Học từ quá khứ

.

“Cuộc sống chia làm ba thì – đã từng, hiện đang, và sẽ là. Chúng ta hãy học từ quá khứ để hưởng thành quả nhờ và từ hiện tại, để sống tốt đẹp hơn trong tương lai”. (William Wordsworth, 1770 – 1850, nhà thơ lãng mạn người Anh).

Quá khứ cho thế hệ hiện tại nhiều bài học và làm con người sống tốt đẹp hơn trong tương lai.  TRONG ẢNH: Dâng hương tưởng niệm nghĩa sĩ tại Nghĩa trủng Hòa Vang. Ảnh: V.T.L
Quá khứ cho thế hệ hiện tại nhiều bài học và làm con người sống tốt đẹp hơn trong tương lai. TRONG ẢNH: Dâng hương tưởng niệm nghĩa sĩ tại Nghĩa trủng Hòa Vang. Ảnh: V.T.L

Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại (1761 – 1829) là một gương mặt lớn trong lịch sử nước nhà, người đã có công mở đất, đào kinh đem lại sự trù phú cho vùng Châu Đốc (An Giang), Hà Tiên ngày nay. Thế nhưng, mãi một thời gian dài, không ai biết ông quê quán ở đâu.

Trước năm 1975, nhà nghiên cứu sử học Võ Hương An (Võ Văn Dật) một lần về làng An Hải, được hai vị cao niên trong làng cho xem một số giấy tờ bằng chữ Hán, trong đó có tờ trát của quan lớn Bảo Hộ tán thành việc làng cho lập chợ. Qua tìm hiểu, đối chiếu văn bản với thực tế, ông An xác định “quan lớn Bảo Hộ” tức Thoại Ngọc Hầu quê làng An Hải, ngài từng giữ chức trấn thủ đồn Châu Ðốc kiêm Trấn thủ Hà Tiên, lãnh nhiệm vụ bảo hộ nước Cao Miên (thuộc địa của Việt Nam dưới triều Minh Mạng), nên còn được gọi là Bảo Hộ Thoại.

Kể lại chuyện này trong bài viết “Chuyện Đà Nẵng chưa ai kể” (đặc san Quảng Nam – Đà Nẵng, xuất bản ở Hoa Kỳ, 2000), tác giả Võ Hương An gửi gắm: “Tôi muốn đứng giữa làm gạch nối Châu Ðốc và Ðà Nẵng, để hai bên, những người còn mang nặng lòng tri ân và tưởng nhớ tới Thoại Ngọc Hầu, có thể gặp gỡ nhau mở rộng tình tương thân tương ái giữa hai quê hương cùng một danh nhân”.

“Gạch nối” đã được Châu Đốc - An Giang và Sơn Trà - Đà Nẵng thực hiện qua những lần kỷ niệm ngày mất của danh nhân làng An Hải tại Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà). Gần đây nhất, tối 9-7-2016 (nhằm ngày 6-6 Bính Thân), những người con của hai quê hương đã ôn lại hành trạng của người xưa và tự nhủ sẽ sống sao cho xứng đáng với những gì người xưa đã để lại.

Đó là chuyện hữu ngạn sông Hàn. Phía tả ngạn có ít nhất 3 di tích lưu dấu cuộc tấn công xâm lược của phương Tây vào Đà Nẵng năm 1858: Thành Điện Hải, Nghĩa trủng Hòa Vang, Nghĩa trủng Phước Ninh. Nếu Nghĩa trủng Hòa Vang (nay thuộc phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) chiêng trống rền vang giữa hơn nghìn ngôi mộ xưa trong lúc chừng đó học sinh thắp ngọn nến tưởng nhớ anh linh nghĩa sĩ vào mỗi lễ Tưởng niệm nghĩa sĩ Đà Nẵng hằng năm thì thành Điện Hải lâu nay xem ra vẫn còn im ắng.

Vừa qua, lãnh đạo thành phố đã quyết định đánh thức cuộc “ngủ đông” của di tích xưa qua đề án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích thành Điện Hải. Về công trình sẽ khởi công trong năm 2017 này, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Đà Nẵng Huỳnh Văn Hùng bày tỏ: “Nếu biết trân trọng, bảo vệ, gìn giữ, phục hồi thì thành Điện Hải sẽ là một địa chỉ lý tưởng để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau, sẽ là một điểm tham quan, nghiên cứu rất tốt cho du khách khi đến Đà Nẵng. Ai đi nước ngoài đều thấy họ quý trọng di tích văn hóa, lịch sử nước mình như thế nào”.

Cũng xuất phát từ sự quý trọng di tích, UBND quận Ngũ Hành Sơn từ ngày 3-4-2016 đã quyết định giao Khu căn cứ cách mạng K20 về cho Ban Quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn thay vì UBND phường Khuê Mỹ quản lý. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, K20 là một trong những nơi diễn ra phong trào đấu tranh cách mạng mạnh mẽ. Nhân dân nơi đây không chỉ trực tiếp tham gia kháng chiến mà còn xây dựng hệ thống hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, cất giữ vũ khí, lương thực, đạn dược, thuốc men…, góp phần làm nên thắng lợi chung của phong trào cách mạng ở Đà Nẵng.

Ông Đỗ Dũng, Phó ban Quản lý Khu di lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn kiêm Tổ trưởng Tổ quản lý Khu căn cứ cách mạng K20, cho hay đơn vị đã lập phương án xây dựng một số hạng mục trên diện tích 6ha của K20 để tạo sản phẩm du lịch mới. Các đoàn đến thăm có thể tổ chức các hoạt động tại khu sinh hoạt cộng đồng, thưởng thức các món ăn dân dã mà cán bộ, bộ đội cách mạng ở đây từng dùng như: bánh bèo, bánh đúc, khoai lang, đậu phộng... Ghé qua quầy hàng lưu niệm để chọn một số hiện vật gắn với nét đặc trưng của K20 và Ngũ Hành Sơn hoặc dừng chân nơi sân khấu ngoài trời để nghe các “nghệ sĩ của nhân dân” hô/hát bài chòi, dân ca Khu 5...

Từ ngày 3-4 đến đầu tháng 12-2016, K20 đã đón 1.223 khách đến thăm, trong đó có 262 khách nước ngoài. Theo ông Lê Viết Thắng, Tổ phó Tổ quản lý K20, khách được giới thiệu tổng quan về K20, hoàn cảnh ra đời, diễn biến của khu căn cứ và ý nghĩa lịch sử - nhân văn mà nó để lại. Khách nước ngoài ít hỏi về những vấn đề chính trị, nhưng khách trong nước thì “vặn vẹo” rất kỹ, như tại sao K20 nằm sát nách Sân bay Nước Mặn – một căn cứ không lực của quân Mỹ tại Đà Nẵng trước năm 1975, mà không bị lộ. Điều rất dễ hiểu là vì dân nơi đây một lòng đi theo cách mạng…

Toàn bộ K20 có khoảng 150 hầm bí mật, nay chỉ còn mỗi hầm bí mật nhà ông Huỳnh Trưng (sâu 1,5m, rộng 80cm, dài 15m) trở thành di tích. Trong các hiện vật còn lưu lại ở Nhà truyền thống K20 có một cây đèn dầu ngày trước được dùng để báo hiệu cán bộ, bộ đội bên kia sông Đò Toản (còn gọi là sông Cổ Mân, hội lưu với sông Cẩm Lệ, sông Hàn thành ngã ba sông). Sáng đèn là an toàn, báo hiệu cán bộ, bộ đội vượt sông ghé qua K20 và ngược lại. UBND thành phố đã thống nhất chủ trương xây dựng một bến du thuyền tại bến sông gần K20 nên trong tương lai khách có thể trải nghiệm những chuyến vượt sông trinh sát như cán bộ cách mạng năm xưa.

Khách cũng có thể ghé qua phòng chiếu phim có sức chứa 50 người để xem các bộ phim tư liệu về K20, trong đó có phim Căn cứ “lõm” K20 do Trung tâm Phát thanh – Truyền hình Quân đội (Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng) thực hiện và đã phát sóng trên kênh QPVN ngày 7-11 vừa qua.

Có “lý lịch” cách mạng như K20 là Khu căn cứ B1 – Hồng Phước, nay thuộc phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu. Khu căn cứ cách trung tâm Đà Nẵng chưa đầy 10 cây số đường chim bay này có 64 hộ dân đều là cơ sở cách mạng, có 46 hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, bộ đội, du kích mà không hề bị lộ. Để lưu giữ di tích này, UBND thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đài bia và Nhà truyền thống di tích lịch sử cách mạng Khu B1 – Hồng Phước.

Tác giả John Dewey (1859 - 1952, Hoa Kỳ) viết trong cuốn “Dân chủ và giáo dục - một dẫn nhập vào triết lý giáo dục” (NXB Tri Thức, tháng 3-2010, dịch giả Phạm Anh Tuấn): “Nhưng hiểu biết về quá khứ lại là chìa khóa để hiểu hiện tại. Môn Lịch sử đề cập quá khứ, song quá khứ lại là lịch sử của hiện tại”. Người Đà Nẵng đã và đang bảo tồn, tu bổ, phục hồi quá khứ hiển linh. Bởi, quá khứ cho thế hệ hiện tại nhiều bài học và làm con người sống tốt đẹp hơn trong tương lai...

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.