Khi chính quyền "gặp" dân trên mạng

.

Với mong muốn xây dựng một chính quyền gần dân, bên cạnh phương thức tiếp dân truyền thống, thành phố Đà Nẵng xây dựng hệ thống thông tin điện tử giúp cho  quá trình giao tiếp giữa chính quyền với người dân ngày càng thuận lợi hơn.

Tổ chức các buổi đối thoại trực tuyến giữa lãnh đạo các sở và người dân, doanh nghiệp là cách làm mới của Đà Nẵng. (Ảnh do Cổng Thông tin điện tử thành phố cung cấp)
Tổ chức các buổi đối thoại trực tuyến giữa lãnh đạo các sở và người dân, doanh nghiệp là cách làm mới của Đà Nẵng. (Ảnh do Cổng Thông tin điện tử thành phố cung cấp)

Dân hỏi, trang tin điện tử trả lời

Anh Đỗ Đức Quang (trú huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) gửi câu hỏi đến Cổng thông tin điện tử của thành phố ở địa chỉ danang.gov.vn với nội dung: Vừa qua, gia đình tôi nhận được thông tin ông bác tôi (là liệt sĩ) hiện đang được chôn cất tại một nghĩa trang ở thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, người báo tin không biết chính xác bác tôi được chôn ở nghĩa trang nào. Anh/chị có thể cho tôi biết trang thông tin nào tra cứu mộ liệt sĩ ở Đà Nẵng không? Gia đình tôi cũng muốn trực tiếp vào đó xác nhận thông tin. Xin anh/chị cho biết quy trình làm việc với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội khi tìm kiếm thân nhân hoặc nếu đã tìm thấy thì có bốc hài cốt được không? Ngay khi nhận được câu hỏi của anh Quang, cán bộ của Cổng thông tin điện tử thành phố (Cổng TTĐT) chuyển câu hỏi đến cơ quan liên quan và phản hồi lại trong vòng 3 ngày. Tuy vậy, nhận thấy đây là vấn đề quan trọng mang tính nhân vân, cán bộ của văn phòng sợ gia đình anh Quang không nhận được phản hồi nên đã liên hệ trực tiếp bằng điện thoại để thông báo cho anh biết.

Tương tự, bà Hồ Thị Yên (là người dân Đà Nẵng, hiện đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh) nêu câu hỏi: Tôi xa quê hương đã lâu, nay có mong muốn về quê thuê đất để mở nhà hàng thì thủ tục hành chính như thế nào? Ngay sau đó, thông qua trang tin điện tử của Sở Công thương, bà Yên được tư vấn chi tiết từng nội dung câu hỏi của bà.

Không chỉ là kênh để giải đáp thắc mắc về các thủ tục hành chính, pháp lý, các trang TTĐT còn là nơi người dân góp ý chính quyền khi phát hiện những vấn đề thiếu sót, bất cập trong công tác quản lý. Thời điểm năm 2014, khu vực trước cổng siêu thị Big C mang tiếng là bãi đậu xe nhưng hầu như chỉ có cánh taxi là có… đặc quyền đậu. Người dân (đi ô-tô) muốn vào siêu thị phải để xe ở rất xa rồi đi bộ vào, nếu đậu xe trước siêu thị là bị bẻ gương, thậm chí hành hung. Một người dân sau đó đã gửi phản ảnh đến Sở Giao thông vận tải và chỉ vài ngày sau, Thanh tra Sở đã trực tiếp xuống chỉ đạo và giải quyết dứt điểm, trả lại bãi đậu xe công cộng cho người dân.

Trên đây chỉ là số ít trong số hàng nghìn câu hỏi thuộc nhiều lĩnh vực được người dân gửi về Cổng TTĐT thành phố để mong được giải đáp cặn kẽ. Theo thống kê của Cổng TTĐT, mỗi ngày có gần 20 câu hỏi được gửi đến và được trả lời, trung bình mỗi năm 700 câu. Theo quy định tại Nghị định 43 của Chính phủ về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang TTĐT hoặc cổng TTĐT của cơ quan Nhà nước, các thắc mắc người dân gửi đến trang tin điện tử của chính quyền được trả lời trong vòng 7 ngày (đối với câu hỏi có nội dung đơn giản) và 15 ngày (đối với câu hỏi có nội dung phức tạp). Tuy nhiên, riêng ở Đà Nẵng, hầu hết các câu hỏi của người dân đều được các sở, ngành phản hồi trong khoảng thời gian 3 ngày. Điều đó cho thấy sự tiện ích trong việc giao tiếp qua cổng TTĐT giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Ông Tạ Tự Bình, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết, ngoài nhận các câu hỏi thắc mắc của người dân tại trang tin điện tử riêng của sở, mỗi ngày Sở Tư pháp đều nhận câu hỏi từ Cổng TTĐT chuyển qua. Với mỗi thắc mắc của người dân, ông đều đôn đốc, nhắc nhở các phòng chuyên môn nhanh chóng trả lời trong khoảng thời gian từ 1-2 ngày. Sau đó, ông sẽ xem lại và ký công văn xuất bản đến người dân. Theo ông, chính thời gian trả lời dân nhanh/chậm là khuôn thước đo lường hiệu quả xử lý công việc của cơ quan chính quyền. Cổng TTĐT và thư điện tử đã trở thành kênh thông tin quan trọng cho công tác tiếp dân và trả lời thắc mắc của người dân.

Đa kênh tiếp nhận

Theo ông Trương Điện Thắng, Phó Giám đốc Cổng TTĐT thành phố Đà Nẵng, mô hình chính quyền điện tử được UBND thành phố quan tâm và đầu tư. Người dân nhận được câu trả lời mà không phải trực tiếp đến cơ quan công quyền, không chỉ giảm gánh nặng cho việc tiếp dân ở văn phòng mà còn giảm phiền hà cho người dân. Nhờ sự tiện ích này mà số lượng người dân liên hệ, giao dịch với chính quyền thông qua mạng ngày càng tăng.

Hiện nay, không chỉ có một kênh tiếp nhận thông qua Cổng TTĐT danang.gov.vn, mà người dân có thể tra cứu thông tin về thủ tục hành chính, tra cứu hồ sơ tại địa chỉ: egov.danang.gov.vn. Đây là trang TTĐT của Hệ thống một cửa điện tử thành phố. Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, từ ngày áp dụng mô hình một cửa điện tử, thành phố đã xử lý trên 100.000 hồ sơ, trong đó có hơn 11.000 hồ sơ được nộp trực tuyến. Ngoài ra, tất cả các sở, ngành, quận, huyện, xã, phường đều xây dựng các trang tin điện tử riêng. Trên giao diện các trang thông tin điện tử đều công khai địa chỉ thư điện tử, số điện thoại của lãnh đạo khi công dân cần liên hệ; các mục: Hỏi - đáp, đối thoại, trả lời phản ánh, đơn thư của người dân... đều có cán bộ chuyên môn phụ trách.

Bên cạnh kênh trả lời qua trang tin điện tử, thành phố còn có nhiều cách làm mới với mong muốn có nhiều kênh thông tin để tiếp cận những vấn đề thắc mắc của người dân. Đơn cử như hiện nay tại phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà) đang thực hiện việc “Tiếp nhận thông tin và giải quyết sao lục hồ sơ hộ tịch qua điện thoại”. Đây là sáng kiến kinh nghiệm của ông Nguyễn Hữu Nam (Bí thư Đảng ủy phường Phước Mỹ).

Theo ông Nam thì hiện nay, nhu cầu người dân đề nghị sao lục hồ sơ hộ tịch từ sổ bộ hộ tịch là rất lớn (từ 200 đến 300 trường hợp/năm). Tuy nhiên, khi có nhu cầu, người dân trực tiếp đến đề nghị xin sao lục phải đợi công chức Tư pháp - Hộ tịch dò tìm sổ bộ để tìm nội dung hộ tịch công dân cần sao nên thời gian chờ đợi tương đối lâu  hoặc phải hẹn lại vào thời gian khác. Như vậy công dân phải đi lại nhiều lần tốn thời gian.

Do đó, ông xây dựng sáng kiến này nhằm khi công dân có nhu cầu sao lục hồ sơ hộ tịch, chỉ cần điện thoại đến UBND phường qua số điện thoại đã được công bố (05113.831179) và yêu cầu UBND phường sao lục hồ sơ hộ tịch, số lượng bản sao, trong giờ hành chính - từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần. Sau đó, cuối giờ làm việc mỗi buổi, người dân đến nhận hồ sơ mình cần.

Hiện tại, UBND thành phố đang triển khai các chương trình “đối thoại trực tuyến” (bảo đảm 1 năm 8 chương trình), trong đó, mời lãnh đạo các sở, ban, ngành đến trực tiếp đối thoại, giải đáp thắc mắc của người dân, doanh nghiệp. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên cổng TTĐT:

oithoai.danang.gov.vn. Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, việc thành lập đa kênh tiếp nhận phản ánh, góp ý, thắc mắc của người dân sẽ không tránh khỏi hiện tượng “nhiễu” thông tin. Tuy vậy, hiện nay, tất cả thông tin đều được kiểm soát thông qua tổng đài dịch vụ công, để hướng đến một nền hành chính hiện đại. Hằng tuần, hằng tháng, tổng đài đều có báo cáo thống kê các dịch vụ của tổ chức, công dân. Từ những phản ánh đơn thuần như đứt dây điện thoại, bể ống nước, cúp điện… đều được tổng đài theo dõi quản lý chặt chẽ.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.