.
Nghĩ

Sai

.

Có một điều rất “độc đáo” trong chương trình lớp 1 đó là những câu hỏi rặt sự trừu tượng lại chả cần sự tưởng tượng của người trả lời, thậm chí tưởng tượng là quá thừa thãi vì chỉ có duy nhất một đáp án, bất chấp hợp lý hay không. Kiểm tra sách của con, thấy một bài còn bỏ trống. Như mọi lần, mẹ sẽ hướng dẫn con cách làm để hoàn thành nốt, nhưng lần này mẹ nghĩ nát óc chưa ra.

Ở bài số 4, trang 48, sách Toán lớp 1 có vẽ hình 3 cậu bé đang chạy tung tăng bên cạnh một bạn khác đứng cầm quả bóng và vẫy tay chào. Yêu cầu duy nhất của bài là “Viết phép tính thích hợp”, kèm theo 5 ô trống điền phép tính. Mẹ chẳng trách khi con chừa bài này vì đến mẹ học mười mấy năm trời còn bó tay. Mang bài toán đi hỏi những bà mẹ khác, họ bảo… không hiểu. Và rồi các mẹ cũng được sáng rõ nhờ sự “chỉ dạy” của các bé đã học trước lớp 1. Hóa ra là bạn đứng cầm quả bóng đó vẫy tay gọi 3 bạn khác đến cùng chơi, nên ta phải làm phép tính 1+3=4. Đơn giản có thế.

Mẹ nghĩ hoài, nhìn hình này cũng giống cảnh một bạn đứng vẫy tay chào tạm biệt 3 bạn còn lại nên ta có thể làm 4-1=3 (Có tổng 4 bạn nhưng 1 bạn phải ra về nên còn 3 bạn) hoặc 4-3=1 (Có tổng 4 bạn nhưng 3 bạn không chơi bóng nữa chỉ còn 1 bạn cầm bóng). Kiểu vậy. Mẹ suy luận mấy cách và dĩ nhiên đều “sai”.

Hôm sau, hôm sau nữa, con lại phải tiếp tục “rèn luyện” viết phép tính “thích hợp” cho những hình vẽ trừu tượng ấy, nhưng thay vì bạn trai thì là bạn gái, là chim, ngựa, cá, mèo. Trải qua nhiều bài tập, vỡ ra thế nào là “thích hợp”, con làm đúng ro ro mà chẳng cần sự giải thích thêm của mẹ. Hễ nhìn thấy hình người hoặc vật quay đầu vào nhau, con làm tính cộng; quay lưng lại với nhau, con làm tính trừ. Khỏi suy luận, khỏi đoán già đoán non.

Mẹ không buồn khi con làm sai hoặc chừa trống những bài không hiểu, nhưng nhìn kết quả con đúng tăm tắp, mẹ sợ. Mẹ sợ sự sáng tạo, tưởng tượng trong con bị triệt tiêu trước khi được vun đắp. Và cái sợ của mẹ đã không xa vời vì giờ đây, chỉ sau 3 tháng vào lớp 1, với những bài tập như thế, con nhắm mắt cũng tính được vì: Dễ ẹc!...

Con chưa biết lướt mạng đọc tin tức xem thiên hạ ồn ào với nhau những chuyện gì nên không biết chuyện cô kỹ sư 24 tuổi sau chương trình “Ai là triệu phú” bỗng nổi tiếng vì… “quá dốt!”. Chuyện là cô ấy không biết món canh cua phải nấu với rau đay nên cứ phân vân muốn chọn thêm “củ cải”, “mộc nhĩ”, “súp lơ xanh” như những gợi ý thêm của chương trình. Thế là cô ấy trở thành đề tài bàn tán… xuyên biên giới. Người trẻ, người già, nhà văn, nhà xã hội học, người trong nước, ngoài nước và hội các bà mẹ có con gái đều nhiệt tình lên tiếng. Người ngạc nhiên “sao dốt thế?”, người bênh vực “dốt cái này, giỏi cái khác, thường thôi!”. Và cứ thế, dư luận cãi cọ nhau liên hồi.

Người ta cãi nhau là phải, bởi tất cả đều đã hoàn thành rất xuất sắc chương trình lớp 1! Rằng đáp án bao giờ cũng chỉ có thế, cứ khác đi là sai, là dốt, dẫu câu hỏi vô cùng trừu tượng và không ai có thể áp đặt được như thế nào là đúng.

Có khi nào mai này con cũng như thế, sẽ lập tức vỗ ngực phán xét những “đáp án” ngoài đáp án là dốt, là sai?

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.