.

Tự tin nắm bắt cơ hội

.

Sau 20 tháng tham gia Dự án Kỹ năng thành công cho thanh niên (S2S) do Tổ chức Save the Children và Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) thành phố phối hợp tổ chức, nhiều bạn trẻ đã nắm bắt những kỹ năng hỗ trợ tìm việc làm và tìm kiếm cho mình một phương án kinh doanh khá hiệu quả.

Tinh thần làm việc nhóm tại lớp đào tạo giảng viên nguồn.
Tinh thần làm việc nhóm tại lớp đào tạo giảng viên nguồn.

Tiếp cận việc làm bền vững

Cách đây gần 6 tháng, Hội thảo quốc tế với sự tham gia của 6 nước gồm Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Bangladesh, Ai Cập và Việt Nam đã được tổ chức nhằm đánh giá, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Dự án S2S. Tại đây, ông Erwin Nacuray, Phó đại diện Save the Children tại Việt Nam cho biết, dự án sau khi thực hiện tại Đà Nẵng và Cần Thơ đã giúp trên 2.000 thanh niên tiếp cận cơ hội có việc làm bền vững, trang bị kỹ năng khởi nghiệp với số vốn ít ỏi, trong đó có 70% tìm được việc làm hoặc tự tin khởi nghiệp. Có thể nói, trong bối cảnh khủng hoảng việc làm ngày một gia tăng trong giới trẻ, thì dự án S2S đã mang đến cho thanh niên thành phố một cơ hội để phát triển bản thân.

Trước đó, trong báo cáo tổng kết hoạt động S2S tại Đà Nẵng có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Qua đó, trong thời gian triển khai (từ tháng 3-2014 đến 11-2015), dự án S2S đã tổ chức 25 lớp đào tạo kỹ năng mềm (KNM), 8 lớp đào tạo kỹ năng khởi nghiệp, kinh doanh, tập huấn thực tập cho 650 sinh viên, 20 giảng viên nguồn về đào tạo KNM cho thanh niên… Đồng thời, dự án cũng đã tổ chức hoạt động Góc việc làm và Ngày hội tuyển dụng việc làm cho học sinh, sinh viên các trường: Cao đẳng nghề Đà Nẵng, Cao đẳng nghề du lịch, Cao đẳng Công nghệ (ĐH Đà Nẵng) và Cao đẳng nghề Việt Úc.

Tại xã Hòa Tiến, (huyện Hòa Vang), Nguyễn Thị Dung (SN 1992) biết đến dự án S2S thông qua facebook mang tên “Kỹ năng thành công” do Hội LHTN thành phố lập ra để kêu gọi bạn trẻ tham gia vào dự án. Tại đây, hằng ngày, Dung tìm hiểu và cảm thấy vô cùng thích thú trước những hình ảnh ghi lại hoạt động của lớp học. Không ngần ngại tìm kiếm cho mình một cơ hội, Dung gửi thư điện tử đăng ký và nhanh chóng nhận được phản hồi tích cực từ Ban tổ chức.

Dung chia sẻ, khi tham gia lớp tập huấn “Kỹ năng thành công cho thanh niên tự doanh” diễn ra trong 2 ngày, bạn học cách xây dựng ý tưởng, kỹ năng lãnh đạo, quản lý tài chính cá nhân, nhận được tư vấn kinh doanh từ những doanh nhân là khách mời trong chương trình. Muốn kinh doanh thành công, đầu tiên phải biết cách huy động vốn, khéo léo xử lý những tình huống bất ngờ xảy ra, khảo sát thị trường để biết người tiêu dùng cần gì, sau đó định ra một mức giá hợp lý, lên kế hoạch phân phối hàng hóa và hơn hết là phải xây dựng được một tập thể đoàn kết… “Mình đang ấp ủ ý tưởng xây dựng một hệ thống cung cấp nấm và rau sạch trồng tại xã Hòa Tiến nói riêng và huyện Hòa Vang nói chung cho các khách sạn, nhà hàng lớn ở Đà Nẵng. Để từng bước rút kinh nghiệm và nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng, trước mắt mình vẫn liên hệ với các trang trại để bỏ mối cho tiểu thương ở chợ, thời gian tới nếu dành dụm được số vốn kha khá, mình sẽ đồng hành với bà con nông dân trong việc tìm đầu ra cho hàng nông sản. Bởi, trong mình luôn đau đáu câu hỏi: Tại sao bà con mình sản xuất không tìm được đầu ra trong khi các khách sạn vẫn phải nhập hàng từ các tỉnh, thành khác về?”, Dung bộc bạch.

Không chỉ giúp học viên có thêm cơ hội tiếp cận cơ hội nghề nghiệp, Dự án S2S còn thực hiện đề tài Nghiên cứu thị trường lao động, xác định nhóm ngành nghề kinh tế mũi nhọn của thành phố, khảo sát nhu cầu kỹ năng cần có trong thanh niên nhằm phác thảo chương trình đào tạo phù hợp, sinh động giúp hình thành các kỹ năng thường xuyên ở bạn trẻ.

Trực tiếp tham gia vào khóa tập huấn nâng cao cho giảng viên về “Đào tạo KNM cho thanh niên”, chị Nguyễn Thị Tịnh Anh, giáo viên tiếng Anh, Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cho rằng, một người thầy tốt không chỉ giỏi về chuyên môn, giỏi trong cách truyền đạt kiến thức mà còn là điểm tựa tinh thần, biết sống gần gũi, biết lắng nghe học trò của mình. Cũng theo cô giáo Tịnh Anh, rất nhiều SV hiện nay chấp nhận làm trái ngành nghề đào tạo chỉ để có một việc làm. Khi đứng trước nhà tuyển dụng, không dám nói lên mức lương mình mong muốn, không tự tin trình bày ý tưởng, chưa trau chuốt lời ăn tiếng nói dễ dẫn đến những hiểu lầm đáng tiếc… Vì thế, việc tiếp cận với các khóa học KNM sẽ giúp các em có được một năng lực tốt để tự tin, khéo léo hơn và có cơ hội nắm bắt cơ hội nghề nghiệp ổn định, phù hợp với chuyên môn được đào tạo trong nhà trường.

Các học viên tự tin trình bày ý tưởng của nhóm mình. (Ảnh do dự án S2S cung cấp)
Các học viên tự tin trình bày ý tưởng của nhóm mình. (Ảnh do dự án S2S cung cấp)

Cơ hội không của riêng ai

Kết quả khảo sát thị trường lao động tại thành phố Đà Nẵng cho thấy, nhu cầu lao động các ngành, nghề du lịch, dịch vụ, kỹ thuật cơ khí, điện, may mặc luôn cao. Nguyễn Thị Tuyết Nhung, cựu sinh viên khoa Dịch vụ Nhà hàng, Trường Cao đẳng nghề du lịch cho biết, sau khi tham gia Dự án S2S, Nhung tự tin ứng tuyển vào vị trí lễ tân nhà hàng tại Naman Resort. Điều thú vị là trước đó Nhung đã vận dụng những kiến thức đã học được để viết một hồ sơ xin việc hoàn chỉnh, tự tin trả lời tất cả những câu hỏi lắt léo của nhà tuyển dụng, khoác lên mình bộ trang phục lịch sự, nhã nhặn và thường xuyên nở nụ cười trên môi. Và, theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ Nhung mà khá nhiều bạn trẻ tham gia dự án đã tìm được việc làm phù hợp với sở trường, được đơn vị sử dụng lao động đánh giá cao.

Ông Lu Thanh Tùng, chuyên gia Kỹ năng mềm, công tác tại Công ty Power Code (thành phố Hồ Chí Minh) tham gia giảng dạy tại S2S cho biết, dự án này chia đều cơ hội cho tất cả đối tượng thụ hưởng. Với trường nghề, giảng viên được đào tạo KNM, sinh viên có cơ hội tiếp cận nghề nghiệp qua các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm qua đó hoàn thiện kỹ năng trả lời phỏng vấn, viết đơn xin việc. Với bạn trẻ yêu thích kinh doanh, họ sẽ biết cách xây dựng ý tưởng, thực hiện nó và tìm kiếm kinh nghiệm từ những doanh nhân thành công trên thương trường. Dù thời gian thực hiện dự án chỉ kéo dài khoảng 20 tháng nhưng đã mang lại những tín hiệu tích cực cho thị trường lao động ở Đà Nẵng.

Điều được nhiều học viên nhắc lại khi tham gia các khóa tập huấn kỹ năng thành công cho thanh niên là không khí vui vẻ, gần gũi và gắn kết giữa mọi người. Ở đó, các bạn được lắng nghe, được chia sẻ, được trình bày ý tưởng, mong muốn (dù đôi lúc còn rụt rè, lúng túng), luôn nhận được sự động viên của cán bộ đứng lớp cũng như ánh mắt khích lệ từ những học viên còn lại.

Nguyễn Minh Phương, SV Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng nhớ lại, khi giảng viên cho lớp làm bài tập nhóm, viết ý tưởng lên giấy và trình bày trước mọi người, em đã cầu mong thầy đừng gọi mình lên trình bày. Nhưng cuối cùng điều Phương lo sợ cũng đến. Thầy gọi, nhóm động viên, thế là lên, là trình bày, là run nhưng cũng là vui, là trải nghiệm và rút ra nhiều bài học cho bản thân mình. Có thể nói, điều quan trọng nhất của người thuyết trình là phải tự tin, nói rõ ràng, khúc chiết những thông tin mà nhóm đã bàn bạc, thống nhất, cộng với đó là cách nói rõ ràng, rành mạch và ánh mắt luôn nhìn về phía người nghe.

Bà Lê Thị Thu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ đánh giá cao ý nghĩa và hiệu quả mà Dự án S2S mang lại cho gần 1.000 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn ở Đà Nẵng. Vì lẽ đó, tại Hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Dự án S2S có 6 nước tham gia, bà đã bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác, thực hiện mở rộng dự án S2S giai đoạn 2 trong thời gian tới, để ngày càng có nhiều thanh niên được hưởng lợi từ mô hình đặc biệt này.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.