.

Sách mới, sách hay

.

1. “Ngày nay, những gì độc giả đòi hỏi trong một cuốn sách là nó cần phải mở mang kiến thức, đưa ra chỉ dẫn và khích lệ. Tôi không thể nhiệt thành đề xuất nó cho bất kỳ mục đích hữu ích nào. Tất cả những gì tôi có thể gợi ý là khi bạn thấy mệt mỏi vì đọc “một trăm cuốn sách hay nhất”, có thể bạn đọc cầm lấy cuốn này trong nửa giờ thôi. Nó sẽ là một sự thay đổi đấy”. Tác giả Jerome Klapka Jerome tự giới thiệu về cuốn sách Suy nghĩ vẩn vơ của kẻ nhàn rỗi (NXB Văn học, dịch giả: Nguyễn Xuân Hồng)  khá thú vị của mình như thế. Quả đúng như lời dẫn của tác giả, cuốn sách không có một yếu tố về kiến thức, bài học, sự khích lệ nào để mọi người phải đổ xô đi tìm. Sức hút của cuốn sách có nội dung khá lạ này là những câu chuyện, những cảm xúc, sẻ chia chân thực đầy hài hước của “một kẻ rỗi hơi” bận rộn nhưng phải trải qua cực hình nghỉ ngơi. Nhiều người đọc sẽ tìm thấy bản thân hoặc một phần bản thân qua câu chuyện tưởng vẩn vơ nhưng không hề vẩn vơ chút nào của “kẻ nhàn rỗi” là tác giả tự nhận. Nếu bạn là người đọc sách nhiều đến một lúc thật khó để tìm thấy một cuốn sách có nội dung cuốn hút, mới mẻ, thì hãy dành nửa giờ đồng hồ để thử thay đổi với Suy nghĩ vẩn vơ của kẻ nhàn rỗi này!

2. Làm thế nào để ngoại tình với chồng (NXB Thanh Niên) là cuốn sách mới nhất của tác giả Hoàng Anh Tú trong bộ sách Nuôi dưỡng hôn nhân. Không ngoài nội dung chia sẻ những câu chuyện, “kỹ năng” nuôi dưỡng hôn nhân, làm mới, thắp lửa cho những cuộc hôn nhân đã có dấu hiệu già cỗi, song ấn phẩm lần này của Hoàng Anh Tú mang phong cách văn chương hoàn toàn khác những cuốn sách cùng bộ trước đó là Anh sẽ cưới em thêm nhiều lần nữa và Em muốn có một cuộc tình già với anh. Văn phong sôi nổi, hóm hỉnh mang suy nghĩ “không giống ai” của tác giả - thay vì tìm kiếm những điều mới lạ trong cuộc ngoại tình với người thứ ba, tại sao những người vợ, người chồng không tìm cách ngoại tình với chính người đầu gối tay ấp với mình mỗi ngày, để hâm nóng tình yêu, xốc lại cuộc hôn nhân của mình thực sự đáng để những người trong cuộc đọc thử?

3. Những nỗi buồn không tên (NXB Văn học) – Tựa đề cuốn sách như lời than vãn quen thuộc của những thiếu nữ lãng mạn (hoặc tự nhận mình lãng mạn) tưởng không còn gì đáng để đọc, nhưng sự kiên định của Linh – nữ tác giả của cuốn sách với đề tài quá cũ này là có lý do. Cuốn sách hoàn toàn không mang màu sắc sầu bi, ủy mị như bạn dễ lầm tưởng khi vừa chộp lấy bìa sách. Những nỗi buồn không tên giống như chiếc hộp kỳ diệu từ thế giới cổ tích thủ thỉ kể về những nỗi buồn tuổi trẻ, không của riêng ai, để rồi bạn sẽ thấy được an ủi, để khiến bạn biết rằng, sẽ luôn có những bàn tay cùng bạn đi qua những nỗi buồn trong cuộc đời…

NGỌC DUNG

;
.
.
.
.
.