.

Sách mới, sách hay

.

1. Nhắc đến Vũ Khoan, có lẽ nhiều người biết ông từng là Phó Thủ tướng phụ trách Kinh tế đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 2002-2006 và được xem là có nhiều đóng góp tích cực trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ và quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam. Trong cuốn “Vài ngón nghề ngoại giao” (NXB Chính trị quốc gia) của mình, ông đã đi sâu phân tích các kỹ năng cơ bản, quan trọng trong công tác ngoại giao: nghiên cứu, đàm phán, xử lý tình huống, ngoại giao đa phương, ngoại giao phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, công tác thông tin báo chí, lễ tân ngoại giao, soạn thảo văn bản, văn kiện, nói trong ngoại giao. Cuốn sách được xem là “cẩm nang gối đầu giường” cho cán bộ làm công tác ngoại giao cũng như tất cả các bạn đọc mong muốn nâng cao kỹ năng ngoại giao, đàm phán trong công việc và cuộc sống.

2. “Những tấm lòng cao cả” (NXB Hội Nhà văn) là một cuốn truyện viết cho trẻ em của nhà văn người Ý Edmondo De Amicis. Cuốn sách là những trang nhật ký của Enrico Bottini - một cậu học trò lớp 3 xuất thân trong gia đình thượng lưu. Vì hoàn cảnh, Enrico Bottini học chung lớp với những bạn xuất thân từ tầng lớp lao động. Chính trong môi trường đó, Enrico Bottini đã bộc lộ thiên hướng tính cách của mình. Không chỉ xoay quanh nhân vật chính Enrico Bottini, cuốn sách là những câu chuyện kể về tấm gương những thiếu niên dũng cảm của nước Ý, có những người hi sinh vì Tổ quốc. Có lẽ, thông qua “Những tấm lòng cao cả”, tác giả Amicis muốn gửi gắm đến các em thiếu nhi những bài học về đạo đức, cũng như vai trò quan trọng của nhà trường, người làm cha mẹ trong việc dạy dỗ trẻ em.

3. Có lẽ, chưa bao giờ, giới trẻ Việt lại sốt với trào lưu “đi khắp thế giới” như hiện nay. Từ “Xách ba lô lên và đi” của Huyền Chip, trào lưu này càng bùng nổ hơn. Họ đi và viết. “Bánh bèo phiêu lưu ký” của Ploy (NXB Văn học) cũng là một thể loại như vậy. Cuốn sách mang đến một cái nhìn thú vị về những hành trình đầy trải nghiệm và khám phá. Có những vùng đất rực lên màu văn hóa, trầm tích khiến tác giả mê mẩn nhưng cũng có những nơi khiến tác giả say mê chỉ bởi một cốc cà-phê ngon trong một ngõ ngách, con phố buồn… Tác giả đi với tâm thế thưởng thức trọn vẹn từng địa danh. Không ngại khó khăn, không ngại thử thách, không ngại cả cái nắng nóng như đổ lửa chỉ để chiêm ngưỡng bằng được một công trình đã được nghe hoặc thấy trên phim ảnh.

Hải Âu

;
.
.
.
.
.