.
Nghĩ

Thêm nhân văn

.

Đọc sách của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc rất thích. Ông viết về đủ thứ chuyện, dành cho nhiều đối tượng từ già đến trẻ, nhưng thích nhất vẫn là những bài có dính dáng đến ngành y. Trong cuốn “Ăn vóc học hay” viết năm 2012 dành cho các bạn trẻ vừa bước chân vào giảng đường đại học, ông kể câu chuyện (bài “Bớt kỹ thuật thêm nhân văn…”) rằng học sinh muốn thi ngành y ở Mỹ phải trải qua các phần kiểm tra kiến thức khoa học lẫn văn chương. Vào được trường y, sinh viên được học một chương trình đặc biệt kéo dài suốt 4 năm, đó là quan hệ thầy thuốc-bệnh nhân. Ở đây, sinh viên không chỉ học cách hỏi bệnh, phỏng vấn người bệnh, mà phải học cách tìm hiểu các vấn đề tâm lý, hoàn cảnh xã hội của bệnh nhân và gia đình, mối giao tình giữa thầy thuốc với bệnh nhân và gia đình người bệnh. Cũng vì chú trọng dạy bác sĩ cách nhìn người bệnh không chỉ ở mặt sinh lý, bệnh tật mà còn quan tâm sâu sắc về mặt tâm lý, xã hội của cá nhân cũng như của cộng đồng để không tách con người thành nhiều “mảnh vụn” khi đánh giá, nên tại Mỹ, ngành y lấy cả cử nhân văn chương vào học. Thế nên mới có những sinh viên ngành y vốn là họa sĩ, nhà nhân chủng học, miễn sao họ có đủ các chứng chỉ bắt buộc về sinh học, hóa học…

Thời của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, khi ông thi vào ngành y ở Việt Nam hơn 40 năm trước, ngoài các môn như bây giờ, ông phải trả lời thêm 20 câu hỏi bắt buộc… không liên quan đến công thức toán, lý, hóa, sinh như giá than, giá gạo. Trong khi đó, nhiều năm sau này, thí sinh chỉ cần giỏi các môn tự nhiên, nhất là toán, sinh coi như chắc mẩm trúng trường y dược. Chưa kể, cứ “đè” điểm thi tốt nghiệp xét luôn điểm… bác sĩ thì học sinh phớt lờ các môn xã hội để chăm chăm học toán, lý, hóa, cốt sao cao điểm vào trường y là phải. Như bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nói, bớt kỹ thuật thêm nhân văn, ngược lại, nếu chỉ coi trọng kỹ thuật thì nhân văn lu mờ ít nhiều, trong khi người bác sĩ đâu chỉ soi bệnh dưới góc độ sinh lý.
Người viết bài này chưa từng một giây ngồi giảng đường trường y, không biết mô tê chuyên môn y tế nên càng không hiểu trong trường y tây và ta dạy kiểu gì. Có điều, khi đọc những chuyện bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc kể và chiếu vào những chuyện “biết rồi, khổ lắm nói mãi!” ở các bệnh viện, càng thấy ông nói không sai.

Hôm rồi má nằm bệnh viện. Lúc má đang ngủ say, cô gái mặc blouse trắng đứng trước cửa buồng gọi to: “Bệnh nhân Phạm Thị V.!”. Nhìn thấy bảng tên khác màu, biết ngay em là sinh viên thực tập nhưng cũng lay má dậy để hỗ trợ em thăm bệnh. Tới giường bệnh, chẳng thưa chào, chẳng giới thiệu, em “bụp” liền rào rào mấy câu “phỏng vấn” không thấy danh xưng: “Đau sao? Lâu chưa? Một bên hay hai bên? Uống thuốc gì không?”... Câu nào câu nấy đúng là gọn lỏn. Má mắt nhắm mắt mở cứ dạ dạ, thưa thưa “bác” ngọt xớt. Mà có không buồn ngủ, cứ nhìn ai mặc blouse trắng là má tôn thành “bác” tuốt.

Có lần nằm trên bàn mổ, được mấy em sinh viên “chăm sóc” mà quá mỏi mệt. Mấy em túm lại loay hoay với cây kim chứa thuốc tê đặt trên sống lưng người bệnh. Không biết các em châm kiểu gì mà nghe bác sĩ hướng dẫn nói lạo xạo rằng sai tay, xoay không đúng gì đó. Cứ nghĩ nếu bệnh nhân nào cũng khó tính như mình thì lấy đâu ra dịp cho các em vọc tay nghề, nên ráng chịu qua trận. Không biết các em có hiểu bệnh nhân cảm giác thế nào khi tự chấp nhận làm “chuột bạch”, chỉ thấy các em cứ vô tư thử trên lưng người bệnh mà không một lời an ủi: Cố chịu đau chút anh/chị/cô/chú nhé!

Nhìn rộng ra, quả là đã có một thời gian quá dài thân thể sinh lý được bác sĩ, điều dưỡng coi trọng hơn con người của “tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Thế nên, rất nhiều vụ ồn ào, bức xúc trong các cơ sở y tế xuất phát từ trục trặc trong tâm lý tiếp xúc người bệnh chứ không phải vì tay nghề kém cỏi của bác sĩ. Tháng 6-2015, Bộ Y tế ban hành kế hoạch trong toàn ngành về “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng đến sự hài lòng của người bệnh”. Kế hoạch này có 8 nội dung, trong đó nội dung số 1 cần được đổi mới đầu tiên là: “Đến đón tiếp niềm nở, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo”. Đây được xem là đột phá của ngành y, nhưng thực ra là sự “sửa sai” sau thời gian quá dài coi chuyện khám, chữa bệnh như ban ơn hơn phục vụ.

Năm 2017, thi tốt nghiệp THPT sẽ có sự đổi mới về bài thi và cách làm bài thi. Trong đó, xuất hiện thêm các tổ hợp tự nhiên (lý, hóa, sinh) và tổ hợp xã hội (sử, địa, giáo dục công dân). Nghĩa là, nếu thế mạnh của các em là môn tự nhiên thì cũng phải quan tâm đến “tổ hợp xã hội” để kiếm điểm. Chỉ lo, nếu chỉ nỗ lực để kiếm điểm chứ không phải vì muốn có thêm phần “nhân văn” thì chẳng có gì đáng mừng trong cách tuyển chọn bác sĩ cho mai này.

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.