sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt, tuyệt đối chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào. “Khi đi kiểm tra nếu các đoàn phát hiện có cơ sở chưa đạt chuẩn VSATTP sẽ đề xuất kiểm tra lại. Nhiều năm nay, chúng tôi chưa thấy cơ sở nào đề xuất phải kiểm tra lại”, ông Phong nói thêm.

Khó kiểm soát tuyệt đối

Theo tìm hiểu, bếp ăn tại nhiều nhóm trẻ trên 30 cháu trên địa bàn được hướng dẫn sắp xếp theo trình tự một chiều. Tuy nhiên, một số khái niệm ATVSTP bếp ăn tập thể cơ bản như kiểm thực 3 bước (khi mua, nấu và khi lưu mẫu) khi được đoàn kiểm tra hỏi đến, một số chủ nhóm trẻ có vẻ ngơ ngác; việc ghi tên, địa chỉ, số điện thoại cá nhân cung cấp thực phẩm tại một số nhóm trẻ chưa rõ ràng; lưu mẫu chưa đúng quy cách diễn ra khá phổ biến ở nhóm trẻ; do hạn chế diện tích nên một số, công trình vệ sinh được đặt khá gần nhau tại một số bếp ăn nhóm trẻ mầm non gây mất vệ sinh… Đặc biệt, theo bác sĩ Trần Minh Hồi, vấn đề nguồn gốc thực phẩm khó kiểm soát, bởi với quy mô nhỏ, nguồn thực phẩm nhận nấu hằng ngày ít nên hầu hết các cơ sở cung cấp thực phẩm tươi sạch uy tín không nhận cung cấp cho nhóm trẻ. Hầu hết các chủ nhóm trẻ mua thực phẩm ở các chợ mỗi ngày. Bác sĩ Hồi cho biết, hiện Phòng Y tế quận Hải Châu và các đơn vị liên quan đang bằng nhiều biện pháp siết chặt nguồn cung, giới thiệu, kết nối bếp ăn nhóm trẻ với các đơn vị cung cấp thực phẩm uy tín.

“Việc kiểm tra, giám sát liên tục như những năm qua là một trong những động lực quan trọng để bếp ăn cho các bé của chúng tôi ngày càng hoàn thiện, phục vụ tốt hơn. Tuy nhiên, mỗi năm có thời gian nhiều đoàn kiểm tra liên tục ảnh hưởng ít nhiều đối với công tác dạy, học của cô cháu. Chúng tôi tự hỏi tại sao các đoàn không phối hợp với nhau?”, trưởng một nhóm trẻ trên địa bàn quận Cẩm Lệ (xin giấu tên) nêu ý kiến. Về điều này, bà Lê Thị Mộng Tuyền cũng thừa nhận vài  năm nay nhận được khá nhiều phàn nàn tương tự từ cơ sở khi về kiểm tra.

Cùng bàn về vấn đề trên, theo cách nhìn của một nhà giáo dục, theo bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo quận Hải Châu, năm nay, với chủ trương xây dựng “thành phố 4 an”, công tác kiểm tra, giám sát về vấn đề ATVSTP tại các bếp ăn tập được tăng cường là điều tốt. Sẽ có những nhóm trẻ, trường học được kiểm tra định kỳ, đột xuất nhiều lần: ngoài đoàn truyền thống kết hợp giữa ngành giáo dục và y tế, còn có các đoàn kiểm tra của Hội đồng Nhân dân quận, của ngành Giáo dục, Công thương, Công an… Đặc biệt, năm nay, lần đầu tiên, công tác kiểm tra, thanh tra định kỳ các bếp ăn tập thể nói chung còn chịu sự “giám sát lại” của Mặt trận quận. Mặc dù, các trường hầu hết đã đi vào nền nếp, ngày càng chuyên nghiệp, nhưng công tác thanh tra, kiểm tra là không thừa.

Trong khi đó, theo ông Võ Lê Hồng Phong, các trường mầm non, nhóm trẻ có thể chưa hiểu đúng về chức năng, nhiệm vụ của các đoàn kiểm tra. Hiện chỉ có đoàn kiểm tra của Phòng Y tế, Đội Y tế dự phòng phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo là có chức năng kiểm tra, giám sát ATVSTP tại các bếp ăn, mỗi năm định kỳ 1 lần, không thể gọi là nhiều.

Theo nhiều ý kiến, công tác kiểm tra dù một đoàn hay nhiều đoàn thì khó kiểm soát tuyệt đối, đâu đó vẫn còn tính hình thức. Điều quan trọng nhất vẫn cái tâm của người đứng đầu các trường. Còn theo chia sẻ của nhiều cán bộ trong các đoàn kiểm tra, công tác này hiện còn gặp không ít trở ngại bởi thiếu nhân lực chuyên trách, chủ yếu kiêm nhiệm; kinh phí cho hoạt động hạn chế; các dụng cụ kiểm tra, thử nhanh thực phẩm, đồ ăn dù có nhưng khá giản đơn, chủ yếu các đoàn vẫn chỉ làm kiểm tra, giám định bằng mắt, bằng tay… nên khó bảo đảm kết quả chính xác tuyệt đối.

Bếp một chiều hay quy trình bếp một chiều là mô hình bếp mà chuỗi hoạt động các bộ phận công việc của bếp được tuân thủ theo một chiều duy nhất. Theo đó, bếp buộc phải có 2 cửa, một cửa bắt đầu nguyên liệu đầu vào, thực phẩm sống đến cửa đầu ra đồ ăn chín, đến chỗ ăn. Ở bếp một chiều, các khâu từ cửa vào: sơ chế, lưu trữ, nấu nướng, chia đồ ăn, phục vụ, thu dọn, rửa… phải tuân theo một chiều, các thực phẩm sống và thực phẩm chín không được lẫn lộn, trùng lặp. Việc tuân thủ bếp một chiều sẽ bảo đảm ATVSTP và các cấp dưỡng của bếp không bị cản trở nhau trong suốt quá trình làm việc. Ở Đà Nẵng, những trường đi đầu trong việc thực hiện mô hình bếp ăn một chiều này là mầm non Hồng Nhung, 20-10,… Từ năm 2008 đến nay, mô hình bếp ăn này được áp dụng ở hầu hết các bếp ăn của các trường mầm non công lập và tư thục trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.