.

Chỉ anh say tiếng để đời đời...

.

Trong gia tài văn hóa của tiên tổ để lại cho chúng ta có cả di sản văn hóa uống rượu. Vậy mà ngày nay, con cháu uống rượu chỉ để mà... uống chớ mấy ai hiểu được nét tinh hoa trong cách thưởng ngoạn này.

Hầm rượu cổ Debay, dấu tích rượu Tây đến Đà Nẵng, được người Pháp xây dựng năm 1923, ngày nay thuộc Bà Nà Hills.
Hầm rượu cổ Debay, dấu tích rượu Tây đến Đà Nẵng, được người Pháp xây dựng năm 1923, ngày nay thuộc Bà Nà Hills.

1. Khi bàn về chuyện thưởng rượu thì ngay cả kẻ mới nhập môn cũng nằm lòng câu “trà tam, tửu tứ”. Có người cho rằng, uống trà không quá 3 chung (pha 3 lần nước). Vì lúc đó trà nhạt mất ngon. Và uống rượu không quá 4 chén, vì dễ say, sẽ gây ra chuyện không nên có. Cũng có kẻ luận bàn rằng, uống trà là để đàm đạo văn chương, thế sự nên chỉ cần ba người là đủ. Còn uống rượu là để đàm tiếu những hỉ nộ ái ố trong đời nên cần đông hơn mới rôm rả…

Thời xưa, ông bà mình uống rượu bằng chén mắt trâu (chén nhỏ), nếu có cạn cả chén thì vẫn chưa thấm vào đâu. Nhưng chẳng ai cạn cả chén một lần. Như thế là “thực bất tri kỳ vị”. Uống rượu phải là tay nâng chén rượu lên môi, khẽ  khàng nhấp một hớp nhỏ, chép miệng thật nhẹ cho hương vị của rượu lùa vào đầu lưỡi trước khi trôi vào vòm họng và nghe men nồng thăng hoa trong từng mạch máu… Cứ thế mà tiếp tục uống hớp thứ hai, thứ ba… cho đến khi hết chén. Uống như thế người ta gọi là thưởng rượu.

Nhưng lẽ thường không phải lúc nào đủ 4 người mới uống rượu. Có lúc gặp bạn hiền tri kỷ cùng nhau đối ẩm để ôn chuyện xưa, luận chuyện nay. Lắm khi một mình một chén (độc ẩm) suy tư chuyện mình, chuyện người. Trong phim cổ trang, thỉnh thoảng người ta thấy các  nhân vật anh hùng hảo hán, khi gặp nhau thường uống từng bát lớn, thậm chí cầm cả vò rượu to đùng mà uống. Đó là cách uống rượu của kẻ hào sảng, vượt ra ngoài cái khuôn khổ thường tình.

Gian hàng rượu cần của người Cơtu thôn Phú Túc, huyện Hòa Vang, tại Hội chợ Xuân 2016 ở Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L
Gian hàng rượu cần của người Cơtu thôn Phú Túc, huyện Hòa Vang, tại Hội chợ Xuân 2016 ở Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L

2. Người Việt biết đến các loại rượu Tây từ khi người Pháp mang vào với chút kiêu kỳ dành riêng cho đẳng cấp quý tộc. Ở Đà Nẵng, dấu tích còn để lại của cuộc “đô hộ” về rượu là Hầm rượu cổ Debay do ông chủ của Tập đoàn Morin Frère, người đầu tiên xây dựng khách sạn Morin ở Bà Nà sử dụng làm nơi cất giữ rượu, đặc biệt là rượu vang - một sản phẩm được xem là quốc hồn quốc túy mà người Pháp mang sang để sử dụng. Hầm rượu gần trăm tuổi này được xây dựng xuyên vào lòng núi từ năm 1923, có hẳn một bar rượu là nơi ngày xưa những ông chủ biệt thự, hay ông chủ khách sạn tại Bà Nà thưởng thức rượu và thết đãi khách quý.

Ngày nay, khách lên tham quan Bà Nà Hills không dễ bỏ qua một cuộc đi “xuyên lòng núi” để tận mắt chiêm ngưỡng những “bí mật” về rượu gần trăm năm trước, từ các hầm cất giữ rượu, hầm chưng cất rượu cho đến bar rượu, lò sưởi, sảnh. Hầm rượu nằm sâu trong lòng núi, nên nhiệt độ ở đây chỉ khoảng 16 – 200C, là nhiệt độ lý tưởng không chỉ cho việc cất giữ các loại rượu vang mà còn cho cả việc thưởng thức rượu. Bên những thùng gỗ sồi, những ly, những chai... được bày biện theo cách ngày nay người ta gọi là nghệ thuật sắp đặt, khách nhấm nháp một chút vang sẽ có cảm giác mình như những khách quý ngày xưa xuống dưới lòng núi và cảm nhận được sự tinh tế, vẻ tao nhã của hương vị thức uống đến từ phương Tây này.

Đường Trần Phú, Đà Nẵng, có quán Le Paris, nơi cũng có một hầm rượu “bỏ túi”. Một ô vuông nhỏ có gắn hai chữ Pháp “La Cave” (Hầm rượu), bên trong xếp ngăn nắp các loại vang đến từ xứ sở Tây phương. Ông chủ quán rượu phong cách Pháp này cho biết, nếu thưởng trà có trà đạo thì thưởng rượu, đặc biệt là vang, cũng phải theo một nghi thức gọi là tửu đạo. Người sành điệu thưởng rượu bằng cả 5 giác quan.

Phải dùng ly thủy tinh mỏng, trong veo để có thể nhìn thấy rượu sóng sánh sắc màu khi ta lắc nhẹ. Ghé mũi vào miệng ly để cảm nhận hương vị của cánh đồng nho bạt ngàn cất giấu đâu đó trong men rượu. Đưa tay nâng ly khẽ chạm vào ly của người đối ẩm để nghe tiếng thủy tinh reo vang thay lời chúc tốt đẹp. Ngậm một chút vang trong vòm miệng, mắt khẽ khép hờ để lắng nghe từng giọt nồng từ từ lan tỏa khắp lưỡi trước khi bềnh bồng trôi vào vòm họng…

Cho dù là rượu ta hay rượu Tây thì việc uống rượu vẫn phải đạt đến cái đích của văn hóa thưởng rượu.

3. Chưa có thứ đồ ăn, thức uống nào có một cuộc xâm lấn ồ ạt vào thi ca như rượu và để lại những thi phẩm ngàn đời làm say đắm nhân gian. Rượu và thơ xưa nay vốn là “cặp đôi hoàn hảo”. Đôi khi rượu còn là thơ, là tình, là ý. Uống rượu để làm thơ được xếp vào hàng Tiên tửu. Còn kẻ phàm phu chỉ mượn rượu để làm chuyện phóng đãng, đồi bại thì gọi là Tục tửu. Còn uống chỉ cốt để tìm sự sảng khoái, uống chỉ vì thích thì được liệt vào hàng Thường tửu.

Thi tiên Lý Bạch không uống rượu thì làm sao để lại cho đời bài thơ “Tương tiến tửu” (Mời uống rượu) bất hủ. Tư mã áo xanh Bạch Cư Dị nhấp chén rượu sầu mà làm nên khúc “Tỳ bà hành” đầm đìa vạt áo, lay động tâm can. Đó là chuyện bên Tàu, còn ở Việt Nam ta, ai cũng biết cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm lúc từ bỏ chốn quan trường về quê ở ẩn vui thú điền viên đã để lại đời những chiêm nghiệm sâu sắc bên chén rượu nồng: “Rượu đến cội cây ta sẽ uống/ Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”. Nhiều sách vở còn lưu lại rằng sinh thời đại thi hào Nguyễn Du cũng là một tay thi tửu bậc nhất. Chẳng phải vì vậy mà những câu thơ Kiều của cụ còn vọng mãi đến ngày nay hay sao?

Rượu, với các dân tộc thiểu số, là lễ vật dâng cúng thần linh. Người Ba-na, Ê-đê, Cơ-tu thường dâng lên cúng Giàng ché rượu cần đầu tiên do tay người con gái xinh đẹp giỏi giang làm ra. Với họ, rượu là cái gì thiêng liêng, cao quý.

Đến Tây Nguyên trong những ngày lễ hội đầu năm mới, khách viễn du sẽ phải lao đao theo câu hát lý lơi: “Rượu cần lâu năm cất trong đáy mắt em/ Anh vít cần, vít cần mà không dám uống…”. Không đầm đìa vạt áo như Bạch Cư Dị, không chiêm nghiệm sâu sắc như Nguyễn Bỉnh Khiêm, đơn giản chỉ là trong giây phút thăng hoa bất chợt đó không ai dại gì làm vơi đi men tình giấu trong đáy mắt. Có thể người ta lặng đi một lát, để cho tiếng chiêng tiếng cồng vang vọng khắp núi khắp rừng rồi tan đi giữa đại ngàn u tịch, lúc đó mới trịnh trọng vít cần như một nghi lễ và khẽ khàng thưởng ngoạn hương vị cất giấu lâu năm…

4. Trong gia tài văn hóa của tiên tổ để lại cho chúng ta có cả di sản văn hóa uống rượu. Vậy mà ngày nay, con cháu uống rượu chỉ để mà... uống chớ mấy ai hiểu được nét tinh hoa trong cách thưởng ngoạn này. Việc uống rượu không còn mang vẻ tốt đẹp như xưa nữa, thậm chí những hệ lụy từ sau cuộc nhậu để lại bao nhiêu đau khổ và nước mắt cho nhiều người.

Xét cho cùng, rượu không có tội trong những hệ lụy do con người gây ra sau cuộc nhậu. Người xưa bảo: Tửu bất túy nhân, nhân tự túy. Sắc bất mê nhân, nhân tự mê. Rượu không tự nhiên làm say người, chỉ có người tự làm mình say. Sắc đẹp không tự nhiên làm người mê muội, chỉ có người tự mình đắm mê trong sắc đẹp.

Lý Bạch trong bài “Tương tiến tửu” có hai câu để đời “Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch/ Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh”, được Trần Trọng Kim dịch thơ: “Bao hiền thánh xưa kia lặng lẽ/ Chỉ anh say tiếng để đời đời”. Hãy thưởng rượu và “tiếng để đời đời” như Lý Bạch, Nguyễn Du... Đừng uống rượu rồi gây ra những hệ lụy khôn lường để lại tai tiếng trong người đời...

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.