.

Ấm áp tình quân dân

… Sau ngày mặt trận Đà Nẵng vỡ vào cuối tháng 12-1946, dần dần chiến sự lan rộng đến các huyện Hòa Vang, Điện Bàn, Duy Xuyên. Từ Thăng Bình vào huyện Tam Kỳ còn là vùng tự do nên có điều kiện đón nhận các đơn vị bộ đội về nghỉ ngơi sau một thời gian chiến đấu ở mặt trận phía bắc. Trong các năm 1948-1950, rất nhiều đơn vị về nghỉ ở làng Chiên Đàn thuộc xã Tam Đàn ngày nay mà chúng tôi không nhớ hết phiên hiệu, chỉ còn nhớ tên người chỉ huy như Tiểu đoàn ông Chiểu, đại đội ông Tý, trung đội anh Để, trung đội anh Học… Đơn vị bộ đội về nghỉ đầu tiên ở xóm tôi là Tiểu đoàn 41, Tiểu đoàn trưởng là ông Chiểu, quê Bình Trị Thiên. Ông ngoài 40 tuổi, người tầm thước, khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Trực thuộc tiểu đoàn còn có tiểu đội trinh sát, tiểu đội liên lạc đóng chung quanh tiểu đoàn bộ. Hằng ngày, các anh đi tập quân sự vào buổi sáng sớm, buổi chiều học chính trị, học văn hóa. Vui nhất là đêm nào bộ đội cũng sinh hoạt, hát hò nhộn nhịp ngoài sân. Không những trẻ con mà các chị trung niên, các ông bà già nhà quanh xóm cũng thích xem.

Thời gian này tại xã tôi đã bắt đầu thành lập Hội Mẹ chiến sĩ, Hội trưởng là bà Sáu Đào, Hội phó là bà Toàn ở thôn trên. Các bà đảm nhận công việc hội do lòng nhiệt tình, lòng yêu quý bộ đội là chính chứ các bà chưa từng được học, chưa biết được một chữ nào. Mỗi lần Hội Mẹ chiến sĩ định họp, Hội Phụ nữ cứu quốc phải hội ý trước với các mẹ để giúp việc viết giấy triệu tập. Khi các mẹ họp chị em phụ nữ phải cử người sang dự để viết giúp biên bản cuộc họp, đọc cho các bà nghe nội dung biên bản.Tuy vậy, công tác Hội Mẹ chiến sĩ vẫn chạy đều và số hội viên ngày càng đông.

Tết năm ấy, cũng là đầu năm 1948, tiểu đoàn 41 được lệnh đón tiếp cấp chỉ huy đến thăm. Sáng mồng hai, bộ đội từ các nhà dân, quần áo chỉnh tề, với súng ống tuy không đầy đủ nhưng trang nghiêm đến xếp hàng trước sân rộng của một nhà dân.

Độ mười phút sau, một người mặc quân phục màu đen, đi ngựa đến. Ông xuống ngựa, đến trước hàng quân, nói chuyện với bộ đội hồi lâu rồi cùng vị Tiểu đoàn trưởng vào nhà. Các bà mẹ chiến sĩ đến từ lâu nhưng còn chờ vị chỉ huy nói chuyện xong. Các bà mang đến mấy thùng bánh bét, bánh ú, bánh ít, thay mặt cho Hội Mẹ chiến sĩ xã, báo cáo với ông xin tặng quà Tết cho bộ đội. Ông mỉm cười, nói những lời cảm ơn hội rồi giao bánh cho tiểu đoàn phát ra từng đơn vị. Sau khi ông đi rồi, chúng tôi mới biết ông là Trung đoàn trưởng Đàm Quang Trung.

Ngày hôm sau, tiểu đoàn tổ chức liên hoan cho bộ đội để anh em trở ra mặt trận. Bữa liên hoan có nhiều thịt heo, thịt bò nấu với các loại rau đậu củ quả do nhân dân ủng hộ. Tại mỗi nhà dân, bộ đội đều mời cả gia đình cùng ăn với anh em trước lúc chia tay. Cả ông Tiểu đoàn trưởng cũng đến bên mâm tiệc kiểm tra, nếu thiếu một người trong thành viên gia đình là ông đi tìm, bắt ngồi vào cho kỳ được.

Chiều tối, anh em ra đi, được bà con trìu mến tiễn đưa ra tận đầu xóm. Có mẹ, chị, không nén nổi xúc động, đã để rơi nước mắt và nghẹn ngào không nói được câu gì. Phần anh em, cũng bùi ngùi lưu luyến, hẹn một ngày sẽ trở về gặp lại bà con.

Vào khoảng tháng 4 năm 1948, theo chủ trương của trên, một buổi lễ long trọng mà xúc động được tổ chức tại Đình làng Chiên Đàn, gọi là lễ Mẹ nhận con. Mỗi người mẹ chiến sĩ, nhà tương đối khá về kinh tế nhận một chiến sĩ làm con nuôi để giúp đỡ động viên anh em khi xa gia đình, và giúp đỡ về vật chất những lúc anh em ốm đau hoặc bị thương tật ngoài mặt trận.

Buổi lễ được tổ chức trang nghiêm và xúc động với sự tham dự của Ủy ban Nhân dân xã, đại diện các đơn vị có chiến sĩ được nhận, các đoàn thể như Hội Lão thành cứu quốc, Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, cùng đông đảo nhân dân trong xã.

Buổi lễ kết thúc. Mỗi bà mẹ ra về, dắt theo người con mới nhận, mẹ con đều vui vẻ, phấn khởi, thân mật, không có chút gì gọi là miễn cưỡng, bị áp đặt.

Đã gần 70 năm qua, ngày nay tôi vẫn còn nhớ tên một số anh em chiến sĩ được các bà mẹ xóm tôi đưa về gia đình, đứng vào hàng ngũ những người con ruột thịt. Đó là các anh Nguyễn Hồng Hương, quê Nghệ Tĩnh; anh Mục quê Thái Bình; anh Phí Quang Trung, quê một vùng cao Tây Bắc; anh Bồi quê Duy Xuyên; anh Ban quê Hòa Vang; anh Đề quê Bàn Thạch. Về sau, hết chiến tranh chống Pháp, trừ một số hy sinh trong chiến đấu, số mất tích do thiên tai, còn lại hai chiến sĩ vẫn gắn bó với gia đình mẹ nuôi, dù mẹ nuôi qua đời đã lâu.

Nhớ lại chuyện xưa, chúng tôi vừa thương yêu cảm phục bộ đội ta những ngày đầu đánh Pháp, luôn luôn gần gũi với nhân dân. Dẫu cho thiếu thốn trăm bề, từ vũ khí đạn dược đến lương thực, thuốc men, chiến sĩ ta lúc nào cũng lạc quan, vui tươi ca hát lúc về hậu phương, và hăng say chiến đấu dũng cảm quên mình nơi tiền tuyến, giành được nhiều thắng lợi to lớn, và cuối cùng là đánh bại hoàn toàn quân xâm lược.

PHAN THỊ MỸ KHANH

;
.
.
.
.
.